Giá khởi điểm cho mỗi cổ phần của PVOil dự kiến hơn 20.000 đồng

Lượng cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) là 462,5 triệu cổ phần, tương đương 44,72% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Giá khởi điểm cho mỗi cổ phần của PVOil dự kiến là hơn 20.000 đồng.
Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PVOil chia sẻ thông tin đến các nhà đầu tư và cổ đông.
Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PVOil chia sẻ thông tin đến các nhà đầu tư và cổ đông.

Đó là thông tin mà ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PVOil đã cung cấp đến giới truyền thông trong buổi gặp mặt các cổ đông, nhà đầu tư của PVOil

Theo đó, trong 4 tháng đầu năm 2018, sản lượng kinh doanh xăng dầu của PVOil đạt 1.061 ngàn m3, tỷ trọng bán lẻ đạt 24%. Doanh thu đạt 16.560 tỷ đồng tăng 0,5% so với cùng kỳ 2017, lợi nhuận trước thuế đạt 238 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Cao Hoài Dương cho biết, sau giai đoạn thẩm định đầu tư giữa PVOil với các nhà đầu tư trong và ngoài nước thì doanh nghiệp này đã chọn ra được 4 nhà đầu tư đủ năng lực để trở thành cổ đông chiến lược.

Các nhà đầu tư nước ngoài là Tập đoàn Dầu khí SK (Hàn Quốc) và Công ty Idemitsu (Nhật Bản) – đơn vị đang đầu tư cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Hai nhà đầu tư trong nước còn lại là HDBank và Tập đoàn Sovico.

Lượng cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược của PVOil là 462,5 triệu cổ phần, tương đương 44,72% vốn điều lệ của doanh nghiệp này và giá khởi điểm cho mỗi cổ phần của PVOil dự kiến là hơn 20.196 đồng.

Theo ông Dương, các nhà đầu tư có nhu cầu rất lớn đối với lượng cổ phiếu sắp bán ra của PVOil, thậm chí có nhà đầu tư còn muốn mua hết cổ phiếu của PVOil. Tuy nhiên, PVOil sẽ tổ chức bán đấu giá công khai nhằm đảm bảo thu về cho Nhà nước giá tốt nhất. Nhà nước có thể thu về khoảng 9.000 tỷ đồng.

Các nhà đầu tư chiến lược chia sẻ, họ đang e dè nhất chính là việc không được nhượng cổ phần trong 10 năm. Trong khi đó, trước đây chỉ là không nhượng cổ phần từ 3 – 5 năm.

“Đây chính là điều khoản ràng buộc sự gắn bó từ nhà đầu tư chiến lược, song 10 năm so với 3 đến 5 năm thì thực sự là rất dài. Tất cả các nhà đầu tư tham gia vào PVOil đều băn khoăn điều này”, ông Dương nói.

Đại diện PVOil cũng đã kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gia hạn cho PVOil thời gian để bán cho cổ đông chiến lược. Theo đó, trong tháng 7/2018, PVOil sẽ hoàn thành việc chào bán cổ đông chiến lược và tổ chức đại hội cổ đông lần thứ nhất ngay trong tháng 8/2018 để bảo đảm quyền lợi cho các cổ đông khác.

Nếu được chấp thuận, đầu tháng 7 tới PVOIL sẽ tiến hành đấu giá cổ phiếu bán cho cổ đông chiến lược thông qua Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM để đảm bảo tính công khai và minh bạch. Ngay sau đó, PVOIL sẽ trình kết quả lên Bộ Công Thương, PVN để phê duyệt kết quả đấu giá và công bố rộng rãi thông tin.

Các nhà đầu tư và cổ đông của Tổng công ty Dầu Việt Nam đã có mặt tại TPHCM để lắng nghe tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.

Trước đó, vào năm 2017 PVOil đã thoái vốn tại 3 công ty kém hiệu quả gồm PVOil Quảng Ninh, PVOil Thái Nguyên, PVOil Kiên Giang.

PVOil đang là doanh nghiệp đứng thứ 2 về buôn bán sản phẩm xăng dầu tại Việt Nam với thị phần 20%. Hiện nay, PVOil sở hữu 540 cửa hàng xăng dầu trên cả nước và dự kiến mở rộng lên 1.500 cửa hàng vào năm 2022.

Tin cùng chuyên mục