Cổ phần hóa DNNN: “Đất vàng” đã được định giá?

(BĐT) - Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thông qua các phiên IPO hay đấu giá cổ phần (CP) là một chủ trương lớn. Trong quá trình thực hiện, quy luật thị trường sẽ đánh giá chính xác nhất giá trị của mỗi DN và số tiền mà Nhà nước có thể thu về từ việc bán đi các DN của mình.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kịch bản quen thuộc

Ngày 14/4 tới đây, một công ty của Bộ Quốc phòng là Tổng công ty 36 (TCT 36) chính thức được IPO. Các DN đặc thù của Bộ Quốc phòng luôn khiến nhà đầu tư tò mò khi do đặc thù kinh doanh, mức độ công bố thông tin của các DN này hết sức hạn chế.

Giá khởi điểm của 4,3 triệu CP (10% vốn điều lệ dự kiến) là 10.000 đồng/CP – bằng mệnh giá. Với một DN có kết quả kinh doanh không có nhiều đột biến, mức giá nói trên được đánh giá là tương đối phù hợp.

Tuy nhiên, giá trị của TCT 36 không chỉ nằm ở đó. Giá trị của DN Bộ Quốc phòng này là những dự án, nhờ lợi thế thương hiệu Bộ Quốc phòng mà TCT 36 được tham gia. Và còn ở gần 32.000 m2 đất thuộc sự quản lý của TCT này. Toàn bộ đất đều là đất “sạch”, không có tranh chấp, thuộc diện đất giao và đất giao không xác định thời hạn.

Dự kiến, TCT 36 sẽ bán 42,21% CP cho cổ đông chiến lược. Đây là tỷ lệ khá cao, cho phép cổ đông chiến lược có tiếng nói cao nhất (vượt cổ phần của Nhà nước là 40%). Giá bán 18,15 triệu CP cho cổ đông chiến lược, theo luật định, sẽ được xác định dựa vào mức đấu giá thành công của đợt IPO tới đây. Phiên đấu giá CP TCT 36 vì vậy tương đối khó dự đoán khi tỷ lệ CP IPO thấp (10%), trong khi mức giá thành công lại được lấy tham chiếu cho các thương vụ quan trọng tiếp theo. Không ngoại trừ trường hợp đối tác chiến lược sẽ gom CP ngay từ đợt IPO này nhằm nắm giữ đa số CP tại TCT 36.

Tình hình kinh doanh không có gì quá nổi bật, trong khi quỹ đất dồi dào dần trở thành kịch bản quen thuộc của các đợt IPO, bán đấu giá cổ phần hóa DNNN.

Trước đó đã có Sứ Bát Tràng, Khách sạn Kim Liên, Vinamotor, Bia Việt Hà… được bán đấu giá thành công khi giá trị của DN không nằm nhiều ở tình hình hoạt động kinh doanh.

Với Hapharco, một DN siêu lợi nhuận (thu nhập bình quân mỗi CP ổn định trên 10.000 đồng/CP) – mức giá khởi điểm được đưa ra lên tới 104.000 đồng/CP. Đến 30/3 tới đây, SCIC chính thức tiến hành bán đấu giá 433.800 CP Hapharco, tương đương 15,3% CP Hapharco. 

“Đắt hàng” nhờ đất

Có lẽ thương vụ bán đấu giá cổ phiếu Sứ Bát Tràng là ví dụ “kinh điển” nhất cho thấy sức hấp dẫn của các mảnh đất mà DN quản lý, sử dụng. Như chúng tôi đã đưa tin, Sứ Bát Tràng đối mặt với tình trạng làm ăn thua lỗ, nợ phải thu khó đòi, nặng gánh nợ vay, nợ phải trả… Thế nhưng, với mức giá gấp 14 lần mệnh giá, đã có ngay 1 cá nhân công bố thông tin sẵn sàng bỏ ít nhất 17 tỷ đồng để sở hữu trên 63% CP Sứ Bát Tràng.

“Soi” báo cáo định giá, có thể thấy giá trị của Sứ Bát Tràng nằm ở lô đất gần 28.000 m2 ở Đặng Tốn, Gia Lâm, Hà Nội đã được công ty hợp tác kinh doanh với tổng lợi nhuận cố định tạm tính trên 20,5 tỷ đồng, vượt qua giá trị tổng tài sản của Sứ Bát Tràng.

Hoặc như phiên bán đấu giá CP Công ty Du lịch Kim Liên cũng trở nên “nóng bỏng” khi DN này sở hữu khu đất vàng là Khách sạn Kim Liên ở trung tâm Thủ đô Hà Nội. Với mức giá khởi điểm 30.600 đồng/CP, kết thúc mức giá được đẩy lên tới 274.200 đồng/CP – “bầu” Thụy (ông Nguyễn Đức Thụy) đã bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng để nắm giữ 52,4% CP Khách sạn Kim Liên.

Tuy nhiên, không phải bao giờ đất vàng cũng mang lại giá trị cho các thương vụ IPO, đấu giá CP DNNN. 

Những phiên đấu giá “lặng lẽ”

Trên thực tế, đất đai thuộc quyền quản lý, sử dụng của DN thường không được đưa vào giá trị DN khi định giá. Chỉ khi nào các dự án được triển khai và mang lại lợi nhuận (hiện tại hoặc tương lai) thì khoản lợi nhuận đó mới được tính vào giá trị của DN. Đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước – đó là nguyên nhân giá trị các mảnh đất đôi khi chưa được định giá đầy đủ.

Khác với phiên đấu giá sôi động của Khách sạn Kim Liên, việc bán đấu giá 97,7% CP của Vinamotor chỉ “nóng” trong giai đoạn lựa chọn cổ đông chiến lược. Nhiều rào cản, yêu cầu mà cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông vận tải đặt ra, khiến cuối cùng cũng chỉ có 2 nhà đầu tư, là số lượng tối thiểu, đủ điều kiện tham gia đấu giá. Điểm thú vị là, mặc dù vượt qua bao nhiêu đối thủ, cuối cùng 2 tổ chức tham gia đấu giá chỉ bỏ giá chênh nhau vỏn vẹn 2 triệu đồng trên tổng giá trị 1.250 tỷ đồng. 1 trong 2 tổ chức bỏ giá tối thiểu, nhường phần thắng cho “đối thủ”.

CP Vinamotor dễ dàng được sang tay không có kịch tính, cho một DN tư nhân với giá bình quân 14.620 đồng/CP – bằng mức giá khởi điểm. Giả sử có nhiều nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá, số tiền thu về của Bộ Giao thông vận tải hẳn đã không “bèo bọt” đến vậy.

Một số phiên đấu giá khác mặc dù tiềm năng về quỹ đất tương đối lớn (có cổ đông chiến lược liên quan đến các DN bất động sản) nhưng kết quả mức giá đạt được ở mức tương đối “sát” với mức giá khởi điểm. Có thể kể đến thương vụ IPO Bia Việt Hà, Vegetexco,... 

Thay lời kết

Cổ phần hóa DNNN thông qua các phiên IPO hay đấu giá CP là một chủ trương lớn. Để cổ phần hóa đạt hiệu quả thực chất cần tạo một cơ chế cởi mở cho các cuộc đấu giá, tìm kiếm đối tác chiến lược,…Và đây cũng là việc đầu tiên mà các cơ quan chức năng phải làm nếu muốn phát huy hiệu quả của các cuộc đấu giá, và tối đa hóa lợi ích thu được của Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục