Giá cao su giảm, IPO Cao su Đắk Lắk gặp khó

(BĐT) - Ngày 31/7, hơn 97,5 triệu cổ phần của Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk (tương đương 62,63% vốn điều lệ) sẽ được chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) với giá khởi điểm là 12.600 đồng/CP. 

Dù năm 2017 Công ty đã có lợi nhuận trở lại, nhưng kết quả kinh doanh năm 2018 có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực do diễn biến không thuận lợi của giá cao su thiên nhiên. 

Rủi ro giá cao su bao trùm kết quả kinh doanh

Kể từ khi lập đỉnh vào cuối năm 2011, giá cao su liên tục lao dốc thê thảm. Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp cao su nói chung và Cao su Đắk Lắk nói riêng khi doanh thu từ bán mủ cao su chiếm tới hơn 90% doanh thu bán hàng.

Trong giai đoạn từ 2014 - 2016, Công ty liên tục báo lỗ với con số lần lượt là 1,5 tỷ đồng, 238,5 tỷ đồng và 14,6 tỷ đồng. Đáng nói hơn là ngay cả hoạt động kinh doanh chính của Công ty là bán mủ cao su cũng không mang lại lợi nhuận. Sau khi trừ hết cả khoản chi phí giá vốn, chi phí lãi vay và các chi phí hoạt động (chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chính của Công ty từ 2014 - 2016 lần lượt âm 47,9 tỷ đồng, âm 163,7 tỷ đồng và âm 48,9 tỷ đồng.

Sang năm 2017, giá cao su phục hồi giúp Công ty có lãi trở lại. Cụ thể, theo báo cáo tài chính năm 2017, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.046 tỷ đồng, tăng trưởng 33,7%. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 131 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty cũng ghi nhận hơn 234,9 tỷ đồng lợi nhuận khác, chủ yếu đến từ thanh lý cây cao su. Kết thúc năm 2017, Công ty ghi nhận lãi ròng 354,4 tỷ đồng.

Mặc dù chưa công bố báo cáo tài chính quý I và 6 tháng đầu năm 2018, nhưng kết quả kinh doanh của Cao su Đắk Lắk có thể không mấy tích cực do diễn biến không thuận lợi của giá cao su thiên nhiên (xem biểu đồ).

 Điều này có thể được nhìn nhận từ doanh thu và lợi nhuận ròng quý I/2018 của nhiều doanh nghiệp cao su khác. Đơn cử, Công ty CP Cao su Bà Rịa (doanh thu và lợi nhuận quý I/2018 giảm lần lượt 39% và 43% so với cùng kỳ năm 2017); Công ty CP Cao su Tây Ninh (doanh thu và lợi nhuận giảm lần lượt 6% và 66%), Công ty CP Cao su Đồng Phú (doanh thu và lợi nhuận giảm lần lượt 3% và 9,5%).

Lợi thế quỹ đất nông nghiệp lớn

Một trong những lợi thế của Cao su Đắk Lắk để cổ phần hóa thành công là quỹ đất nông nghiệp lớn của doanh nghiệp này. Theo phương án sử dụng đất của Công ty sau cổ phần hóa, tổng diện tích đất Công ty giữ lại là 9.268,5 ha. Trong đó, đất nông nghiệp là 9.231,7 ha, gồm: Đất trồng cây lâu năm (8.837,91 ha); đất nuôi trồng thủy sản (4,22 ha); đất sản xuất nông nghiệp (389,57 ha).

Đất phi nông nghiệp rộng 34,94 ha, bao gồm: Đất ở tại đô thị (0,88 ha); đất cơ sở y tế (0,44 ha); đất cơ sở thể dục thể thao (0,92 ha); đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (32 ha); đất bãi thải xử lý chất thải (1,24 ha) và đất có mặt nước chuyên dùng (0,26 ha).  

Theo Quyết định về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk, Công ty sẽ không tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược và phần lớn cổ phần sẽ được chào bán cho công chúng. Cụ thể, Nhà nước sẽ nắm giữ hơn 56 triệu cổ phần (tương đương 36% vốn điều lệ); số cổ phần chào bán công khai cho nhà đầu tư là hơn 97,5 triệu cổ phần (chiếm 62,63%); cổ phần bán ưu đãi cho CBCNV là hơn 2,1 triệu cổ phần (tương đương 1,37% vốn điều lệ); hơn 1,94 triệu và 1,96 triệu cổ phần còn lại sẽ được chào bán ưu đãi và cho cổ đông là cán bộ công nhân viên đăng ký mua thêm theo số năm cam kết làm việc lâu dài cho Công ty.

Tin cùng chuyên mục