Startup chia sẻ văn phòng WeWork có thể được định giá 35 tỷ USD

Với mức định giá này, WeWork sẽ trở thành startup lớn thứ 2 thế giới sau Uber...
Ảnh: WeWork Cos
Ảnh: WeWork Cos

Startup chia sẻ văn phòng WeWork đang huy động vốn với định giá 35 tỷ USD, Rajeev Misra, giám đốc của quỹ đầu tư Vision Fund của tập đoàn SoftBank - một nhà đầu tư lớn của WeWork, cho biết trong một hội nghị tại London (Anh) mới đây. 

Mức định giá này sẽ giúp WeWork - có trụ sở tại New York (Mỹ), "qua mặt" một số startup lớn của Mỹ như Airbnb, SpaceX và trở thành startup lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Uber.

Ông Rajeev Misra, cũng là giám đốc điều hành SoftBank Investment Advisors, nói rằng dù mức định giá hiện tại của WeWork bị cho là quá cao, công ty này đang huy động vốn ở định giá 35 tỷ USD, theo một nguồn tin theo dõi bài phát biểu tại hội thảo CogX ở London. Vòng gọi vốn 760 triệu USD vào tháng 7 năm ngoái đã nâng định giá của startup này lên 20 tỷ USD.

Misra cho rằng WeWork có thể trở thành một công ty 100 tỷ USD trong vài năm tới. Tuy nhiên, ông không đưa thêm thông tin về việc SoftBank có tham gia vòng gọi vốn sắp tới của WeWork hay không. 

WeWork là startup cung cấp văn phòng chia sẻ cho nhiều công ty từ startup cho tới những tập đoàn lớn. Công ty này đã huy động được nhiều tỷ USD, bao gồm 4,4 tỷ USD vào tháng 8 năm ngoái từ SoftBank. 

Để huy động thêm vốn, tháng 4 vừa rồi, WeWork đã phát hành 702 triệu USD trái phiếu không đảm bảo kỳ hạn 7 năm. Các tài liệu chào bán trái phiếu của công ty này cho thấy doanh thu tăng nhanh chóng nhưng lỗ thậm chí tăng nhanh hơn. 

Năm 2017, WeWork đạt tổng doanh thu 886 triệu USD nhưng lại lỗ ròng 933 triệu USD. Công ty này cũng đã cam kết trả 18 tỷ USD tiền thuê cho các tòa nhà đang thuê trong vài năm tới, trong đó, có 5 tỷ USD tới hạn trong vòng 4 năm tới. 

WeWork hiện có 256.000 thành viên tại 22 quốc gia và được dự báo sẽ có 400.000 thành viên vào cuối năm nay. Việc mở rộng nhanh chóng cùng với nhiều thương vụ thâu tóm khiến WeWork trở thành "cỗ máy đốt tiền". Nhiều người cho rằng mô hình thuê nhà dài hạn, thiết kế văn phòng sau đó cho thuê lại của WeWork không xứng đáng với định giá lớn như vậy. 

"Nếu xem WeWork là một công ty bất động sản thì nó không đáng giá tới mức ấy",  Barry Sternlicht, CEO của Starwood Capital Group nói với tờ Wall Street Journal vào tháng 10/2017. 

Tuy nhiên, các nhà đầu tư của WeWork cho rằng startup này vượt trội hơn so với các công ty bất động sản và có thể cung cấp những dịch vụ kèm theo đáng tiền. 

Trong một cuộc phỏng vấn với Business Insider, giám đốc điều hành của WeWork - Shiva Rajaraman, cho biết công ty đã phát triển nhiều loại hình dịch vụ mới, trong đó có Powered by We. Đây là dịch vụ quản lý văn phòng nhắm tới các doanh nghiệp lớn được ra mắt vào năm ngoái và có thể mang về WeWork nguồn thu ổn định hơn 

"Nhiều doanh nghiệp lớn có diện tích văn phòng nhiều hoặc ít hơn so với nhu cầu thực. Nếu có nhiều hơn, họ có thể làm việc với chúng tôi, cho thuê lại một tầng để biến thành một văn phòng chia sẻ WeWork. Việc này giúp họ có được sự linh hoạt", cho biết.

Rajaraman cho biết những khách hàng sử dụng dịch vụ này gồm nhiều công ty lớn như IBM và Airbnb. 

Tin cùng chuyên mục