Chính sách tài chính tiền tệ: Ứng phó linh hoạt với các cú sốc

(BĐT) - Diễn biến giá dầu thế giới trong năm 2016 được dự báo sẽ tác động tiêu cực lên thị trường ngoại hối và chính sách tỷ giá của các nước, đồng thời làm phức tạp thêm thị trường tài chính toàn cầu. 
FED có thể sẽ điều chỉnh tăng lãi suất thêm từ 2 - 4 lần trong năm 2016. Ảnh: NC st
FED có thể sẽ điều chỉnh tăng lãi suất thêm từ 2 - 4 lần trong năm 2016. Ảnh: NC st

Nhiều cú sốc trên thị trường tài chính tiền tệ

Năm 2015 chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế tài chính tiền tệ toàn cầu kéo theo hàng loạt các động thái chống đỡ về tiền tệ, tỷ giá của ngân hàng trung ương (NHTW) nhiều nước. Sự ngược chiều trong điều hành chính sách tiền tệ của FED và các NHTW khác với sức mạnh phục hồi nghiêng về phía Mỹ trong khi châu Âu, Nhật Bản và các nền kinh tế mới nổi tiếp tục loay hoay tìm ra lối thoát tạo làn sóng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi để quay về Mỹ tìm kiếm lợi suất đang gia tăng từ đồng USD. Ngày 16/12/2015, FED đã chính thức tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất điều hành, từ mức 0 - 0,25%/năm lên 0,25 - 0,5%/năm, bắt đầu chu kỳ bình thường hóa chính sách tiền tệ sau 9 năm nới lỏng.

Đáng chú ý, trong tháng 8/2015, thị trường tài chính tiền tệ trải qua các cú sốc lớn và bất ngờ, nằm ngoài dự đoán của các quốc gia, tổ chức trên toàn cầu. Ngày 11/8/2015, Trung Quốc đột ngột phá giá tiền tệ 1,9% và áp dụng cơ chế xác định tỷ giá tham chiếu mới đã tác động nặng nề đến tâm lý nhà đầu tư, gây lo ngại về chiến tranh tiền tệ.

Giá dầu giảm sẽ tác động tiêu cực lên nguồn thu ngoại tệ và gây áp lực giảm giá đối với đồng tiền của các nước xuất khẩu dầu mỏ.

Ông Bùi Quốc Dũng,  Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước

Ngay trong ngày 11/8/2015, đồng tiền của các nước châu Á và các nền kinh tế mới nổi đều đồng loạt giảm giá từ 0,5 - 3%. Chưa đầy 2 tuần sau cú sốc điều chỉnh đồng Nhân dân tệ (CNY), thị trường tài chính thế giới lại trải qua “ngày Thứ hai đen tối” với sự sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc, châm ngòi cho hành động bán tháo trên khắp các thị trường chứng khoán quốc tế, đẩy nhiều đồng tiền châu Á vào một đợt giảm giá mạnh khác so với USD.

Cộng thêm vào những cú sốc này, diễn biến giá dầu thế giới cũng tác động tiêu cực lên thị trường ngoại hối và chính sách tỷ giá của các nước xuất khẩu dầu mỏ, càng làm phức tạp thêm thị trường tài chính toàn cầu. Năm 2015, giá dầu lao dốc ngoài dự đoán trước tình trạng dư cung và xung đột địa chính trị gia tăng.

Nếu như thời điểm cuối năm 2014, nhiều dự báo cho rằng, giá dầu sẽ chỉ giảm đến hết quý II/2015 và phục hồi trở lại sau đó. Tuy nhiên, trên thực tế giá dầu đã liên tục giảm trong cả năm, xuống mức thấp kỷ lục trong bảy năm qua, tác động tiêu cực lên nguồn thu ngoại tệ và gây áp lực giảm giá đối với đồng tiền của các nước xuất khẩu dầu.

Phản ứng linh hoạt của các ngân hàng trung ương

Những cú sốc trên đây đã dẫn đến sự mạnh lên tất yếu của đồng USD, khiến đồng bản tệ của một số nước lao đao, buộc NHTW nhiều nước phải sử dụng các biện pháp mạnh để chống đỡ áp lực giảm giá kỷ lục của đồng bản tệ. Các biện pháp mà các NHTW sử dụng phổ biến nhất là tăng lãi suất và bán ngoại tệ để can thiệp, khiến dự trữ ngoại hối của các nước sụt giảm đáng kể. Thậm chí, có nước không đủ sức chống đỡ, buộc phải từ bỏ chế độ neo tỷ giá cố định để chuyển sang thả nổi tỷ giá.

Điển hình như trường hợp của NHTW Brazil liên tục phải bán ngoại tệ đồng thời tiếp tục giữ mức lãi suất 14,25%/năm, mức cao nhất trong vòng 9 năm. NHTW Peru đã tăng lãi suất lên 3,75%/năm trong tháng 12/2015, mức cao thứ 2 trong vòng 4 tháng qua, đồng thời phải bán ngoại tệ và thắt chặt các hợp đồng phái sinh để hỗ trợ đồng Sol. NHTW Georgia tăng lãi suất tái cấp vốn từ mức 7%/năm lên mức 7,5% từ tháng 11/2015 và bán ngoại tệ để can thiệp khiến dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm 220 tỷ USD.

NHTW Nga đã dừng chương trình mua vào USD và không gom dự trữ ngoại hối trong những tháng cuối năm 2015 để giảm bớt áp lực giảm giá của đồng Ruble sau khi đồng Ruble giảm hơn 10% trong tháng 7/2015. Một số quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn như Kazakhstan và Azerbaijan đã từ bỏ chế độ tỷ giá cố định do NHTW không thể chống đỡ áp lực giảm giá quá mạnh của đồng bản tệ.

Theo dự báo, bối cảnh thế giới trong những năm tới sẽ có những thay đổi căn bản và ngày càng trở nên phức tạp. Mỹ bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, theo đó lãi suất chủ đạo của FED sẽ tăng với cường độ nhiều hơn năm 2015 trong khi các NHTW khác vẫn duy trì nới lỏng tiền tệ.

Các dự báo hiện nay cho thấy, FED có thể sẽ điều chỉnh tăng lãi suất thêm từ 2 - 4 lần trong năm 2016, hướng đến mức lãi suất 1,4%/năm vào cuối năm 2016. Vì vậy, nhiều khả năng NHTW các nước sẽ nhanh chóng xây dựng một hệ thống cơ chế tỷ giá linh hoạt, đồng bộ, phù hợp, ứng phó linh hoạt với những thay đổi bất ngờ của thị trường tài chính, tiền tệ.

Tin cùng chuyên mục