Đấu giá cổ phần DN nước sạch: Lạnh như băng

(BĐT) - Một loạt cuộc đấu giá cổ phần (CP) các công ty nước sạch thuộc sở hữu nhà nước diễn ra trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội gần đây đã không thành công. Là mặt hàng thiết yếu, kinh doanh độc quyền, vì sao nhà đầu tư vẫn không mặn mà với CP các doanh nghiệp (DN) này?
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Lợi thế không nhỏ

Theo bản công bố thông tin chào bán CP của các DN sản xuất nước, phần lớn các DN nhà nước sản xuất, cung cấp nước sạch cho DN và người dân trên địa bàn các tỉnh, thành phố; ngoài ra cũng có một số đơn vị tư nhân nhưng quy mô nhỏ lẻ chỉ đáp ứng cho một bộ phận nhỏ dân cư. Nước sạch là một mặt hàng đặc biệt, nhu cầu ít biến động khi nền kinh tế bị suy thoái và đặc biệt tăng nhanh khi nền kinh tế phục hồi, tốc độ đô thị hóa cao. Đặc biệt, đây là loại hàng hóa mang tính chất dịch vụ công cộng, sản phẩm làm ra được người dân và các ngành kinh tế tiêu thụ ngay. Chính đặc điểm của sản phẩm và tính độc quyền cao đã tạo khá nhiều thuận lợi cho các công ty tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, chi phí nguyên liệu đầu vào đối với sản xuất nước sạch không quá lớn bao gồm: nước tự nhiên lấy tại sông hoặc mạch nước ngầm (chủ yếu đóng thuế tài nguyên), các chất khử... Các khoản đầu tư lớn nhất nằm ở xây dựng nhà máy mới, đường ống phân phối, nhưng đây là tài sản cố định và đầu tư một lần, khấu hao dần qua các năm. Một lợi thế nữa là giá nước sạch ít biến động nên doanh thu của các DN ngành nước có tính ổn định cao. 

Thất bại nối tiếp

Mặc dù có không ít lợi thế nhưng đa số các DN nước sạch có vốn nhà nước thực hiện cổ phần hóa gần đây đều thất bại cả về lượng và giá.

Ngày 25/1/2016, CTCP Nước sạch Vĩnh Phúc đấu giá hơn 4,9 triệu CP giá khởi điểm 10.000 đồng/CP. Chỉ có 16 nhà đầu tư tham gia đấu giá với tổng số lượng đăng ký 19.300 CP, giá trúng đấu giá bằng giá khởi điểm. Ngày 27/1/2016, Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Lào Cai đấu giá 5,15 triệu CP, giá khởi điểm 10.000 đồng/CP. Có 39 nhà đầu tư tham gia đấu giá với tổng khối lượng 163.500 CP bằng tỷ lệ rất nhỏ so với khối lượng đem ra đấu giá. Trước đó, nhiều DN nước sạch khác đấu giá không thành công như: Công ty TNHH MTV Cấp nước và Xây dựng Quảng Trị (chỉ bán được hơn 21.000 CP trong tổng số 5,3 triệu CP chào bán), CTCP Cấp nước Yên Bái (bán được 22.500 CP trên tổng số 2,3 triệu CP chào bán), Công ty TNHH Cấp nước và Xây dựng Điện Biên (bán được 54.000 CP trên tổng số 13 triệu CP chào bán). 

Một số rất ít DN bán được số CP lớn, giá trị thặng dư thấp. Đơn cử như trường hợp Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Hải Dương bán được 2,363 triệu CP/2,371 triệu CP chào bán nhưng giá đấu bình quân cũng chỉ đạt 10.475 đồng/CP. Công ty TNHH Xây dựng cấp thoát nước Nghĩa Lộ bán hết 1,315 triệu CP đem ra chào bán với giá trúng bình quân 10.100 đồng/CP. Duy nhất một nhà đầu tư ôm trọn lô CP này.

Việc CP ngành nước không hấp dẫn do một số hạn chế nội tại của ngành này. Theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, các DN nước sạch nhà nước phần lớn kế thừa nền tảng, hạ tầng nhà máy sản xuất nước sau một thời gian dài đầu tư. Nhiều tài sản đã được đánh giá lại khiến vốn điều lệ tăng lên mạnh. Đa số các DN nước có vốn điều lệ từ 300 đến trên dưới 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó lợi nhuận thấp, không tương xứng với vốn điều lệ nên lợi tức của các CP này thấp khiến CP ngành nước không hấp dẫn.

Ngoài những nguyên nhân trên, cơ cấu vốn sau CPH không hợp lý, ít có sự thay đổi, Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ sở hữu rất lớn cũng là hạn chế đối với CP nước sạch. Anh H.P.T, công nhân CTCP Nước sạch Thái Bình cho biết, cách đây gần 2 năm DN đã cổ phần hóa. Ngoài phần mua ưu đãi bằng 60% mệnh giá (6.000 đồng/CP) anh được mua thêm một lượng CP giá 10.000 đồng/CP. Tuy nhiên anh không mua thêm do không có nhiều hiểu biết về CP. Qua 2 năm, vẫn chưa có nhiều thay đổi trong hoạt động nhà máy. Cổ tức cả năm ngoái vẫn chưa được chi trả. Phần lợi tức kể từ khi CPH (tháng 9/2014) đến nay cũng không được Công ty đề cập việc chi trả.

Theo kế hoạch kinh doanh các năm sau khi CPH của các DN nước sạch, tỷ lệ cổ tức phổ biến chỉ từ 3 - 8%, xấp xỉ tiền gửi ngân hàng (tính trên giá mua bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP). Hoạt động kinh doanh ổn định, nhu cầu nước sạch ngày một tăng, mức lợi tức kể trên có thể chấp nhận được với các nhà đầu tư ưa thích CP phòng thủ. Tuy nhiên, do lộ trình niêm yết không rõ ràng khiến triển vọng mua bán CP gặp khó khăn, đã làm mất đi sức hấp dẫn CP ngành này.

Liên tiếp nhiều cuộc đấu giá CP các DN nước thời gian qua không thành công nhưng tới đây, CP ngành này vẫn tiếp tục được bung ra thị trường. Ngày 16/2/2016, hơn 8,6 triệu CP của Công ty TNHH MTV Cấp nước Thanh Hóa thực hiện đấu giá với giá khởi điểm 12.000 đồng/CP. DN này có vốn điều lệ 318 tỷ đồng, tỷ lệ CP đem ra đấu gia không phải là lớn. Tuy nhiên, khả năng đấu giá thành công khá thấp khi thị trường chứng khoán đang rất khó khăn và lượng CP ngành nước tràn ngập thị trường. Lựa chọn thời điểm IPO không phù hợp cũng là một nguyên nhân khiến CP ngành nước lạnh như băng.

Tin cùng chuyên mục