Xuất khẩu gạo sụt giảm, Vinafood 2 lỗ 195,5 tỷ đồng

(BĐT) - Ngày 14/3, trong phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã bán hết 22,97% vốn điều lệ cho 41 nhà đầu tư. Cùng với đó là những kế hoạch kinh doanh tương đối khả quan cho giai đoạn 2017 - 2020. 
Vinafood 2 quản lý và sử dụng 132 cơ sở nhà đất với tổng diện tích 2.139.398 m2 sau cổ phần hóa. Ảnh: st
Vinafood 2 quản lý và sử dụng 132 cơ sở nhà đất với tổng diện tích 2.139.398 m2 sau cổ phần hóa. Ảnh: st

Tuy nhiên, một báo cáo mới đây của Vinafood 2 cho biết, toàn Tổng công ty lỗ 195,5 tỷ đồng trong năm 2017. Trong đó, Công ty mẹ lỗ tới 146 tỷ đồng, khác xa với con số lãi dự kiến trước IPO là 105 tỷ đồng.

Mất vị trí dẫn đầu trong xuất khẩu gạo 

Năm 2017, toàn Tổng công ty bán ra 1,7 triệu tấn gạo, thấp hơn gần 230.000 tấn so với kế hoạch và 50.000 tấn so với năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng gạo nhận ủy thác xuất khẩu từ các đơn vị bên ngoài chỉ đạt 73.600 tấn, trong khi con số kế hoạch và thực hiện được năm 2016 lần lượt là 400.000 tấn và 507.709 tấn.

Về xuất khẩu gạo, mặc dù luôn là đơn vị dẫn đầu cả nước trong nhiều năm qua, nhưng năm 2017, Vinafood 2 chỉ xếp thứ 3 trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu. Ngoài ra, một công ty con của Vinafood 2 là Công ty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang xếp thứ 8. Đặc biệt, trong khi xuất khẩu gạo của cả nước năm 2017 đạt 6,6 triệu tấn, tăng hơn 29% so với năm 2016, thì sản lượng gạo xuất khẩu của toàn Tổng công ty chỉ tăng 14%. Điều này cho thấy những khó khăn của Vinafood 2 trong việc khai thác thị trường xuất khẩu gạo.

Không chỉ có vậy, Vinafood 2 cũng gặp khó khăn ngay cả trong việc bán gạo tại thị trường nội địa. Công ty cho biết, tổng doanh thu của 12 đơn vị kinh doanh tại 84 cửa hàng tiện ích và trung tâm phân phối tham gia bình ổn thị trường đạt 2.280 tỷ đồng, tăng 22,5% so với năm 2016. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng lại âm 1,9 tỷ đồng.

Kết quả doanh thu của toàn Tổng công ty năm 2017 đạt 17.546 tỷ đồng, tăng trưởng 4% so với năm 2016, nhưng mới chỉ hoàn thành 93% kế hoạch năm. Lợi nhuận năm 2017 âm tới 195,5 tỷ đồng, trong khi năm 2016 là dương 134 tỷ đồng. Còn riêng Công ty mẹ - Vinafood 2 lỗ tới 146 tỷ đồng, khác xa so với con số dự kiến là lãi 105 tỷ đồng công bố trước phiên IPO. 

Cổ đông chiến lược T&T nhắm đến đất?

Sau cổ phần hóa, Công ty mẹ - Vinafood 2 lên kế hoạch lãi trước thuế đạt 148 tỷ đồng năm 2018 và doanh thu đạt hơn 12.000 tỷ đồng. Kế hoạch này được đưa ra dựa trên ước tính sản lượng gạo nhận ủy thác xuất khẩu tăng 4,7 lần so với năm 2017, đạt 350.000 tấn, cùng với triển vọng tăng trưởng của mảng bột mì, thực phẩm chế biến và bao bì. Đối với toàn Tổng công ty, lợi nhuận trước thuế năm 2018 dự kiến là 239,5 tỷ đồng.
Theo phương án cổ phần hoá được Vinafood 2 công bố mới đây, Tập đoàn T&T do ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc là ứng cử viên duy nhất cho vị trí cổ đông chiến lược của Tổng công ty. Đây là tập đoàn đa ngành hoạt động chính trong lĩnh vực công nghiệp, tài chính - ngân hàng, bất động sản… và có nhiều hoạt động đẩy mạnh phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian gần đây. Đáng chú ý, tập đoàn này đã tham gia lĩnh vực bất động sản từ năm 2009 và nắm trong tay nhiều khu đất đắc địa.

Theo phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, Tổng công ty sẽ quản lý và sử dụng 132 cơ sở nhà đất (gồm 174 thửa) với tổng diện tích 2.139.398 m2 ở nhiều vị trí khá đắc địa tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Long An. Tính đến thời điểm 31/12/2017, đã có 14/15 tỉnh, thành phố có công văn trả lời chính thức về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa của Tổng công ty, riêng UBND TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa có ý kiến về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa.

Được biết, trước đây, Vinafood 2 cũng từng sử dụng đất để hợp tác đầu tư nhiều dự án bất động sản như khu đất số 132 Bến Vân Đồn, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh hay khu đất số 36 - 42 Chu Mạnh Trinh, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Tin cùng chuyên mục