Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ giảm tốc mạnh

Dù mức tăng trưởng trên 7% vẫn giúp Ấn Độ duy trì vị trí "ngôi sao", nhưng triển vọng kém khả quan hơn có thể dẫn tới những bất ổn trong chính sách tiền tệ và tài khóa...
Nhiều áp lực lớn đối với kinh tế Ấn Độ đã được giải tỏa vài tuần trở lại đây - Ảnh: Getty Images.
Nhiều áp lực lớn đối với kinh tế Ấn Độ đã được giải tỏa vài tuần trở lại đây - Ảnh: Getty Images.

Theo số liệu chính thức, tăng trưởng GDP của Ấn Độ đạt 7,1% trong quý 3/2018 - giảm tốc mạnh từ mức tăng 8,2% của quý trước, CNN cho biết. 

Mức tăng trưởng này thấp hơn mọi dự báo của các nhà phân tích, theo khảo sát của Bloomberg. Dù vậy, tăng trưởng của Ấn Độ vẫn vượt qua Trung Quốc (6,5% trong cùng kỳ) và tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. 

Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ đang được theo dõi chặt chẽ trước thềm cuộc tổng bầu cử vào năm tới. Thủ tướng Narendra Modi đắc cử vào năm 2014 sau chiến dịch cam kết thúc đẩy kinh tế Ấn Độ và tạo ra hàng triệu việc làm. 

Shilan Shah, nhà kinh tế tại Capital Economics, nhận định mức tăng trưởng thấp trong quý 3 sẽ khó tiếp tục lặp lại trong các quý tới. "Kinh tế Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trong những tháng tới, nhờ chính sách tài khóa được nới lỏng trước thềm cuộc tổng bầu cử năm sau", Shah nhận định. 

Pranjul Bhandari, chuyên gia kinh tế tại HSBC, dự báo tăng trưởng GDP của nước này sẽ duy trì trên 7% trong vài quý tới - mức có thể được duy trì mà không gây ra "bất ổn về kinh tế vĩ mô". 

Nhiều áp lực lớn đối với kinh tế Ấn Độ đã được giải tỏa vài tuần trở lại đây. Giá dầu giảm 35% từ đầu tháng 10 đã giúp ích không nhỏ cho Ấn Độ - một trong những nhà xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới. Đồng nội tệ Rupee của nước này cũng tăng hơn 5% so với đồng USD trong tháng qua sau nhiều đợt chạm đáy từ đầu năm nay.

Nhà kinh tế Shah cho rằng Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức hiện tại sau cuộc họp vào thứ 4 tuần này. Ngân hàng này đã giữ lãi suất ở mức 6,5% từ tháng 10 sau 2 đợt tăng từ đầu năm nay. 

Tuy nhiên, cũng giống nhiều nền kinh tế châu Á, tăng trưởng của Ấn Độ bị ảnh hưởng trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy giảm và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Dù mức tăng trưởng trên 7% vẫn giúp nước này duy trì vị trí "ngôi sao", nhưng triển vọng kém khả quan hơn có thể dẫn tới những bất ổn trong chính sách tiền tệ và tài khóa. 

Các mục tiêu về ngân sách có thể chịu áp lực lớn khi tăng trưởng giảm khiến chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đẩy mạnh chi tiêu trước cuộc bầu cử năm sau. Điều này có thể sẽ gây ra căng thẳng với Ngân hàng Dữ trữ Ấn Độ khi chính phủ đang thúc giục thống đốc Urjit Patel cùng đội ngũ của mình nới lỏng hơn nữa các biện pháp thắt chặt tín dụng.

Tin cùng chuyên mục