Doanh nghiệp bất động sản kêu khó với trần lãi vay

(BĐT) - Sau 2 năm doanh nghiệp (DN) kiến nghị, nội dung khống chế chi phí lãi vay tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế với DN có giao dịch liên kết vẫn “nằm im”. Mới đây, DN bất động sản lại tiếp tục kêu cứu về nội dung này.
Chi phí lãi vay trên tổng lợi nhuận của các DN bất động sản hầu hết cao hơn tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Ảnh: Minh Dũng
Chi phí lãi vay trên tổng lợi nhuận của các DN bất động sản hầu hết cao hơn tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Ảnh: Minh Dũng

Doanh nghiệp lớn phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng

Nội dung cụ thể được quy định tại Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP là: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế".

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội DN bất động sản Việt Nam cho biết, các DN trong Hiệp hội rất bức xúc với quy định này.

Do đó, cách đây 1 tuần, Hiệp hội đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những khó khăn của DN bất động sản hiện nay với một trong những nội dung được đề cập đến là quy định về khống chế chi phí lãi vay.

Ông Nam cho rằng, điều này đặc biệt ảnh hưởng tới các tập đoàn lớn. Theo đó, nếu áp theo quy định này, mỗi năm các DN lớn phải nộp thêm cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

“Theo quan điểm của tôi, khoản này quy định không đúng. Hiện các tập đoàn lớn đứng ra vay vốn rồi phân bổ cho các công ty con để đầu tư, điều này là bình thường vì người ta chỉ cho tập đoàn vay chứ không cho công ty con vay. Nếu thực hiện theo quy định này thì DN lớn không được trừ thuế. Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính lại giải thích mục tiêu của quy định này là để chống chuyển giá, nhưng tôi cho rằng mục tiêu này bị bắn trượt”, ông Nam nói.

Cũng theo vị Chủ tịch Hiệp hội DN bất động sản, Luật DN cho phép các DN được huy động các nguồn vốn hợp pháp, hợp lý, trong đó có vay ngân hàng. Luật DN cũng cho phép DN được khấu trừ các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ và có hóa đơn chứng từ. Việc khống chế chi phí lãi vay như trên sẽ thủ tiêu động lực phát triển của các DN, tạo ra các chi phí, tăng thêm gánh nặng cho DN.

“Chính phủ giao Bộ Tài chính trả lời, Bộ lại giao Tổng cục Thuế trả lời và đại ý của cơ quan này là chúng tôi đang xem xét số liệu, cứ từ từ. Nhưng đến nay vẫn chưa có trả lời chính thức trong khi quyết toán thuế thì không từ từ”, ông Nam nói.

Cơ quan thuế sắp có văn bản gửi Thủ tướng

Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn thuộc Tổng cục Thuế: “Nghị định 20 được áp dụng cho cả khối DN FDI và DN trong nước, nhưng thời gian qua chủ yếu DN trong nước lên tiếng. Do đó, tôi đồng tình phải xem xét lại, nhưng để điều chỉnh, cần phải có số liệu cụ thể và công khai minh bạch”.
Từ phía cơ quan thuế, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn thuộc Tổng cục Thuế - cho biết, Nghị định 20 có mục đích là đưa ra công cụ để kiểm soát giao dịch trên thị trường, đảm bảo tính minh bạch của thị trường, ngăn ngừa các hành vi làm xói mòn cơ sở thuế, trốn thuế, lách thuế, chuyển dịch lợi nhuận giữa các quốc gia.

Vị Vụ trưởng nói thêm: “Nghị định 20 được áp dụng cho cả khối DN FDI và DN trong nước, nhưng thời gian qua chủ yếu DN trong nước lên tiếng. Do đó, tôi đồng tình phải xem xét lại, nhưng để điều chỉnh, cần phải có số liệu cụ thể và công khai minh bạch”.

Vẫn theo ông Phụng, “nghị định trái luật thì sẽ bị “tuýt còi” nên không có chuyện văn bản trái luật, chỉ có thể là chưa phù hợp với một số đối tượng thì phải xem xét lại. Hai tuần nữa sẽ có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Tin cùng chuyên mục