Ai sẽ bán cổ phần Techcombank trong đợt IPO?

Bản thân Techcombank bán nốt hơn 64 triệu cổ phiếu quỹ trong đợt chào bán này. Nhưng lượng cổ phiếu bán ra bên ngoài không chỉ đến từ Techcombank. Trung tuần tháng 4, thông tin về đợt chào bán cổ phần Techcombank lần đầu ra công chúng lần đầu được hé lộ khi ngân hàng này bắt đầu tổ chức Roadshow vào ngày 13/4 vừa qua.

Đợt chào bán này dự kiến sẽ phá các kỷ lục trước, qua đó trở thành thương vụ IPO có giá trị lớn nhất, lên tới khoảng 900 triệu USD. Danh sách các nhà đầu tư chủ chốt (cornerstone investors) đã hé lộ một vài cái tên lớn gồm Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore (GIC) dự kiến chi 100 triệu USD, GIS.UL, Fidelity Management and Research và Dragon Capital. Thông tin tử Reuters cũng cho biết số lượng cổ phần mà các nhà đầu tư chủ chốt đặt mua chiếm tới 76% lượng chào bán, một tỷ lệ cao so với các đợt chào bán ra công chúng khác.

Reuters dẫn lời một nguồn tin đáng tin cậy cho biết quy mô vốn huy động từ thương vụ này dao động từ 864 triệu đến 922 triệu USD, với giá chào bán khoảng 120.000-128.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, ước tính có khoảng 164 triệu cổ phiếu TCB được chào bán trong đợt này.

Trong khi phía bên mua đã lộ diện một số cái tên lớn thì câu hỏi đặt ra là ai sẽ bán cổ phần TCB?

Theo thông báo ngày 23/3, cùng với đợt bán cổ phiếu theo chương trình ESOP, Techcombank đã hoàn tất bán cổ phiếu quỹ đợt 1 với khối lượng 93,2 triệu cổ phiếu và mức giá 91.000 đồng/cp. Bên mua chính trong giao dịch bán cổ phiếu quỹ đợt 1 là hai pháp nhân thuộc Warburg Pincus, quỹ ngoại hiện đã đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam.

Về đợt chào bán cổ phiếu quỹ thứ 2, thông báo phát đi từ ngân hàng cho biết 64,41 triệu cổ phiếu còn lại tiếp tục được bán và hoàn tất trong quý II/2018.

Như vậy, một phần đáng kể cổ phần trong đợt chào bán ra công chúng lần này là cổ phiếu quỹ của Techcombank. Trừ đi 64,41 triệu cổ phiếu quỹ trên, lượng cổ phiếu còn lại với khối lượng xấp xỉ 100 triệu cổ phiếu sẽ được bán từ một số cổ đông của ngân hàng bởi Techcombank không phát hành tăng vốn.

Cổ đông lớn nhất của Techcombank tính đến thời điểm cuối năm 2017 là CTCP Tập đoàn Masan với 174,7 triệu cổ phiếu (14,99%). Hai công ty liên quan đến ông Nguyễn Cảnh Sơn gồm Eurowindow Holding cùng Eurofinance lần lượt sở hữu 3,6% và 2,4% vốn với tổng cộng khoảng 70 triệu cổ phiếu.

Vốn điều lệ của Techcombank hiện xấp xỉ 11.655 tỷ đồng sau hai lần tăng vốn trong năm 2017 gồm đợt chào bán 70 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu giá 30.000 đồng/cp và đợt chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu với giá khoảng 13.000 đồng/cp.

Theo một báo cáo do CTCK thuộc nhóm đơn vị tư vấn phát hành hồi cuối tháng 3, cổ phiếu TCB được định giá lên mức 3 con số, cao hơn giá của mọi cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch hiện nay. Việc định giá dựa trên các phương pháp định giá chiết khấu gồm Chiết khấu lợi nhuận thặng dư và Chiết khấu dòng cổ tức.

Định giá cổ phiếu TCB theo hai phương pháp định giá chiết khấu LN thặng dư và chiết khấu dòng cổ tức- Nguồn: VCSC

Các phương pháp định giá này đều dựa trên những giả định về tương lai. Báo cáo của CTCK cũng nhắc đến rủi ro giảm đối với các dự báo và định giá do khả năng TCB không đạt được mong muốn về thu nhập và lợi nhuận bởi không thành công trong thực hiện mô hình kinh doanh hay phát triển mảng bán lẻ, hoặc khó khăn chung đến với ngành dẫn đến chu kỳ nợ xấu mới.

Theo báo cáo, điểm nhấn trong mô hình kinh doanh của Techcombank là sự tăng trưởng của nguồn thu phi tín dụng gồm mảng ngân hàng giao dịch và bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bacassurance). Riêng hoạt động bacassurance, việc ký kết hợp đồng độc quyền 15 năm với Manulife qua đó nhận trước một khoản phí upfront 88,1 triệu USD trong năm 2017. Ngoài ra, Techcombank còn có đối tác hệ sinh thái chiến lược là Vingroup giúp ngân hàng tiếp cân được nhóm khách hàng cấp trung (mass affluent). Như dự án Vincity sắp tới, Techcombank cùng 1 ngân hàng khác sẽ là đơn vị cung cấp các khoản vay thế chấp mua nhà.

Tin cùng chuyên mục