Ì ạch thanh toán không dùng tiền mặt

(BĐT) - Tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán chỉ nhúc nhích nhẹ trong nhiều năm qua. Nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đã được triển khai và kỳ vọng sẽ có bước đột phá trong thời gian tới…
Tốc độ phát triển vượt bậc của thương mại điện tử sẽ kéo theo tăng trưởng trong nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Nguyễn Nhật
Tốc độ phát triển vượt bậc của thương mại điện tử sẽ kéo theo tăng trưởng trong nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Nguyễn Nhật

Vì sao vẫn ì ạch?

Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở dưới mức 10%; đến cuối năm 2025, con số này rút xuống còn 8% là một trong những mục tiêu được nêu tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực tế, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán luôn ở mức trên 11% trong suốt những năm vừa qua, thậm chí có lúc ở mức trên 14%. Tại thời điểm Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt có hiệu lực ngày 26/3/2013, tỷ trọng này là 12,01% và đến nay, con số này vẫn duy trì ở mức trên 11%. Trong khi đó, tổng phương tiện thanh toán đã tăng hơn 234% xét trong cùng giai đoạn so sánh như trên.

Điều này cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt có bước tiến rất chậm so với tốc độ tăng của tổng phương tiện thanh toán.

Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối Dịch vụ tài chính của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, có nhiều nguyên nhân lý giải cho sự ì ạch nêu trên.

Trước hết, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trong tổng phương tiện thanh toán là một chỉ tiêu tổng hợp, phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối kết hợp đồng bộ của nhiều giải pháp, chính sách mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Thực tế tiền mặt luôn tồn tại, kể cả trong xã hội phát triển. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ và người dân Việt Nam vẫn còn có thói quen sử dụng tiền mặt, tâm lý ngại sử dụng công nghệ mới và cảm thấy chưa tin tưởng tính bảo mật của các dịch vụ thanh toán điện tử.

Bên cạnh đó, hạn chế về hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều ngân hàng thương mại cũng làm ảnh hưởng đến việc phát triển và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng điện tử của người tiêu dùng. 

Kỳ vọng tăng mạnh nhờ lực đẩy từ nhiều phía

Về chủ trương của Chính phủ nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, một số giải pháp nổi bật trong thời gian qua là: cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không thông qua tài khoản thanh toán ngân hàng, yêu cầu các tổ chức hành chính, sự nghiệp được chi trả phí dịch vụ cho các dịch vụ thanh toán điện tử…

Theo bà Dương, dự báo trong năm 2019, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt sẽ có những chuyển biến tích cực nhờ các giải pháp của Chính phủ cùng với nhiều lực đẩy mạnh mẽ từ thị trường.

Đó là sự bùng nổ của các hoạt động thương mại điện tử. Theo ước tính của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã và đang trở thành điểm nóng hấp dẫn nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Tốc độ phát triển vượt bậc của thương mại điện tử trong những năm gần đây sẽ kéo theo tăng trưởng trong nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt với sự phổ biến của thẻ ngân hàng và ví điện tử.

Bên cạnh đó, việc sử dụng QR code để thanh toán đang ngày càng trở nên phổ biến và được ưa thích bởi cả đơn vị chấp nhận thanh toán (ĐVCNTT) và người tiêu dùng. VNPay hiện có hơn 20.000 cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng VNPAY-QR với mức tăng trưởng người dùng lên tới 30% mỗi tháng. Điều này cho thấy thanh toán bằng QR code đang vào giai đoạn bùng nổ và nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam trong thời gian tới.

Đáng chú ý, đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), đặc biệt trong phần dịch vụ thanh toán, ngày một tăng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 2 năm qua, đã có gần 130 triệu USD được các nhà đầu tư ngoại rót vào fintech Việt. Tính đến hết năm 2017, giá trị thị trường fintech Việt Nam đạt mức 4,4 tỷ USD, dự báo tăng lên 7,8 tỷ USD vào năm 2020.

“Cùng với tốc độ gia tăng nhanh của tổng phương tiện thanh toán (10,6% tính đến tháng 11/2018), nền kinh tế tiến tới sẽ có khả năng đạt được mục tiêu tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng: đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán giảm xuống mức thấp hơn 10%”, bà Dương khẳng định.

Cũng theo vị nữ phó giám đốc này, các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt hiện hành cần được tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp chặt chẽ để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động thanh toán, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ tính riêng tư dữ liệu của khách hàng, ngăn chặn, đối phó với những nguy cơ về an ninh mạng, thúc đẩy sự đổi mới và cạnh tranh.

Tin cùng chuyên mục