Nhiều yếu tố hỗ trợ điều hành tỷ giá

Cơ chế tỷ giá trung tâm tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc thích ứng với các cú sốc bên ngoài.
Dự trữ ngoại hối tăng liên tục thời gian qua, NHNN đủ khả năng và sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết
Dự trữ ngoại hối tăng liên tục thời gian qua, NHNN đủ khả năng và sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết

Điều gì giúp điều hành tỷ giá năm 2018 “êm” hơn

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên tới 63 tỷ USD – mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Theo tính toán của TS. Lê Xuân Nghĩa, dự trữ ngoại hối đã đạt hơn 3 tháng nhập khẩu. Chỉ số này cũng được coi là “nhà bảo lãnh” cho thanh khoản ngoại tệ của thị trường. Có được kết quả tích cực trên, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định, nhờ điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ. Vì vậy, NHNN liên tục mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay.

Đầu năm 2018, tuy thị trường có một vài đợt biến động khá mạnh, nhưng chủ yếu do ảnh hưởng từ bên ngoài mà không phải xuất phát từ mất cân đối cung – cầu ngoại tệ. Quan trọng hơn, cơ chế tỷ giá trung tâm tiếp tục phát huy hiệu quả trong thích ứng với các cú sốc bên ngoài đồng thời giảm tình trạng đầu cơ găm giữ ngoại tệ. Chính sự ổn định trong chính sách tỷ giá vài năm gần đây, theo nhận xét của giới chuyên gia đã củng cố niềm tin cho các NĐT nước ngoài mạnh dạn đầu tư vào Việt Nam hơn, theo đó giúp cho quy mô dự trữ ngoại hối tăng lên nhanh chóng.

Dự báo, trong năm 2018, vẫn có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ tỷ giá và thị trường ngoại tệ như nguồn cung ngoại tệ dự kiến tiếp tục dồi dào từ việc thoái vốn của các DNNN, các NH bán cổ phần cho NĐT nước ngoài. Sự ổn định và cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Trong 4 tháng đầu năm 2018, nền kinh tế xuất siêu 3,9 tỷ USD và khả năng tiếp tục được hỗ trợ bởi đà tăng trưởng mạnh mẽ toàn cầu trong ngắn hạn. Tiếp đến, diễn biến thị trường quốc tế vừa qua cho thấy đồng USD khó có khả năng tăng mạnh trong ngắn hạn vì quan ngại về chu kỳ đi xuống của nền kinh tế Mỹ trong ngắn - trung hạn… Bên cạnh đó cơ chế tỷ giá trung tâm tiếp tục được điều hành linh hoạt, giúp hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ.

“Với quy mô dự trữ ngoại hối tăng lên thời gian qua, NHNN đủ khả năng và sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để đảm bảo hoạt động ổn định của thị trường ngoại tệ”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định.

Mặc dù có được nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ, nhưng lãnh đạo NHNN cũng thừa nhận, thị trường ngoại tệ và tỷ giá vẫn tồn tại những rủi ro tiềm ẩn nhất định. Đơn cử, FED và NHTW các nền kinh tế lớn có thể thu hẹp chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến, có thể gây áp lực tâm lý đối với thị trường. Chính sách bảo hộ thương mại và nguy cơ xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại quốc tế cũng như tăng trưởng toàn cầu. Từ đó tác động bất lợi đến thị trường ngoại tệ và tỷ giá.

TS. Lê Xuân Nghĩa đồng tình và cho rằng sự thận trọng của NHNN đối với tỷ giá và thị trường ngoại tệ là cần thiết. Ông phân tích thêm: Chủ trương của Mỹ đang muốn tăng lãi suất, dẫn đến đồng USD tăng giá trở lại và xung đột thương mại còn rất gay gắt cũng làm cho thị trường tiền tệ thế giới biến động rất khó dự báo. Vấn đề nữa là hầu hết các NHTW đều bắt đầu giảm chương trình mua tài sản, mở rộng bảng cân đối tài sản của NHTW. Điều đó cho thấy dấu hiệu thắt chặt tiền tệ đã xuất hiện, xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu là khó tránh. Điều này làm cho giá trị đồng tiền khác bật mạnh lên so với đồng VND. Một yếu tố nữa có thể ảnh hưởng đến tỷ giá là vốn FDI đăng ký giảm. Theo đó, kỳ vọng dài hạn nguồn cung ngoại tệ yếu đi.

Đã đến lúc siết mạnh tín dụng ngoại tệ

Trước cơ hội và thách thức đang đặt ra đối với điều hành chính sách tỷ giá, có ý kiến cho rằng, để giảm sức ép lên cung ngoại tệ đồng thời thúc đẩy lộ trình chống đô la hóa của Chính phủ nên chăng siết mạnh hơn đối với tín dụng ngoại tệ.

Đối với đề xuất này, một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, đây không phải lần đầu tiên ý kiến giảm dần thậm chí ngừng cho vay ngoại tệ được đưa ra. Nhưng do trong bối cảnh đó, xét tổng thể các yếu tố vĩ mô chưa thực hiện được nên NHNN buộc phải gia hạn theo từng năm. Tuy nhiên, thời điểm này thì cũng nên cân nhắc về khả năng triển khai để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình chống đô la hóa mà chúng ta đang hướng tới.

“Thực tế thặng dư cán cân thương mại và thặng dư cán cân tài chính của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào khối FDI cũng như quan điểm của các NĐT nước ngoài vào nền tảng kinh tế Việt Nam và phản ứng của họ trước các diễn biến trên thị trường trong và ngoài nước”, vị này dẫn chứng về nguồn cung ngoại tệ chưa thực sự vững chắc.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, để hỗ trợ các DN xuất khẩu giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, năm 2018 NHNN tiếp tục gia hạn cho vay bằng ngoại tệ đối với một số nhu cầu vay vốn của DN xuất khẩu. Việc cho vay ngoại tệ, cùng với việc ổn định tỷ giá, đã góp phần hỗ trợ DN. Tuy nhiên, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục từng bước thực hiện lộ trình hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, từng bước thu hẹp dần tín dụng ngoại tệ, chuyển dần quan hệ huy động - cho vay ngoại tệ sang mua - bán ngoại tệ phù hợp với tình hình thị trường và khả năng thích ứng của DN và nền kinh tế.

“Vì vậy, các TCTD và DN cần chủ động cân đối kế hoạch kinh doanh để thích ứng với việc thu hẹp dần đối với một số nhu cầu vay vốn ngoại tệ cho phù hợp chủ trương hạn chế đôla hóa của Chính phủ”, Phó Thống đốc lưu ý.

Dù nhiều sức ép như vậy, nhưng TS. Nghĩa cũng đánh giá lạc quan khi cho rằng, sẽ không có biến động lớn trên thị trường ngoại hối. Với công cụ chính sách ngày càng linh hoạt, gối đệm dự trữ ngoại hối ngày càng dày thêm, giúp NHNN điều hành tỷ giá êm hơn và duy trì được sự ổn định. Lãnh đạo NHNN cũng cho biết, thời gian tới thanh khoản thị trường ngoại tệ sẽ tiếp tục diễn biến tích cực, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Tin cùng chuyên mục