Cá sông Hậu sẽ không chết vì nhà máy giấy?

(BĐT) - Ngay sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) triển khai thanh tra Dự án Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cam kết sẽ không để xảy ra chuyện“đầu độc” môi trường.
Hàng chục tấn cá đã bị chết trên sông Bưởi (Thanh Hóa) do Công ty CP mía đường Hòa Bình gây ô nhiễm dòng sông. Ảnh: Anh Quân st
Hàng chục tấn cá đã bị chết trên sông Bưởi (Thanh Hóa) do Công ty CP mía đường Hòa Bình gây ô nhiễm dòng sông. Ảnh: Anh Quân st

Bài học cho Hậu Giang

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, vụ Formosa “đầu độc” biển miền Trung là bài học cho tất cả các nhà máy có thể gây tác hại lên môi trường nói chung. Vì vậy, tỉnh Hậu Giang sẽ giao Sở TN&MT và lực lượng cảnh sát môi trường tăng cường khâu kiểm tra, giám sát, rà soát các hệ thống xử lý nước và các tuyến ống thải trước khi ra các kênh rạch.

Sau khi Đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường thuộc Bộ TN&MT đến kiểm tra thực địa và kiểm tra hồ sơ hàng loạt hạng mục của Dự án Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam từ ngày 1/7/2016, ông Trương Cảnh Tuyên cho biết, tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục rà soát lại toàn bộ các đánh giá tác động môi trường của nhà máy này.

Ông Tuyên khẳng định, dù tỉnh Hậu Giang đang cố gắng thu hút đầu tư nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu về môi trường. Trên cơ sở kết luận của Đoàn thanh tra Bộ TN&MT với những khuyến cáo cụ thể, UBND tỉnh Hậu Giang sẽ tăng cường kiểm soát lại, để khi Nhà máy Giấy Lee & Man đi vào hoạt động thì phải đảm bảo môi trường nước thải phải đạt đúng theo quy định của pháp luật.

Dự án Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong - Trung Quốc) đến thời điểm này đã xây dựng cơ bản hoàn chỉnh đối với Nhà máy Sản xuất giấy cứng, bao bì cao cấp sản lượng 420.000 tấn/năm và dự kiến đến tháng 8/2016 sẽ vận hành thử nghiệm. Riêng Nhà máy Bột giấy tẩy trắng sản lượng 330.000 tấn/năm dự kiến đến năm 2017 bắt đầu triển khai và sản xuất thử nghiệm vào tháng 10/2018. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD, trên diện tích khoảng 80ha nằm bên bờ sông Hậu, thuộc Cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Dư luận đặc biệt quan ngại về dự án này khi đi vào hoạt động dự kiến mỗi năm sẽ thải khoảng 28.500 tấn xút (NaOH) ra sông Hậu, tác động xấu đến môi trường. Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn tới Quốc hội và Chính phủ kiến nghị rà soát công nghệ xử lý nước thải và công tác giám sát môi trường của nhà máy này.

Phải đảm bảo cá sống

Quá trình thanh tra của Bộ TN&MT tại Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam bao gồm: kiểm tra quy trình phê duyệt nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giấy phép xả thải, nước thải, công nghệ sản xuất và xử lý nước thải; kiểm tra phương án, công trình ứng phó sự cố môi trường, giám sát hệ thống tự động, trực tuyến kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, bảo đảm nước thải khi thải ra môi trường được kiểm soát đầy đủ các thông số về môi trường theo quy định. Hệ thống này phải dễ dàng tiếp cận và được người dân giám sát.

Trao đổi thêm về dự án này, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho rằng, quan điểm trước sau của Tỉnh là rất cần những dự án đầu tư vì Hậu Giang là một tỉnh nghèo, nhưng không phải vì lý do này mà bất chấp các thủ đoạn về môi trường để ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, sức khoẻ người dân. Để đảm bảo chắc chắn hơn, hiện nay Dự án Nhà máy Giấy Lee & Man chưa đi vào hoạt động. Tỉnh sẽ làm việc cụ thể sau kết luận của Đoàn thanh tra Bộ TN&MT.

Theo ông Chánh, tỉnh Hậu Giang sẽ buộc Nhà máy Giấy Lee & Man phải xây dựng một hồ chứa lắng lọc trước khi thải ra môi trường. Nước từ hồ này phải đảm bảo nuôi cá sống được (tức là nước thải đảm bảo loại A). Lãnh đạo tỉnh sẽ giao Sở TN&MT thường xuyên quan trắc, kiểm tra, nếu để cá chết thì sẽ chứng tỏ nước thải ra môi trường chưa bảo đảm. Trách nhiệm của tỉnh Hậu Giang về việc thu hút đầu tư các dự án nước ngoài là không chỉ để thu ngân sách cho địa phương, mà phải bảo đảm tốt vấn đề môi trường, sản xuất và sức khoẻ người dân.                

Tin cùng chuyên mục