Viettronics lên UPCoM, cổ đông lớn hụt hẫng

(BĐT) - Không như kỳ vọng, cổ phiếu VEC của Tổng công ty CP Điện tử và Tin học Việt Nam (Viettronics) đã giảm sàn về mức 7.700 đồng/CP với thanh khoản thấp ngay trong phiên giao dịch đầu tiên trên UPCoM ngày 14/7/2017. 
Với lợi thế đất đai, Viettronics lọt vào tầm ngắm của khá nhiều tổ chức M&A. Ảnh: Hà Thành
Với lợi thế đất đai, Viettronics lọt vào tầm ngắm của khá nhiều tổ chức M&A. Ảnh: Hà Thành

Đáng chú ý, 3 tháng trước Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - cổ đông lớn của Viettronics - đã hủy cuộc đấu giá cổ phiếu VEC với giá khởi điểm 15.100 đồng/CP.

Doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận “cò con”

Viettronics được thành lập vào tháng 10/1970 với tên gọi là Phòng nghiên cứu Điện tử thuộc Bộ Cơ khí và Luyện kim. Đến nay, Viettronics là một doanh nghiệp sản xuất và cung cấp máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử, vi tính, thiết bị viễn thông. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, kết quả kinh doanh của Tổng công ty liên tục sa sút, có khả năng thua lỗ.

Theo báo cáo tài chính của Viettronics, lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ ghi nhận mức âm 7,35 tỷ đồng trong năm 2014 và chỉ duy trì ở mức bình quân trên 4 tỷ đồng trong 2 năm 2015 và 2016. Nguyên nhân dễ nhận thấy nhất là giá vốn hàng bán gia tăng mạnh đã bào mòn lợi nhuận gộp của doanh nghiệp.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, giá vốn hàng bán của Viettronics tăng mạnh từ mức 84,53% (năm 2013) lên cao nhất là 96,67% (năm 2015) trước khi giảm xuống còn 91,87%. Vì vậy, mặc dù doanh thu thuần 2016 đã đạt 1.400 tỷ đồng (gấp 2 lần so với các năm trước, cũng là mức cao nhất từ khi hoạt động đến nay) song lợi nhuận gộp của Viettronics cũng chỉ tăng hơn 10% so với mức bình quân 3 năm gần nhất.

Bước sang năm 2017, kết quả kinh doanh của Viettronics có phần khởi sắc hơn. Doanh thu hợp nhất quý I/2017 đạt 418 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ đạt 8,73 tỷ đồng và cải thiện đáng kể so với mức lỗ 7,81 tỷ đồng trong quý I/2016. 

Sở hữu trên 13,87 ha đất tại hai thành phố lớn

Quy mô vốn khiêm tốn song Viettronics và các công ty liên quan đang quản lý 13,87 ha đất, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM. Số liệu tại báo cáo thường niên công bố nhiều công ty con và liên doanh thuộc Viettronics đang sống nhờ hoạt động cho thuê lại nhà xưởng chứ không phải từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Theo bảng công bố thông tin niêm yết, tại các vị trí đắc địa, Tổng công ty đang tiến hành tìm kiếm đối tác để liên doanh khai thác như số 15 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội (527 m2); số 6 Phạm Văn Hai - quận Tân Bình (6.508,7 m2); số 289A Nơ Trang Long, TP.HCM  2,34 ha); số 204 Nơ Trang Long, TP.HCM (2,24 ha)… Một số chuyên gia định giá bất động sản cho biết, giá trị lợi thế từ quyền sử dụng tại các lô đất tính theo giá trị thị trường ước tính lên tới gần 700 tỷ đồng.

Với lợi thế đất đai, Viettronics lọt vào tầm ngắm của khá nhiều tổ chức M&A khi SCIC lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại doanh nghiệp này. Vào tháng 4/2017, SCIC đã chào bán trọn lô hơn 38,5 triệu CP, tương ứng 87,97% vốn điều lệ với mức giá khởi điểm 15.100 đồng/CP. Tuy nhiên không rõ lý do vì sao SCIC đã hủy đợt đấu giá.

Động thái hủy bỏ phiên đấu giá trọn lô cổ phần Viettronics của SCIC và lên giao dịch trên UPCoM với mức giá tham chiếu 12.100 đồng/CP - thấp hơn tới gần 30% mức giá chào bán theo lô trước đó đang khiến cho nhiều nhà đầu tư cảm thấy vô cùng khó hiểu. Với giá CP VEC lao dốc như hiện nay, thoái vốn khối lượng lớn khỏi Viettronics với giá trên mệnh giá là một thách thức với SCIC.

Tin cùng chuyên mục