Trump - ẩn số đầy thách thức với 'phiên bản châu Á' Duterte

Tổng thống Philippines ca ngợi tổng thống đắc cử Mỹ, nhưng sẽ gặp nhiều thách thức khi tái khởi động quan hệ với chính quyền mới ở Washington.
Tổng thống Philippines Duterte (trái) và Tổng thống đắc cử Mỹ Trump. Ảnh:CBS
Tổng thống Philippines Duterte (trái) và Tổng thống đắc cử Mỹ Trump. Ảnh:CBS

Vài tháng qua, nhiều quan chức ngoại giao Mỹ đã gặp gỡ tướng Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, để xin lời khuyên về cách diễn giải những lời nói của Tổng thống Rodrigo Duterte. Nhưng tình hình có thể đảo chiều sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ và trở thành một "ẩn số" khó đoán với Philippines, theo Washington Post.

Từ khi nhậm chức hồi tháng 6, ông Duterte – người từng được gọi là "Donald Trump của châu Á" - đã nhiều lần có những phát ngôn tiêu cực nhắm vào đồng minh mạnh nhất của Philippines. Ông xúc phạm Tổng thống Barack Obama, đe dọa đuổi lính Mỹ khỏi các căn cứ ở nước này, rồi kết thân với Trung Quốc và hết lời ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Những tuyên bố của ông Duterte đã đẩy mối quan hệ Mỹ - Philippines xuống thấp nhất trong nhiều thập kỷ, khi cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đều không thể nắm bắt được ý định thực sự của ông chủ Điện Malacanang. Một số quan chức Mỹ đã tỏ ra tức giận thực sự sau khi ông Duterte tuyên bố "chia tách" với Mỹ trong chuyến công du tới Trung Quốc.

Tuy nhiên, tình hình có khả năng sẽ thay đổi sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Chiến thắng của tỷ phú bạo miệng tạo cơ hội cho ông Duterte "khởi động lại" quan hệ song phương sau khởi đầu đầy thảm họa với ông Obama. Ông Duterte dường như cũng đã biết nắm bắt cơ hội này, khi hết lời ca ngợi Trump và chỉ ra những điểm tương đồng giữa mình với tỷ phú.

"Tôi muốn chúc mừng ông Donald Trump. Muôn năm", ông Duterte phát biểu trong chuyến thăm tới Malaysia, sau khi nhận được tin ông Trump đắc cử. "Chúng tôi đều chửi thề vì những lý do đơn giản nhất. Chúng tôi đều giống nhau".

Ông Duterte cũng ám chỉ rằng quan hệ hai nước sẽ bớt sóng gió hơn khi ông Trump nhậm chức. "Tôi sẽ không tranh cãi với Mỹ nữa, vì ông Trump đã thắng", Duterte khẳng định.

Richard Javad Heydarian, chuyên gia về khoa học chính trị tại Đại học De La Salle ở Manila, cho rằng Duterte hoan nghênh Trump bởi ông cảm thấy Tổng thống đắc cử Mỹ "sẽ không quá bận tâm với vấn đề dân chủ và nhân quyền" như người tiền nhiệm, và sẽ không chỉ trích các chính sách đối nội của Philippines, đặc biệt là chiến dịch chống ma túy đẫm máu nước này đang thực hiện.

Thách thức

Thế nhưng quá trình "khởi động lại" quan hệ giữa hai nước cũng có thể gặp rất nhiều khó khăn bởi chính điểm chung giữa hai nhà lãnh đạo, đó là sự thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại, các chuyên gia phân tích nhận định.

Các nhà ngoại giao đương chức và nghỉ hưu lẫn các chuyên gia quốc phòng của Philippines đều cho rằng tương lai quan hệ Mỹ - Philippines phụ thuộc rất lớn vào cách mà ông Duterte nhận thức về ông Trump và ngược lại. Trở ngại duy nhất hiện nay là cả hai bên đều thiếu những thông tin cần thiết về đối tác để thực hiện điều đó.

Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana thừa nhận rằng trong quá trình ông Trump tranh cử, các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ chỉ có thể cung cấp cho phía Philippines một chút định hướng về chính sách đối ngoại của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa. Khi được hỏi chiến thắng của ông Trump có ý nghĩa như thế nào với quan hệ song phương, Lorenzana chỉ đơn giản lắc đầu: "Chúng tôi không biết".

Về phần mình, ông Trump cũng chưa đưa ra kế hoạch chi tiết về chương trình đối ngoại của mình, đặc biệt là quan hệ với các đồng minh ở châu Á. Tuy nhiên, những phát ngôn trong quá trình tranh cử cho thấy ông sẽ tập trung hơn vào các vấn đề đối nội để "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại", thay vì đặt ưu tiên vào chiến lược tái cân bằng châu Á như người tiền nhiệm Obama.

Việc ông Trump chỉ tập trung vào vấn đề kinh tế, việc làm của Mỹ cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến Philippines. Ông Trump đe dọa sẽ áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, làm gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các chuyên gia phân tích cho rằng khi cuộc chiến đó nổ ra, Philippines chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng.

Heydarian cũng lo ngại rằng chính quyền mới của Mỹ có thể chấp nhận đánh đổi những vấn đề quan trọng của khu vực châu Á, chẳng hạn như Biển Đông, để lấy những lợi ích về thương mại, khiến Trung Quốc có thể quyết liệt hơn trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở khu vực, nhận định.

Tedsuo Kotani, nghiên cứu viên cao cấp, Học viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản từng nhận định rằng nếu Trung Quốc đưa ra cam kết với ông Trump rằng họ sẽ không bao giờ gây khó dễ cho các tàu hàng của Mỹ hoạt động ở Biển Đông, ông "có thể gật đầu với họ và nhượng bộ vấn đề Biển Đông".

Việc ông Trump không hề đề cập đến vấn đề châu Á trong các cuộc tranh luận của mình khiến Philippines sẽ phải theo dõi sát sao để tìm hiểu về quan điểm của tổng thống đắc cử Mỹ đối với khu vực và với Manila.

Trong bối cảnh hiện nay, việc Tổng thống Duterte dịu giọng với Mỹ và tán dương ông chủ tương lai của Nhà Trắng thay vì lăng mạ ông Trump là một tín hiệu tốt đối với Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana. "Ơn Chúa, thật chẳng thoải mái gì khi đứng sau Tổng thống Duterte trong lúc ông ấy công kích ai đó, các bạn biết đấy", vị tướng này cho biết. 

Tin cùng chuyên mục