Sau khi “chinh phục” Ấn Độ, Xiaomi tiếp tục theo đuổi thị trường châu Âu

(BĐT) - Theo CNN Money, nhà sản xuất smartphone Trung Quốc Xiaomi đang tích cực theo đuổi các thị trường châu Âu như Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Việc mở rộng này được thực hiện trước khi Xiaomi tiến hành IPO – dự kiến sẽ đem về hàng tỷ USD cho công ty trong mùa hè này.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Xiaomi được biến đến là nhà sản xuất smartphone giá rẻ có hiệu suất cao, phần lớn doanh thu của hãng - hơn 70% - đến từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây Xiaomi đã xâm nhập vào thị trường các nước châu Á khác, và vượt qua Samsung để trở thành hãng bán smartphone hàng đầu tại Ấn Độ. Hiện tại, Xiaomi đang tìm cách lặp lại thành công này tại các thị trường lớn của châu Âu, với một sự khởi đầu mạnh mẽ.

Xiaomi hiện là công ty smartphone lớn thứ tư tại châu Âu, xếp sau Samsung, Apple và đối thủ Huawei, theo hãng nghiên cứu IDC và Canalys. Hãng đang đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ tại thị trường Tây Ban Nha, Hy Lạp và Nga.

Chuyên gia phân tích Francisco Jeromino thuộc IDC tại London (Anh) cho biết sự xuất hiện của Xiaomi tại châu Âu khiến ông nhớ tới thành công ban đầu của điện thoại iPhone. “Tôi chưa thấy bất kỳ nhà cung cấp nào khác có thể thu hút và thúc đẩy nhu cầu trực tiếp của người tiêu dùng như Xiaomi hiện tại và Apple trong quá khứ”, ông Jeromino nói.

Xiaomi đang trên đà phát triển, và hãng đã ra mắt tại Pháp và Ý với các cửa hàng mới ở Paris và Milan hồi cuối tháng trước.

Mặc dù Xiaomi đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng, song hãng vẫn chưa thể theo kịp những nhà sản xuất hàng đầu. Theo Canalys, Xiaomi đã bán được 2,4 triệu chiếc smartphone tại châu Âu trong quý trước, thấp hơn nhiều so với 15,2 triệu chiếc của Samsung, 10,2 triệu chiếc của Apple và 7,4 triệu chiếc của Huawei.

“Lượng smartphone bán ra dường như chưa phải là lớn lúc này, song mức độ mở rộng của Xiaomi là ấn tượng, khi xét trong chưa đầy một năm kể từ khi hãng bước vào thị trường châu Âu”, chuyên gia phân tích Ben Stanton thuộc Canalys cho biết.

Việc duy trì đà tăng trưởng như hiện nay, đặc biệt tại các nước như Pháp và Anh, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ của Xiaomi với các nhà cung cấp dịch vụ không dây. Theo IDC, có tới 50% người tiêu dùng Tây Âu mua smartphone của Xiaomi thông qua các nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, việc xây dựng mối quan hệ với các hãng cung cấp dịch vụ tại châu Âu phức tạp hơn chiến lược ưu thích của Xiaomi khi bán điện thoại trực tiếp thông qua kênh bán hàng trực tuyến, các nhà bán lẻ hoặc cửa hàng của riêng hãng.

Cho đến nay, Xiaomi đã thành công tại châu Âu bằng cách giành giật thị phần của các nhà sản xuất smartphone tầm thấp và tầm trung khác. Trong năm tới, giới phân tích dự đoán Xiaomi sẽ tập trung mở rộng vào thị trường châu Âu càng nhiều càng tốt, và cuối cùng là sẽ đưa ra những chiếc điện thoại đắt tiền hơn.

Xiaomi cũng thể hiện sự quan tâm đến thị trường Mỹ. Giám đốc điều hành của hãng, ông Lei Jun, trước đây đã từng nói rằng ông muốn Xiaomi hiện diện tại Mỹ vào đầu năm tới.

Tuy nhiên đây có thể là một thách thức khó khăn hơn khi xâm nhập thị trường châu Âu. Các nhà sản xuất smartphone lớn của Trung Quốc là Huawei và ZTE đã phải đối mặt với những vấn đề tại Mỹ, bao gồm cáo buộc từ các cơ quan chính phủ Mỹ rằng thiết bị của họ có khả năng gây ra rủi ro liên quan đến an ninh quốc gia.

Xiaomi hi vọng có thể sử dụng thành công ở châu Âu để định hình chiến lược tại Mỹ. “Thị trường châu Âu sẽ là bước đệm”, ông Staton cho biết. 

Tin cùng chuyên mục