Thực thi pháp luật thuế để chống chuyển giá: Doanh nghiệp chật vật tuân thủ quy định mới

(BĐT) - Không chỉ ban hành các văn bản pháp lý mới để chống vi phạm chuyển giá, cơ quan thuế còn chú trọng nội dung này trong các cuộc thanh, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc thực hiện theo các quy định này và đã gửi câu hỏi đến cơ quan thuế nhưng chưa nhận được câu trả lời thoả đáng.
Một số văn bản pháp lý về thuế có những nội dung có thể làm tăng thủ tục hành chính. Ảnh: Phạm Việt
Một số văn bản pháp lý về thuế có những nội dung có thể làm tăng thủ tục hành chính. Ảnh: Phạm Việt

Khó với kê khai tài sản cũ và thanh lý tài sản

Cơ sở pháp lý mới nhất để chống các hành vi lợi dụng chuyển giá để trốn thuế là Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và Thông tư 41/2017/TT/-BTC cùng có hiệu lực từ 1/5/2017. Hai văn bản pháp lý này được đánh giá là có những điểm tích cực, phù hợp với hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) và các nội dung của Diễn đàn Hợp tác thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS). 

Trao đổi với Báo Đấu thầu về việc thực thi các văn bản mới này trong cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Long, Giám đốc dịch vụ thuế và tư vấn của Ernst & Young Việt Nam cho biết: “Trong quá trình hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tôi thấy việc tuân thủ các quy định này là khá thuận lợi, nghị định này có nhiều điểm tương đồng với quy định của nước ngoài”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Long, trong thực tế thực thi, Nghị định 20 có nhiều điểm ảnh hưởng đáng kể đến nhà đầu tư nước ngoài theo hướng làm tăng thủ tục hành chính.  Đáng chú ý nhất là nội dung về giao dịch mua tài sản cố định từ bên liên kết vốn không có ở các quy định cũ. Văn bản mới này yêu cầu doanh nghiệp khi mua tài sản cố định từ bên liên kết thì phải thu thập tài liệu từ bên liên kết, kể cả bên liên kết mua của bên khác cũng phải đảm bảo đủ tài liệu để chứng minh giá giao dịch.

“Điểm khó là với tài sản đã qua sử dụng, phải đi thu thập hồ sơ, hợp đồng hoá đơn từ thời điểm mua ban đầu để chứng minh. Về việc này, chúng tôi có trao đổi và có công văn gửi Tổng cục Thuế và câu trả lời nhận được là doanh nghiệp đã đầu tư bài bản ở Việt Nam thì đương nhiên phải có đầy đủ tài liệu này. Tuy nhiên, qua trao đổi với các nhà đầu tư thì thấy điều này không hẳn đúng. Với các tập đoàn lớn, khi mua tài sản, đến cả việc tìm hợp đồng từ năm trước đã khó huống hồ là những năm đã xa. Hơn nữa, cách thức lưu trữ hồ sơ, bảo quản chứng từ mỗi nước mỗi khác, có nước có quy định không cần lưu trữ, năm nào thanh tra xong là xoá đi. Do đó, đây là điểm gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài”, ông Long giải thích.

Cũng liên quan đến tài sản, việc thanh lý tài sản cố định theo quy định tại Nghị định 20 cũng không dễ dàng với doanh nghiệp. “Theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, khi thanh lý tài sản cần có định giá của cơ quan có thẩm quyền. Việc này không nêu trong Nghị định nhưng công văn trả lời của cơ quan thuế có nêu. Việc định giá đến từng cái laptop cũ là khó. Hơn nữa, doanh nghiệp thường thanh lý nhiều tài sản và cũng mua mới nhiều tài sản. Thử hình dung, doanh nghiệp có 1.000 cái laptop cần thanh lý thì phải định giá hết và có 1.000 hồ sơ chứ không phải lấy mẫu 10 cái để định giá cho 1.000 cái đó. Thật khó đáp ứng”, ông Long nói. 

Khác biệt về cách hiểu giữa các cục thuế

Doanh nghiệp không chỉ gặp trở ngại với việc tuân thủ các quy định này mà còn không nhận được câu trả lời nhất quán và thoả đáng từ các cục thuế địa phương. Điểm gây khó hiểu nhất là quy định về chi phí lãi vay tại Nghị định 20. Theo đó, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần hoạt động sản xuất kinh doanh cộng với lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ (EBITDA).

Chia sẻ ý kiến về nội dung này, bà Hương Nguyễn, chuyên gia về thuế của Ernst & Young Việt Nam cho biết, việc thực thi quy định này với doanh nghiệp cũng đang có nhiều vấn đề chưa rõ. Theo đó, mức khống chế này áp dụng đối với loại lãi vay nào, chỉ bao gồm lãi vay từ bên liên kết hay toàn bộ lãi vay? Câu hỏi này hiện đang được các cơ quan thuế trả lời khác nhau. Cục Thuế Hà Nội, tại Công văn số 1990/CT-TTHT và Công văn 3966/CT-TTHT hướng dẫn lãi vay bao gồm toàn bộ lãi vay từ bên liên kết và bên độc lập, áp dụng trong cả kỳ tính thuế. Trong khi đó, Cục Thuế Bình Dương, tại Công văn số 741/CT-TTHT cho rằng, lãi vay chỉ bao gồm lãi vay từ bên liên kết.

Một vấn đề khác nữa là thời điểm áp dụng. Nghị định 20 có hiệu lực từ ngày 1/5/2017, do đó, câu hỏi đặt ra là: “Việc khống chế chi phí lãi vay áp dụng từ thời điểm hiệu lực theo đúng nguyên tắc, bản chất kế toán hay cho cả năm tài chính 2017?”. Cho đến nay, câu hỏi này vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức.

Bình luận về cách thức ban hành các văn bản này, ông Long cho rằng, việc tạo hành lang pháp lý để chống các hành vi vi phạm về chuyển giá, gây thất thu ngân sách nhà nước là hợp lý, song cũng cần tính đến các tình huống có thể gây khó cho doanh nghiệp, từ đó làm tăng chi phí thực thi. “Thực tế, các doanh nghiệp cũng muốn tuân thủ quy định nhưng cần các quy định thông thoáng, rõ ràng và có thể thực hiện dễ dàng hơn”, ông Long nói.

Tin cùng chuyên mục