Tiền tệ tháng 5: Thanh khoản bớt dồi dào, VND 'nổi trội' khi nhiều đồng tiền khác mất giá

Giai đoạn bình lặng của thị trường tiền tệ liệu đã qua?

Thanh khoản ngân hàng bớt dồi dào

Theo báo cáo của SSI Research, trong tháng 5, NHNN đã bơm ròng 10.900 tỷ đồng, ghi nhận tháng thứ 2 liên tiếp bơm thêm tiền vào hệ thống. Dù vậy, giá trị bơm ròng giảm đáng kể so với mức 58.600 tỷ đồng của tháng 4.

Phát hành tín phiếu vẫn là công cụ chính mà NHNN sử dụng để điều tiết thanh khoản trong một năm trở lại đây trong bối cảnh thanh khoản ở trạng thái tốt. Khối lượng tín phiếu đang lưu hành giảm xuống mức 55.800 tỷ.

Lãi suất liên ngân hàng ổn định hơn vào đầu tháng nhưng tăng trở lại vào nửa cuối tháng, đặc biệt là ở các kỳ hạn ngắn. Trong đó, lãi suất qua đêm tăng lên 1,6% là mức lãi suất cao nhất ghi nhận được từ sau Tết.

Thanh khoản ngân hàng giảm tiếp tục ảnh hưởng tới việc phát hành trái phiếu của KBNN. KBNN buộc phải nâng mạnh lãi suất, đặc biệt ở các kỳ hạn dài. Trái phiếu 10 và 15 năm tăng lần lượt +16bps và +13bps, đẩy lợi suất trái phiếu thứ cấp tăng khá mạnh. Khối lượng trái phiếu phát hành có cải thiện trong tháng 5, nhưng cũng mới hoàn thành 29% kế hoạch sau 5 tháng với giá trị phát hành 57.6 nghìn tỷ đồng.

Nhìn chung, thanh khoản hệ thống ngân hàng chưa đáng lo ngại nhưng cần phải theo dõi các yếu tố mới phát sinh bao gồm nhập siêu và xu hướng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhập siêu đã trở lại trong tháng 5 sau nhiều tháng xuất siêu với giá trị ước tính 500 triệu USD. NĐTNN gia tăng bán ròng có thể liên quan đến việc rút vốn khỏi các thị trường mới nổi do FED nâng lãi suất.

"Khi nguồn cung ngoại tệ giảm, lượng tiền VND bơm ra để mua USD cũng giảm, ảnh hưởng đến nguồn cung VND và thanh khoản ngân hàng", bộ phận phân tích của SSI nhận định.

Yếu tố thứ hai là lượng tiền gửi của KBNN vốn khá dồi dào dự kiến không thể giữ lâu trong hệ thống ngân hàng. Theo SSI Retail Research, nút thắt về cơ chế và thủ tục trong giải ngân đầu tư công sớm muộn cũng được khai thông để có nguồn vốn phát triển kinh tế, xã hội.

Sức ép gia tăng trên thị trường ngoại hối

Tuần cuối cùng của tháng 5 chứng kiến cú vượt mạnh của tỷ giá USD/VND. Tỷ giá tăng 80 đồng chỉ trong vòng một tuần lên 22.880 đồng, cao hơn 0,64% so với đầu năm. Đợt biến động mạnh nhất kể từ đầu năm này xuất phát từ áp lực tỷ giá gia tăng cuối tháng 5.

Không riêng Việt Nam có một tháng không "lặng sóng", lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng bất ngờ tăng mạnh lên ngưỡng 3,11%, mức cao nhất trong gần 7 năm do lạm phát của Mỹ nhích dần lên mức 2%. Biên bản phiên họp tháng 5 sau đó giúp giảm bớt lo ngại của thị trường khi khả năng Fed có thể để lạm phát mục tiêu xoay quanh 2%. Lợi tức trái phiếu 10 năm giảm xuống dưới 3%.

Giá trị đồng USD dù vậy vẫn giữ ở mức cao. Hầu hết các đồng tiền lớn đều mất giá so với USD. EUR giảm -6,7% kể từ mức đỉnh năm 2018, GBP giảm -7,4% JPY giảm -3,4%.

Các đồng tiền mới nổi cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi nguy cơ dòng vốn bị rút về Mỹ là rất cao với quá trình nâng lãi suất của Fed cùng với rủi ro toàn cầu đang có xu hướng gia tăng như đồng BRL của Brazil mất 11,2% giá trị kể từ đầu bất chấp tăng trưởng kinh tế dương sau nhiều năm suy thoái. Đồng RUB của Nga và INR của Ấn Độ cũng giảm lần lượt 7,0% và 5,3%. Trong nhóm BRIC, chỉ có Trung Quốc duy trì được mức tăng 1,99% so với USD.
Các đồng tiền Châu Á khác như KRW (Hàn Quốc), IDR (Indonesia), PHP (Philippines) cũng giảm giá.

Trong bối cảnh đó, việc giảm giá nhẹ của VND vẫn giúp Việt nam nổi trội hơn so với các nước trong khu vực.

Tỷ giá trong nước hiện vẫn được nâng đỡ bởi nhiều yếu tố. Với dự trữ ngoại hối kỷ lục 64 tỷ USD, NHNN có thể sẵn sàng can thiệp điều tiết thị trường khi cần thiết. Trên thực tế, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá trung tâm xuống 22.566 đồng vào ngày 1/6, đây có thể coi là tín hiệu rõ ràng cho thị trường và có tác dụng ngay sau đó khiến tỷ giá giảm -40 đồng về mức 22.840 đồng.

Tuy vậy, cũng giống như thanh khoản ngân hàng, nhập siêu và dòng vốn gián tiếp là những ấn số cho thị trường ngoại hối đòi hỏi cần phải được theo dõi giám sát chặt chẽ.

Tin cùng chuyên mục