3 tác nhân làm tăng lãi suất

(BĐT) - Bên cạnh việc cần vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay tăng vào dịp cuối năm, các ngân hàng phải đối mặt với yêu cầu về tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn, đồng thời, để “nuôi” nợ xấu đang ở mức cao. Đây được coi là những nguyên nhân chính khiến lãi suất các ngân hàng bước vào đợt tăng tiếp theo.
Thị trường đang chứng kiến đợt tăng lãi suất mới của một số ngân hàng. Ảnh: Việt Trần
Thị trường đang chứng kiến đợt tăng lãi suất mới của một số ngân hàng. Ảnh: Việt Trần

Đáp ứng vốn vay trung dài hạn

Sau đợt tăng lãi suất trong tháng 10, thị trường đang chứng kiến đợt tăng lãi suất mới của một số ngân hàng. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa thông báo thay đổi biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm với mức tăng 0,1 - 0,2% tại một số kỳ hạn, hiện mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại ngân hàng này đang là 7,7% với kỳ hạn 36 tháng.

Tại VPBank, lãi suất huy động của khách hàng cá nhân từ đầu tháng 11 tiếp tục tăng lên khoảng 0,1% ở hầu hết kỳ hạn so với tháng 10. Hiện tại, mức lãi suất của ngân hàng này dao động từ 5,1 - 7,3% với các kỳ hạn khác nhau. Một số ngân hàng khác cũng tăng lãi suất huy động từ 0,1% - 0,2% tùy theo các kỳ hạn và kèm điều kiện về số tiền gửi.

Quan sát diễn biến này, nhiều ý kiến cho rằng, các đợt đẩy lãi suất huy động cuối năm không chỉ nhằm tăng vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay, mà còn để có đủ lượng vốn phù hợp quy định tại Thông tư 16/2018/TT-NHNN. Nội dung đáng chú ý tại văn bản này là từ ngày 1/1/2019, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn phải giảm từ mức 45% hiện hành xuống còn 40%.

Bình luận về điều này, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Học viện Tài chính nói: “Đợt tăng vốn này chủ yếu là để đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn khi thời hạn áp dụng đang đến rất gần. Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm, nhiều ngân hàng còn hạn mức tín dụng cũng muốn đẩy mạnh cho vay để tăng lợi nhuận cùng thời điểm nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng mạnh. Đó là hai nguyên nhân chính dẫn đến các đợt tăng lãi suất gần đây”. 

Đối phó nợ xấu

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, vẫn còn một nguyên nhân sâu xa hơn khiến lãi suất tiếp tục tăng. Đó là để đối phó với nợ xấu ở mức cao. Có nghĩa là, đến hạn thanh toán tiền vay cho ngân hàng mà bên nợ không trả nợ, trong khi đó, các khoản tiền gửi của khách hàng khác cũng đến hạn tất toán khiến ngân hàng rơi vào tình trạng thiếu hụt tiền. “Trong tình huống đó, nếu nhiều người gửi tiền rút tiền thì ngân hàng sẽ gặp khó khăn. Do đó, ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để hút tiền bù đắp cho các khoản cho vay đến hạn mà không thu hồi được nợ, hay còn gọi là nuôi “nợ” xấu bằng huy động vốn. Đáng chú ý, nợ xấu của nhiều ngân hàng cũng đang ở mức cao khiến tình trạng này càng trở nên căng thẳng. Kết quả là, có dấu hiệu của một cuộc đua lãi suất đang diễn ra”, vị chuyên gia này lý giải.

Đà tăng lãi suất này cũng gây quan ngại về nguy cơ có thể đẩy lãi suất cho vay lên mặt bằng mới dù một số ngân hàng từng khẳng định sẽ giữ ổn định lãi vay cho khách hàng.

Bình luận về điều này, ông Nguyễn Đức Độ cho rằng, việc các ngân hàng giữ ổn định lãi suất đầu ra trong khi lãi suất đầu vào tăng là rất khó, bởi lẽ, hầu như không có ngân hàng nào chấp nhận chịu thiệt trong kinh doanh nguồn vốn như vậy.

Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất cho vay chỉ có thể giữ ổn định trong tình huống này khi ngân hàng chấp nhận hy sinh một phần biên độ lợi nhuận. “Nếu lãi suất đầu vào tăng lên mà lãi suất đầu ra giữ nguyên nghĩa là ngân hàng bị giảm lợi nhuận và có thể hụt vốn. Mặt khác, hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp ngân hàng khẳng định không tăng lãi suất cho vay nhưng thực tế lại tăng chi phí dịch vụ để bù đắp phần hao hụt đó. Họ sẽ tìm cách lấy lại bằng cách này hay cách khác chứ không đời nào chịu thiệt. Bắt các ngân hàng hy sinh lợi nhuận là điều không khả thi và thiếu thực tế”, vị chuyên gia này nhận định.

Từ góc độ khác, lãi suất thiết lập mặt bằng mới sẽ góp phần đẩy chi phí vốn của các doanh nghiệp, từ đó làm tăng giá thành hàng hóa, dịch vụ trên thị trường và gây quan ngại với nỗ lực kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Độ, mặt bằng lạm phát năm nay không đáng lo ngại bởi giá cả nhiều hàng hóa và dịch vụ được giữ khá ổn định nên mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm ở mức 4% hoàn toàn có thể bảo đảm. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất tăng có thể làm tăng lạm phát, song ở chiều ngược lại, khi lãi suất tăng thì doanh nghiệp cũng có xu hướng giảm vay vốn từ ngân hàng, nhờ đó, lượng tiền đổ ra nền kinh tế sẽ giảm và có tác động tích cực với việc kiềm chế lạm phát.

Tin cùng chuyên mục