MobiFone lại lỡ hẹn cổ phần hoá vì thương vụ với AVG

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sau khi MobiFone nhận lại số tiền đã thanh toán để mua cổ phần AVG, Bộ này sẽ xác định lại giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá MobiFone. Dự kiến hoàn thành cổ phần hoá trong năm 2019.
Được đưa vào danh sách cổ phần hóa từ năm 2005 và trải qua 2 nhà tư vấn, sau hơn 10 năm, kế hoạch cổ phần hóa MobiFone vẫn chưa thể hoàn thành.
Được đưa vào danh sách cổ phần hóa từ năm 2005 và trải qua 2 nhà tư vấn, sau hơn 10 năm, kế hoạch cổ phần hóa MobiFone vẫn chưa thể hoàn thành.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về thời hạn cổ phần hoá MobiFone và VTC. Hai đơn vị này đều nằm trong danh sách kế hoạch cổ phần hoá trong năm 2018.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, MobiFone phải xác định lại giá trị doanh nghiệp sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến kết luận về kết quả thanh tra Dự án MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG).

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông và MobiFone đang triển khai thực hiện kết luận thanh tra, trong đó có việc chấm dứt hợp đồng mua cổ phần giữa MobiFone mà nhóm cổ đông của AVG. MobiFone sẽ nhận lại số tiền đã thanh toán cho nhóm cổ đông.

“Sau khi MobiFone hoàn thành việc nhận lại tiền, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai các công việc xác định lại giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá MobiFone. Bộ dự kiến hoàn thành cổ phần hoá MobiFone trong năm 2019”, báo cáo nêu.

Trên thực tế, việc cổ phần hoá MobiFone đã được khởi động từ năm 2005 khi doanh nghiệp này vẫn còn trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Tại thời điểm đó, Bộ Tài chính thậm chí đã chi 20 tỷ đồng cho việc cổ phần hóa doanh nghiệp này. Dù vậy, cho đến nay, kế hoạch cổ phần hoá MobiFone vẫn chưa hoàn thành.

Được đánh giá là “con gà đẻ trứng vàng”, MobiFone từng nhận được sự quan tâm của nhiều tập đoàn viễn thông nước ngoài, bày tỏ ý định muốn trở thành cổ đông chiến lược như Singtel (Singapore), Telenor (Na Uy), Comvik (Thụy Điển) và Telstra (Australia)… Bản thân VNPT cũng muốn sở hữu 20% cổ phần của MobiFone.

Năm 2008, Credit Suisse được chọn làm tổ chức tư vấn cổ phần hóa cho MobiFone và đưa ra mức định giá khoảng 2 tỷ USD với mạng di động này vào đầu năm 2009. Tuy nhiên, tiến trình cổ phần hoá bị dở dang, trì hoãn đến năm 2011 thì nhà mạng này phải tách ra khỏi VNPT theo quy định tại Nghị định 25/2011/NĐ-CP

Tháng 6/2014, Công ty cổ phần Chứng khoán TPHCM (HSC) ước tính giá trị MobiFone khoảng 3,4 tỷ USD và thậm chí có thể tăng lên hơn 4 tỷ USD nếu doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng sau khi thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu vào năm 2016 - 2017.

Trao đổi với Dân trí mới đây, một chuyên gia cho rằng, “nếu MobiFone cổ phần hoá và niêm yết trên sàn chứng khoán từ 2008 thì sẽ không bao giờ có chuyện lùm xùm mua AVG như vừa qua. Một thương vụ không có lợi thì không đời nào cổ đông họ đồng ý”.

Theo ông, không chỉ MobiFone mà các doanh nghiệp Nhà nước khác nói chung, nếu không cổ phần hoá và thực hiện niêm yết thì Nhà nước sẽ thiệt hại. “Tôi có thể khẳng định, việc các DNNN trốn niêm yết sẽ khiến Nhà nước thiệt hại hàng tỷ đôla”, vị này quả quyết.

Tin cùng chuyên mục