Những thị trường văn phòng phải chăng nhất Châu Á

(BĐT) - Theo JLL, Central Hongkong là thị trường cho thuê văn phòng đắt nhất thế giới, với tổng chi phí bao gồm tiền thuê, phí dịch vụ và thuế, cao hơn 60% so với Midtown New York và gần 75% so với West End London. Mỗi mét vuông văn phòng trong khu vực Central Hongkong có giá khoảng 3.638 USD một năm, cao hơn Đài Bắc 80%, hoặc Seoul là khoảng 70%.
Các công ty đa quốc gia đang dần chuyển hướng sang những thị trường mới nổi khác để tìm kiếm cơ hội mở rộng văn phòng
Các công ty đa quốc gia đang dần chuyển hướng sang những thị trường mới nổi khác để tìm kiếm cơ hội mở rộng văn phòng

Jeremy Sheldon, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương của JLL cho biết: “Do sự chênh lệch quá lớn, các công ty đa quốc gia đang dần chuyển hướng sang những thị trường mới nổi khác ngoài Hongkong để tìm kiếm cơ hội mở rộng văn phòng và cân đối tài chính”.

Điển hình là Yum! và Citibank đã lựa chọn Bangkok để mở rộng văn phòng, coworking WeWork vừa thành lập văn phòng tại Tp.HCM và tiếp tục ký một thỏa thuận tại Jakarta; JLL cũng chọn Bangalore cho văn phòng tiếp theo trong khu vực.

Chính vì sự chuyển hướng nói trên, nên JLL đã liệt kê ra 9 thị trường văn phòng có giá cả phải chăng nhất ở Châu Á - Thái Bình Dương để cho nhiều khách hàng có nhu cầu tham khảo.

JLL cho rằng, Tp.HCM là điểm nóng cho các nhà khởi nghiệp tại Đông Nam Á, do sở hữu một cộng đồng doanh nhân vững chắc, chi phí đầu tư thấp và lực lượng lao động trẻ và nhanh nhẹn. Lĩnh vực công nghệ đã đóng góp đáng kể vào nhu cầu cho thuê trên thị trường này với nhiều công ty có diện tích thuê trên 1.000 m2. Nguồn cung văn phòng hạng A dự kiến sẽ không tăng trong ít nhất hai năm tới, thế nên các dự án văn phòng hạng B chất lượng cao sắp ra mắt được kỳ vọng sẽ giảm bớt áp lực tăng giá của các tòa hạng A.

Mặc dù với tình trạng tắc nghẽn giao thông khá nghiêm trọng, Jakarta đã trở thành thị trường hàng đầu cho nhiều công ty đặt trụ sở tại Đông Nam Á như WeWork và Facebook. Với năm tòa nhà văn phòng hạng A hoàn thành từ đầu năm nay, nguồn cung văn phòng tăng hơn 365.000 m2. Tuy nhiên, tỷ lệ trống cao khiến giá thuê giảm sẽ giúp Jakarta là điểm đến phải chăng cho khách thuê.

Được mệnh danh là một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới bởi The Economist, Melbourne thu hút nhiều công ty quốc tế thành lập trụ sở lâu dài nơi đây. Năm nay, thành phố này đã chứng kiến nhu cầu mạnh mẽ nhất về không gian văn phòng trong hơn một thập kỷ, được thúc đẩy bởi các công ty viễn thông, công nghệ số và không gian linh hoạt. Sau giai đoạn giảm liên tục tỷ lệ trống trên thị trường kể từ cuối năm 2015, thị trường sẽ trở nên ổn định trong vòng 12-18 tháng tới.      

Thành phố vệ tinh Gurgaon của Delhi là nơi đặt nhiều trụ sở công ty tài chính và công nghiệp, và là một trong những thành phố đầu tiên của Ấn Độ hỗ trợ loại hình công ty ngoại cảnh (offshore). Khách thuê công nghệ được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu cho các tòa nhà trong đặc khu kinh tế và khu công nghệ CNTT. Các công ty trong lĩnh vực ngân hàng-tài chính-bảo hiểm, sản xuất, tư vấn và thương mại điện tử cũng được dự đoán sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu văn phòng ở đây.

Thành phố Auckland còn khá hạn chế về nguồn cung văn phòng hạng sang, điều này khiến các công ty phải xem xét các lựa chọn không gian văn phòng trung cấp, cần đầu tư tân trang để có thể đáp ứng yêu cầu về không gian văn phòng cao cấp của họ. Cùng với giá thuê dự kiến sẽ tăng, mức độ ưu đãi được đưa ra cũng sẽ tăng trong bối cảnh nhiều nguồn cung mới sắp ra mắt. Ngành công nghiệp không gian linh hoạt vẫn giữ mức tăng trưởng trong thị trường văn phòng Auckland, với một số dự án đang được tiến hành xây dựng hoặc đã được đề xuất.

Năm nay, các tập đoàn đa quốc gia lớn thu tóm văn phòng ở Bangkok, bao gồm cả ông lớn thương mại điện tử Trung Quốc JD.com, Yum! và Citibank. Các nhà điều hành coworking tiếp tục thúc đẩy nhu cầu cho thuê, như việc WeWork và JustCosigning đã ký thỏa thuận mới trong các dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019.

Thành Đô là một trong những trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế quan trọng của Trung Quốc. Trong năm 2013, sự bùng nổ văn phòng hạng A đã khiến thị trường dư cung, kéo theo giá thuê giảm. Với chi phí lao động và vận hành tương đối thấp cùng môi trường kinh doanh trưởng thành đã giúp thành phố này thu hút nhiều công ty lớn trong nước như ByteDance và Smartisan đến thành lập trụ sở. Thị trường này cũng tiếp tục là điểm nóng thu hút nhiều công ty chuyên về nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Manila hiện thu hút các công ty đang tìm kiếm các lựa chọn thuê ngoài và thành lập công ty ngoại cảnh. Các công ty công nghệ, bao gồm trò chơi trực tuyến, thương mại điện tử và các nhà khai thác không gian linh hoạt tiếp tục chiếm số đông khách thuê. Lực lượng lao động sử dụng tiếng Anh lưu loát đạt tỷ lệ 96%.

Là một thành phố thân thiện với doanh nghiệp, Kuala Lumpur tiếp tục là nơi thu hút nhiều tập đoàn. Nhưng một số doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm đang rục rịch chuyển đến các khu vực cận trung tâm, nơi từ xưa là đại bản doanh của các công ty coworking và công ty công nghệ chuyên về thương mại điện tử, bán lẻ trực tuyến và công nghệ y tế.

"Tất nhiên, giá rẻ chưa phải là tất cả. Vị trí và không gian làm việc đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút và giữ chân nhân tài, vì vậy những yếu tố như liên kết giao thông tốt, cơ sở vật chất tiện nghi và chất lượng kết nối kỹ thuật số cũng là yếu tố tiên quyết", Jeremy Sheldon nhận xét.

Tin cùng chuyên mục