Ngành thuế: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đi đôi với quản lý chặt chẽ

Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc cải cách trong lĩnh vực thuế, vì đây là ngành gắn liền với hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Do đó, nhiệm vụ quan trọng từ nay đến cuối năm của ngành là vừa cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, vừa gắn liền với quản lý chặt chẽ nguồn thu của ngân sách.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thanh tra: Làm sao để tránh trùng lặp mà vẫn hiệu quả?

Sáu tháng đầu năm 2017, cơ quan thuế các cấp đã thanh tra, kiểm tra được 36.664 doanh nghiệp (DN), đạt 40,5% kế hoạch năm, bằng 111,7% cùng kỳ năm 2016. Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 7.643,9 tỷ đồng, bằng 134,07% cùng kỳ. Số tiền thuế nộp vào ngân sách là 3.429,92 tỷ đồng, đạt 44,87% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra và bằng 147,42% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo thống kê của các địa phương, tiến độ thực hiện thanh tra, kiểm tra của toàn ngành trong 6 tháng qua mới chỉ đạt 40% kế hoạch, trong đó một số địa phương có tỉ lệ thực hiện thanh tra, kiểm tra đạt rất thấp. Tiến độ thanh tra thấp, nhưng theo phản ánh của một số DN, dù đã có kế hoạch thanh tra của tỉnh, nhưng vẫn có sự trùng lặp giữa một số cơ quan như kiểm toán, thanh tra tỉnh, thuế… kiểm tra quá 1 lần/năm… 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phân tích: Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra kiểm tra với DN, trong đó có điểm quan trọng là khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hằng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với DN. Tuy nhiên, Chỉ thị 20 cũng cho phép đối với các DN có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan chức năng vẫn có quyền thanh tra kiểm tra. Nhất là trong lĩnh vực thuế có những đối tượng có độ rủi ro cao về thuế thì cần có sự kiểm tra để chống thất thu. 

Hơn nữa, trong quản lý thuế, có nhiều hoạt động buộc thanh tra theo quy định để chống thất thu thuế, ví dụ hoạt động hoàn thuế VAT.

Việc thanh tra, kiểm tra chặt chẽ với DN có rủi ro cao sẽ nâng cao một bước tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng. Quan trọng là các đơn vị phải xây dựng được cơ sở dữ liệu về thuế, xác định các đối tượng rủi ro cao, giảm bớt thanh tra với các đối tượng không thấy dấu hiệu rủi ro, tuân thủ tốt.

Do đó, lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị quán triệt đúng tinh thần Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về thanh tra kiểm tra DN, nhưng phải bảo đảm quản lý chặt chẽ.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng giao nhiệm vụ cho cơ quan thanh tra phối hợp tạo dựng cơ chế thống nhất hơn với các bộ, ngành, địa phương liên quan để giảm thiểu sự trùng lặp giữa các đơn vị. Thậm chí, cần rà soát các cơ chế thanh tra ngay trong nội bộ, ví dụ như phối hợp giữa thanh tra hoàn thuế, kiểm tra trước hoàn sau, kiểm tra sau thông quan của hải quan… bảo đảm hạn chế trùng, tạo thuận lợi cho DN nhưng không được để kẽ hở thất thoát thuế.

Cải thiện cơ chế pháp luật là bước đi dài hạn, để vừa cải cách hành chính, tạo thuận lợi gắn liền với thực hiện quản lý thuế chặt chẽ, chống thất thu thuế. Do đó, về cơ chế lâu dài, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn yêu cầu các cán bộ tham gia xây dựng chính sách thuế phải tích cực đóng góp xây dựng dự thảo Luật sửa 5 luật liên quan đến thuế kịp tiến độ, bảo đảm chất lượng để trình Quốc hội. Dự thảo không chỉ tập trung giải quyết các vấn đề vướng mắc kỹ thuật, mà phải có tầm nhìn góp phần thúc đẩy kinh tế, hội nhập quốc gia, chống thất thu, tạo cơ sở pháp lý cải cách hành chính về thuế.

Ngành thuế: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đi đôi với quản lý chặt chẽ ảnh 1

Cần ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện hơn

Theo ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, trong 6 tháng đầu năm 2017, công tác quản lý khai thuế có kết quả khả quan khi tỉ lệ hồ sơ khai thuế đã nộp/phải nộp đạt 93%; tỉ lệ hồ sơ khai thuế đúng hạn, đã nộp đạt 93%; tỉ lệ người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế qua mạng đạt 99,81%.

Ông Cao Anh Tuấn cho rằng, công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý thuế luôn được quan tâm, chú trọng, đã đáp ứng yêu cầu triển khai các quy trình, chính sách mới và yêu cầu sửa đổi chính sách nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm số giờ tuân thủ về thuế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành toàn bộ chức năng hỗ trợ lập bộ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chu kỳ mới (2017-2021); xây dựng, nâng cấp ứng dụng đáp ứng áp dụng rủi ro trong quản lý thuế; tiếp tục triển khai xây dựng cơ sở chuyên ngành về thuế bằng việc thực hiện Dự án “Nâng cấp kiến trúc kho cơ sở dữ liệu ngành thuế và hệ thống khai thác dữ liệu, tổng hợp báo cáo phục vụ công tác quản lý thuế”.

Tuy nhiên, các nội dung triển khai ứng dụng CNTT chủ yếu vẫn là khai và nộp thuế, mà chưa có nhiều kết quả định lượng rõ rệt trong nửa đầu năm 2017. Thực tế, việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực thuế rất rộng, không chỉ trong lĩnh vực khai và nộp thuế.

Do đó, lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu trong thời gian tới, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nộp thuế điện tử (NTĐT). Phấn đấu đến ngày 31/12/2017, triển khai dịch vụ NTĐT hoàn thành trên cả 3 tiêu chí (95% DN đăng ký sử dụng dịch vụ NTĐT; 95% giao dịch nộp thuế trong tháng được thực hiện bằng phương thức NTĐT; 95% số tiền thực hiện nộp thuế trong tháng được thực hiện bằng phương thức NTĐT).

Tiếp tục triển khai mở rộng khai và NTĐT đối với hoạt động cho thuê nhà, NTĐT đối với lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản. Triển khai thí điểm khai, NTĐT lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy.

Tiếp tục thí điểm triển khai, dần dần mở rộng thực hiện NTĐT đối với cá nhân kinh doanh thông qua tổ chức nhận ủy nhiệm thu thuế. Tiếp tục thực hiện hoàn thuế VAT theo phương thức điện tử đạt cấp độ 4, phấn đấu đạt tối thiểu 70% về số thủ tục, 70% về số hồ sơ hoàn thuế VAT giải quyết trong quý IV/2017 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng yêu cầu đơn vị cần tập trung xây dựng dự thảo Nghị định Chính phủ về hoá đơn điện tử và tổ chức thực hiện để năm 2018 có thể triển khai đồng bộ ứng dụng hoá đơn điện tử dựa trên cơ sở dữ liệu thuế đầy đủ.

Như vậy, từ nay đến cuối năm, ngành thuế phải thực hiện song song các nhiệm vụ của Chính phủ và Bộ Tài chính giao. Đó là vừa thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg về tiếp tục triển khai Nghị quyết số 35 của Chính phủ theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng DN và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2017.

Tin cùng chuyên mục