Nhật Bản giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu nới lỏng

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong bối cảnh lạm phát vẫn thấp, trong khi điều chỉnh đánh giá về xuất khẩu và sản lượng công nghiệp.
Nhật Bản giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Ảnh: reuters
Nhật Bản giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Ảnh: reuters

BoJ sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ngắn hạn ở mức -0,1% và duy trì mục tiêu lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức gần 0%.

BoJ cũng sẽ tiếp tục mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản và tăng lượng nắm giữ khoảng 80 nghìn tỷ yen (716 tỷ USD) một năm.

BoJ không thay đổi đánh giá rằng kinh tế Nhật Bản vẫn tăng trưởng khiêm tốn, nhưng nhận định xuất khẩu và sản lượng công nghiệp bị ảnh hưởng bởi sự giảm tốc của các nền kinh tế khác như Trung Quốc, với các dấu hiệu yếu gần đây. Trước đó, ngân hàng này nhận định xuất khẩu và sản lượng công nghiệp vẫn có xu hướng tăng trưởng.

Dưới sự điều hành của Thống đốc Haruhiko Kuroda, BoJ đã duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong sáu tháng qua trong nỗ lực kích thích nền kinh tế và thúc đẩy lạm phát lên mức 2%.

Tuy nhiên, kể từ cuối năm ngoái, kinh tế Nhật Bản bắt đầu mất đà tăng trưởng khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại do căng thẳng thương mại với Mỹ.

Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 1,9% trong quý IV/2018, sau khi giảm 2,4% trong quý III. Trong tháng Một, sản lượng công nghiệp và xuất khẩu của nước này giảm mạnh, gây lo ngại về sự giảm sút kéo dài.

Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc năm 2018 đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong gần ba thập niên qua.

Trong tháng này, Trung Quốc hạ dự báo tăng trưởng năm nay xuống khoảng 6-6,5% và đưa ra các kế hoạch kích thích kinh tế, bao gồm cắt giảm thuế, chi tiêu và tăng cường cho vay.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã phát đi tín hiệu về việc dừng thắt chặt chính sách tiền tệ kể từ tháng Một. Ngân hàng trung ương châu Âu cũng theo bước, công bố kế hoạch kích thích mới trong tháng này./.

Tin cùng chuyên mục