Tranh cãi về mở rộng đối tượng chịu thuế

(BĐT) - Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với một số loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu được nhìn nhận là chưa hợp lý. Mặt khác, tính công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn thu thuế khiến nhiều ý kiến ngại ngần với các đề xuất nêu trên.
UBND TP.HCM đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ. Ảnh: Hằng Hà
UBND TP.HCM đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ. Ảnh: Hằng Hà

Áp thuế khi chưa rõ tiêu chí là mơ hồ

Tại văn bản góp ý Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước vừa được UBND TP.HCM gửi đến Bộ Tài chính, nội dung bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB và thuế BVMT đang gây nhiều tranh cãi.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt, UBND TP.HCM đề xuất nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB đối với một số hàng hóa, dịch vụ là: điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ.

Theo đó, nước hoa và dịch vụ thẩm mỹ được coi là loại hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm khá cao cấp, do đó, việc bổ sung vào đối tượng chịu thuế như trên sẽ giúp mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên. Đối với các hàng hóa, dịch vụ còn lại, theo UBND TP.HCM, không phải là hàng hóa, dịch vụ cao cấp song cũng không phải là hàng hóa, dịch vụ rất thiết yếu, nên cần phải đưa vào diện chịu thuế TTĐB để hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý.

Trong đó, điện thoại di động tuy là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc nhưng đưa vào diện chịu thuế TTĐB để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.

Chia sẻ quan điểm về đề xuất này, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Công ty Nghiên cứu thị trường VietAnalytics cho rằng, việc đưa thêm một hàng hóa vào danh sách chịu thuế cần cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên các tiêu chí rõ ràng.

“Nước hoa cũng có hàng trăm, hàng nghìn loại, có loại chỉ giá vài chục nghìn đồng, có loại giá vài chục triệu đồng với cùng một dung tích. Tương tự, điện thoại di động cũng có loại chỉ vài trăm nghìn đồng, có loại vài chục triệu đồng. Mức giá bán của các hàng hóa này được căn cứ trên nhiều yếu tố, chẳng hạn như chất lượng, tính năng và cả thương hiệu. Không thể cho tất cả các loại này vào cùng một rổ là “hàng khá cao cấp” hoặc “hàng không thiết yếu” để đánh thuế TTĐB. Thay vào đó, cần đưa ra các tiêu chí nhất định, nếu không, đề xuất tính thuế là mơ hồ”, ông Minh nhấn mạnh.

Nhìn nhận từ góc độ khác, một chuyên gia từ Tổng cục Thuế cho rằng, việc đánh thuế TTĐB với điện thoại di động là chưa hợp lý. “Đây là mặt hàng hiện được đông đảo người dân sử dụng. Mặt khác, các chính sách hiện nay cũng hướng tới việc khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin trong các giao dịch hàng ngày, đặc biệt là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Việc đề xuất đánh thuế TTĐB với điện thoại di động sẽ giảm cơ hội tiếp cận kinh tế số của người dân”, vị chuyên gia này đánh giá. 

Sử dụng nguồn thu theo đúng tên gọi

Một đề xuất đáng chú ý khác của UBND TP.HCM là nghiên cứu bổ sung vào diện chịu thuế BVMT đối với pin, ắc quy, các loại thuốc bảo quản thực vật, vì đây là những hàng hóa mà quá trình sản xuất và sử dụng gây ô nhiễm môi trường nên cần đánh thuế BVMT để hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý.

Ngoài ra, theo UBND TP.HCM, cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế, cần tiếp tục khảo sát để đánh giá và bổ sung vào diện chịu thuế BVMT những mặt hàng khác mà quá trình sản xuất và tiêu dùng gây hại cho môi trường nhưng không thể hoặc quá tốn kém, khi đo lường chất gây ô nhiễm môi trường.

Phân tích về sắc thuế này, ông Đinh Tuấn Minh cho biết, một số nước trên thế giới cũng đã đặt tên gọi “rất kêu” cho một số loại thuế, chẳng hạn như thuế giáo dục ở Hàn Quốc. Thuế này được đánh trên nhiều mặt hàng khác nhau nhưng tên gọi của loại thuế này chỉ rõ là dùng để chi cho giáo dục và các khoản chi được công khai, minh bạch cụ thể.

“Như vậy, vấn đề của thuế BVMT cần bắt đầu từ việc công khai minh bạch nguồn chi theo đúng tên gọi đó. Nếu thu thuế với tên gọi rất nhân văn và ý nghĩa nhưng không chi cho mục đích đó thì dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng và hẳn là không thuyết phục”, ông Minh nói.

Tin cùng chuyên mục