Lãi suất kỳ hạn dài đang tăng

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) đang phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn kỳ hạn 18, 24, 36 tháng với lãi suất 7,6%/năm cho hình thức lãi suất cố định. Mức này cao hơn lãi suất tiền gửi thông thường, cao nhất hiện chỉ có 6,9%/năm, tại chính BIDV.
Ảnh minh họa Tuệ Doanh.
Ảnh minh họa Tuệ Doanh.

Theo đại diện của BIDV, mục đích phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn là để đa dạng hóa nguồn vốn huy động, đồng thời khuyến khích người dân, tổ chức kinh tế gửi tiền kỳ hạn dài.

Không chỉ BIDV, các ngân hàng khác đã liên tục nâng lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn trên 12 tháng sau khi tăng trưởng huy động vốn từ đầu năm đến nay không mạnh mẽ như kỳ vọng. Mức cao nhất của lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13-18 tháng trên thị trường hiện đã lên tới 8,6%/năm.

Trên địa bàn TPHCM, theo số liệu của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TPHCM, tháng 1-2018 vốn huy động của các ngân hàng giảm 0,3% so với cuối năm ngoái, trong khi tín dụng tăng 1,4%. Khoảng 82% tổng vốn huy động của các ngân hàng ở TPHCM là ngắn hạn, nhưng cho vay trung, dài hạn lại chiếm tới 54% tổng dư nợ. Rõ ràng sự chênh lệch về kỳ hạn trong huy động - cho vay không hề nhỏ.

“Hầu hết người dân đều chọn gửi kỳ hạn sáu tháng vì dưới sáu tháng lãi suất tối đa chỉ được 5,5%/năm, còn gửi sáu tháng có thể được hưởng lãi suất tới 7-7,8%/năm tùy ngân hàng. Người ta không muốn gửi dài hơn sáu tháng vì căn cứ vào nhu cầu chi tiêu, hoặc sự biến động lãi suất” - ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc chi nhánh NHNN TPHCM, nhận xét.

Xu hướng vốn huy động tăng trưởng chậm lại đã xuất hiện từ quí 2-2018 và ngày càng thể hiện rõ nét. Theo thống kê của NHNN, đến tháng 11-2018 số dư tiền gửi của dân cư trong toàn hệ thống đạt 4.341.665 tỉ đồng, tăng 9,59% so với cuối năm ngoái. Vào tháng 5-2018, tức sáu tháng trước đó, số dư tiền gửi của dân cư là 4.259.041 tỉ đồng. Như vậy trong sáu tháng, tiền gửi của dân cư chỉ tăng 82.624 tỉ đồng, mức khá thấp so với các năm trước đây.

Cũng theo NHNN, đến tháng 11-2018 tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 9 triệu tỉ đồng, tăng 10,61% so với cuối tháng 12-2017. Nhìn từ đây có thể thấy chỉ tiêu tổng phương tiện thanh toán đặt ra hồi đầu năm ngoái là 16% có lẽ đã không đến đích. Trên cơ sở các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của năm 2018 đã sớm cán đích, NHNN đã chủ động điều tiết tiền vào - tiền ra. Với quy mô số dư tuyệt đối tín dụng ngày càng lớn, NHNN đang trong lộ trình giảm dần tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán đến năm 2020. Và đây là một định hướng phù hợp xu thế thị trường.

Năm 2019 NHNN cho biết tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng cùng ở tầm 14%. Có một chỉ số mà sự cải thiện của nó rất đáng khích lệ, đó là tỷ lệ tín dụng trên tổng vốn huy động của toàn ngành. Vào ngày 31-12-2017 dư nợ cho vay/vốn huy động của hệ thống ở mức 90,23%, còn vào tháng 12-2018 số liệu mới nhất của cơ quan quản lý chỉ ra tỷ lệ này đã giảm xuống 88,73%.

Tất nhiên các ngân hàng còn phải nỗ lực để đưa tỷ lệ trên về xung quanh ngưỡng 80% như thông lệ quốc tế. Nếu mỗi năm tỷ lệ tín dụng/huy động giảm được 1,5-2 điểm phần trăm trong vòng ba bốn năm tới, thì hoạt động của các ngân hàng sẽ an toàn và hiệu quả hơn.

Trở lại với huy động vốn, đại diện một ngân hàng cho rằng để cơ cấu lại nguồn vốn đầu vào, các ngân hàng sẽ còn nâng lãi suất các kỳ hạn dài từ một năm trở lên, tạo khoảng cách biệt đáng kể giữa tiết kiệm 12, 18, 24, 36 tháng và sáu tháng trở xuống. Ông nói lãi suất tiết kiệm sáu tháng ở ngân hàng ông hiện là 7,5%/năm và 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Mức chênh lệch 0,5%/năm chưa thực sự hấp dẫn người gửi tiền. Không ít khách hàng vẫn chọn gửi từng tháng một với lãi suất 5,5%/năm. Nếu mức chênh lên tới 1,5-2%/năm cho kỳ hạn sáu tháng và 12 tháng, chắc chắn nhiều người sẽ chọn gửi 12 tháng.

Các ngân hàng một mặt phải tăng cường huy động vốn trên 12 tháng, mặt khác giảm tỷ trọng cho vay trung, dài hạn để đáp ứng quy định sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Chẳng hạn BIDV theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, tỷ trọng cho vay trung, dài hạn đến ngày 31-12-2018 là 38,2% tổng dư nợ. Mức này đã tương đối thấp so với một số ngân hàng khác. Tới đây khi BIDV bán cổ phần cho nước ngoài, nguồn vốn chủ sở hữu tăng lên, tăng trưởng tín dụng, trong đó có tín dụng trung, dài hạn có khả năng được cải thiện.

Năm nay Agribank và VietinBank cũng không đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng cao, một phần do nguồn vốn chủ sở hữu của cả hai đang hạn chế và nhu cầu tăng vốn đang cấp bách. Thay vào đó, VietinBank, Agribank và cả BIDV sẽ trích lập dự phòng rủi ro ở mức tối đa để cải thiện chất lượng tài sản và xử lý nợ xấu.

Theo những thông tin hành lang, VietinBank sẽ tiếp tục thoái lãi dự thu và sử dụng nguồn trích lập dự phòng để giải quyết một số khoản nợ xấu tồn tại trong năm nay. Trong điều kiện chưa tăng được vốn và phải đảm bảo hệ số an toàn vốn như quy định, xử lý nợ xấu là con đường ngắn nhất để có thể tăng trưởng tín dụng cho những năm sau. 

Tin cùng chuyên mục