Có nên chặn hạn mức thanh toán bằng ví điện tử?

(BĐT) - Một trong những nội dung nhận được nhiều quan tâm của đông đảo doanh nghiệp fintech, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán là việc áp dụng hạn mức giao dịch qua ví điện tử (tối đa không quá 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng đối với cá nhân; 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng đối với tổ chức).

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp cho Dự thảo Thông tư sửa đổi. Ảnh: Trần Nam.
Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp cho Dự thảo Thông tư sửa đổi. Ảnh: Trần Nam.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện cơ quan soạn thảo – Vụ Thanh toán, Ngân hàng nhà nước  (NHNN), các doanh nghiệp, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, trung gian thanh toán và thương mại điện tử.

Sở dĩ đưa ra hạn chế như vậy, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, là nhằm giảm rủi ro các dịch vụ này bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp.

Tuy nhiên, không ít ý kiến tại Hội thảo đã bày tỏ băn khoăn về cơ sở pháp lý và nhu cầu thực tế để áp dụng hạn mức này.

Theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, cơ quan soạn thảo cần tính đến thực tế thu nhập bình quân đầu người tăng, tiêu dùng cá nhân cũng gia tăng rất nhanh, để đặt ra hạn mức không kìm hãm thanh toán điện tử.

“Nếu chủ ví cần dùng nhiều hơn hạn mức này trong một tháng thì sao? Tôi nghĩ nên cân nhắc mức lớn hơn, 150 triệu hay 200 triệu đồng chẳng hạn”, ông Lực đề xuất.

“Bản chất của ví điện tử là tài sản của người dùng”, ông Trần Quang Huy – Chủ tịch Câu lạc bộ Công nghệ tài chính thuộc Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh. Do đó, ông Huy cho rằng người dùng có quyền định đoạt đối với tài sản của mình.

Lấy ví dụ cụ thể về lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử cho biết, một người có thể giao dịch đặt vé máy bay hay tour du lịch cho cả gia đình, một nhóm nhiều người đi Hàn Quốc thì giá trị thanh toán lên tới 300 – 400 triệu là chuyện bình thường.

“Mặc dù thương mại điện tử có những tăng trưởng vượt bậc trong thời gian gần đây, nhưng thanh toán điện tử vẫn đang là điểm nghẽn, do đó cần có cơ chế khuyến khích thay vì hạn chế”, ông Hưng đề nghị. “Nên chăng, cần tăng độ mở của hạn mức này. Đối với những giao dịch có quy mô lớn như vậy thì cần có thêm cơ chế để quản lý chặt hơn”.

Ngay bản thân phía Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội – một doanh nghiệp đã có hoạt động liên kết với 4 đơn vị thu hộ và 4 đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử cũng cho rằng, hạn mức 20 triệu đồng như trên là rất hạn chế đối với việc thanh toán mua vé tàu hỏa cho một nhóm người. Việc chấp nhận cơ chế mở trong thanh toán điện tử sẽ giúp tăng thêm nhiều tiện ích dịch vụ, khuyến khích người dùng sử dụng nhiều hơn.

Về phía doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ví điện tử, ông Nguyễn Bá Diệp – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Di động trực tuyến - đơn vị sử hữu Ví điện tử Momo cho rằng, Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 là phục vụ cho 3 – 5 năm tới. Trong khi đó, chỉ tính riêng ví điện tử Momo, chỉ trong năm 2018, số lượng giao dịch đã tăng rất mạnh, gấp 3 lần/người dùng. Dự báo các giao dịch thanh toán qua ví điện tử trong 3 đến 5 năm tới sẽ tăng mạnh hơn nữa. Do đó, cần đẩy hạn mức lên 200 triệu đồng/tháng, để chuẩn bị cho tương lai.

Không chỉ với cá nhân, mà nhiều ý kiến còn kiến nghị NHNN xem xét lại hạn mức giao dịch qua ví điện tử với doanh nghiệp. Thực tế, ông Diệp cho biết, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu chi tiền cho hàng chục nhân viên, đối tác thông qua ví điện tử, và các ví điện tử đều kết nối với các tài khoản ngân hàng. Nên chăng, ông Diệp đề xuất bỏ hạn mức này đối với doanh nghiệp,

Trước những ý kiến băn khoăn và đề xuất về hạn mức giao dịch của ví điện tử, ông Dũng khẳng định, không nên quá lo lắng về hạn mức 100 triệu đồng/tháng đối với cá nhân. Trước khi đưa ra hạn mức này, NHNN đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước và có căn cứ quan sát thực tiễn giao dịch ở các ví điện tử hiện nay tại Việt Nam.

Đối với hạn mức giao dịch ví điện tử của doanh nghiệp, ông Dũng ghi nhận những ý kiến đề xuất tại Hội thảo và cho biết Ban soạn thảo sẽ sửa đổi theo hướng cởi mở hơn.

Tin cùng chuyên mục