Việt Nam xếp hạng thấp trong công khai ngân sách

(BĐT) - Chỉ số công khai ngân sách của Việt Nam năm 2015 (OBI 2015) vừa được Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) và Tổ chức Hợp tác ngân sách quốc tế (IBP) công bố ngày 14/1 cho thấy, OBI 2015 của Việt Nam là 18/100 điểm.
Cơ quan lập pháp của Việt Nam có Uỷ ban Tài chính và Ngân sách nhưng chưa có bộ phận nghiên cứu và phân tích ngân sách riêng như thông lệ quốc tế. Ảnh: Tất Tiên
Cơ quan lập pháp của Việt Nam có Uỷ ban Tài chính và Ngân sách nhưng chưa có bộ phận nghiên cứu và phân tích ngân sách riêng như thông lệ quốc tế. Ảnh: Tất Tiên

Mức điểm này gần như không thay đổi so với đánh giá năm 2012 (19/100 điểm) và thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình toàn cầu (45 điểm).

Có những thay đổi đáng ghi nhận

Năm 2015, chỉ số OBI được xây dựng dựa trên 3 trụ cột: mức độ minh bạch (chỉ số OBI); sự tham gia của công chúng và giám sát ngân sách. Điểm OBI của Việt Nam năm 2015 được đánh giá là gần như không thay đổi so với năm 2012, song điểm xếp hạng 3 trụ cột của xếp hạng công khai ngân sách của Việt Nam có những thay đổi đáng ghi nhận.

Sự tham gia của công chúng đối với các vấn đề ngân sách đạt 42/100 điểm. Tuy nhiên, ở trụ cột này, Việt Nam xếp cao hơn mức trung bình 25 điểm của toàn cầu và tốt hơn phần lớn các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Đánh giá cao những thay đổi tích cực này, ông Joe Friedman, Nghiên cứu viên cao cấp của IBP khẳng định: “Việt Nam còn nhiều tiềm năng để có thể cải thiện chỉ số công khai ngân sách”.

Việt Nam đang có những chuẩn bị để sẵn sàng thay đổi trong vấn đề công khai ngân sách như Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) ban hành năm 2015 được cho là tích cực với việc hiện thực hóa pháp lý việc công khai dự thảo dự toán ngân sách nhà nước 

Về trụ cột giám sát ngân sách của cơ quan lập pháp và kiểm toán, Việt Nam được đánh giá là đầy đủ với điểm 61/100 điểm thứ hạng đối với cơ quan lập pháp và 75/100 điểm thứ hạng đối với cơ quan kiểm toán. Tuy nhiên, các câu hỏi khảo sát của Việt Nam cho thấy, việc giám sát trong quá trình lập kế hoạch ngân sách là đầy đủ và trong quá trình thực thi ngân sách là hạn chế. Cơ quan lập pháp có Uỷ ban Tài chính và Ngân sách, nhưng chưa có bộ phận nghiên cứu và phân tích ngân sách riêng như thông lệ quốc tế. Cơ quan lập pháp cũng không ra quyết định trong việc sử dụng quỹ dự phòng không nằm trong ngân sách được Quốc hội thông qua.

Theo IBP, khảo sát công khai ngân sách được xây dựng trên các tiêu chí quốc tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD), Tổ chức Kiểm toán quốc tế (INTOSAI). Đây là khảo sát và nghiên cứu dựa trên bằng chứng và việc kiểm chứng trên thực tế dựa trên bộ câu hỏi chuẩn. Bằng chứng và trích lục các tài liệu về ngân sách có thể tiếp cận được bằng nguồn mở, hoặc kiểm chứng bằng các phỏng vấn với các công chức liên quan và các nhà nghiên cứu. Toàn bộ khảo sát được thực hiện trong 18 tháng, từ tháng 3/2014 đến tháng 9/2015, với sự tham gia của hơn 300 chuyên gia thuộc 102 quốc gia trên thế giới. 

Cần cải thiện OBI trong thời gian tới

Tại Hội thảo Công bố OBI 2015 và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam về thúc đẩy công khai minh bạch ngân sách, các chuyên gia bày tỏ băn khoăn về chỉ số của 3 trụ cột của OBI. Theo đó, với mức độ công khai ngân sách ở mức điểm 18 thì chỉ số đánh giá sự tham gia của công chúng và chỉ số giám sát ngân sách được đánh giá ở mức cao hơn trung bình thế giới liệu có khách quan?

Trước băn khoăn này, ông Juan Pablo Guerrero, Giám đốc mạng lưới Sáng kiến toàn cầu về minh bạch tài khóa (Chuyên gia quốc tế thuộc IBP) lý giải, cuộc khảo sát bao gồm 140 câu hỏi đánh giá về 3 trụ cột của trách nhiệm giải trình ngân sách. Trụ cột OBI được chấm điểm dựa trên việc trả lời 109 câu hỏi khảo sát. Trụ cột thứ hai được đánh giá thông qua 16 câu hỏi về việc tạo cơ hội cho sự tham gia của công chúng. 15 câu hỏi cuối của khảo sát xem xét tính hiệu quả của trụ cột giám sát liên quan tới cơ quan lập pháp và kiểm toán tối cao của mỗi nước, với điểm số riêng biệt cho từng cơ quan. Như vậy, trong kết quả tổng quát, số điểm chấm của trụ cột OBI chiếm phần lớn, nên những kết quả đạt được trong chỉ số chung còn hạn chế. Việc các trụ cột “sự tham gia của công chúng” và “giám sát ngân sách” được đánh giá cao là do chỉ số khảo sát dừng ở mức độ tạo điều kiện, ở văn bản pháp lý cho sự tham gia của cộng đồng vào quy trình ngân sách; và tính hiệu quả của hai thể chế giám sát chính thức là cơ quan lập pháp và cơ quan kiểm toán tối cao chứ chưa có sự đo lường, đánh giá về sự tham gia thực chất của đối tượng công chúng và giám sát ngân sách.

Nhìn tổng thể, các chuyên gia của IBP cho rằng, Việt Nam đang có những chuẩn bị để sẵn sàng thay đổi trong vấn đề công khai ngân sách như Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) ban hành năm 2015 được cho là tích cực với việc hiện thực hóa pháp lý việc công khai dự thảo dự toán ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, các chuyên gia của IBP khuyến nghị, cần công khai các thông tin ngân sách nhiều hơn nữa; thể chế hóa các yêu cầu pháp lý liên quan đến việc công khai minh bạch ngân sách; tạo thêm nhiều cơ hội cho công chúng tham gia vào quá trình ngân sách cũng như trao quyền cho các tổ chức giám sát.

Tin cùng chuyên mục