Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tin tưởng vào triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam

(BĐT) - Tại Hội thảo Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, có nhiều lý do để có thể hoàn toàn tin tưởng vào triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2018 và những năm tiếp theo.
Toàn cảnh Hội thảo "Triển vọng kinh tế Việt Nam 2018". Ảnh: Nguyệt Minh
Toàn cảnh Hội thảo "Triển vọng kinh tế Việt Nam 2018". Ảnh: Nguyệt Minh

Hội thảo Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020, do KPMG tổ chức sáng nay tại Hà Nội. Đối thoại với đông đảo doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin lại những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật của năm 2017 và đây là bàn đạp quan trọng cho kinh tế năm 2018 tăng tốc ngay từ đầu năm.

“Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,38%, là mức cao nhất của quý I trong 10 năm trở lại đây. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm duy trì ở mức thấp, tăng 2,8%. Thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng ổn định, thanh khoản toàn hệ thống được đảm bảo. Giải ngân vốn FDI ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3%...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng điểm lại.

Cùng với nhiều yếu tố khác đến từ kinh tế thế giới, những cơ hội Việt Nam có thể nắm bắt được, những chuyển động của nội tại nền kinh tế,…, Bộ trưởng thể hiện sự tin tưởng vào triển vọng sáng của nền kinh tế trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để đạt được những mục tiêu và kỳ vọng, còn rất nhiều việc phải làm, cần có sự nỗ lực và tập trung rất lớn của các cấp, các ngành từ trung ương xuống địa phương, của tất cả các thành phần kinh tế, nhà nước, tư nhân, nước ngoài để giữ vững đà tăng trưởng, không chỉ cho năm 2018 mà còn cho những năm tiếp theo.

Có nhiều động lực thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới, trong đó trước hết, theo Bộ trưởng phải tiếp tục đổi mới thể chế. “Đây được coi là động lực mang tính nền móng, căn bản đối với tăng trưởng kinh tế, vừa là sự cần thiết phải đổi mới trong bối cảnh có nhiều thay đổi diễn ra nhanh chóng, vừa là yêu cầu bắt buộc để phát triển”, Bộ trưởng khẳng định.

Thứ hai, theo Bộ trưởng, nâng cao năng suất lao động là nhân tố cốt lõi, quan trọng nhất nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra nhanh, mạnh như vũ bão, coi đây là cơ hội nghìn năm có một để Việt Nam bứt phá, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới.

Động lực thứ ba theo Bộ trưởng sẽ đến từ phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thông qua sự liên kết mạnh mẽ giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài 3 yếu tố mang tính động lực quan trọng này, theo Bộ trưởng, còn rất nhiều các nhân tố động lực khác để minh chứng cho triển vọng khả quan kinh tế Việt Nam trong năm 2018 cũng như những năm tiếp theo như về kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ cấu lại nền kinh tế và trong từng ngành, lĩnh vực... Vấn đề lúc này nằm ở chỗ làm thế nào khai thác, phát huy được các động lực này một cách nhanh chóng và hiệu quả để không bỏ lỡ cơ hội phát triển, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục