Cần đánh giá tác động của chính sách đến nền kinh tế

(BĐT) - Trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV ngày hôm nay, Chính phủ báo cáo Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và tình hình triển khai Kế hoạch năm 2019. Báo Đấu thầu phỏng vấn ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xung quanh vấn đề điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Cần đánh giá tác động của chính sách đến nền kinh tế

Thưa ông, nhìn lại năm 2018 và các tháng đầu năm 2019, ông đánh giá như thế nào về kết quả điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ?

Các chỉ số kinh tế vĩ mô của năm 2018 là khả quan, hơn nữa kết quả này đạt được trong bối cảnh kinh tế quốc tế có rất nhiều biến động. Đây là thành tích được quốc tế và dư luận xã hội ghi nhận. Trong 5 tháng đầu của năm 2019, điều hành của Chính phủ vẫn tiếp đà của năm 2018. Theo đó, tiếp nối nhiều tích cực, thuận lợi, tình hình kinh tế - xã hội của các tháng đầu năm nhiều nét sáng. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì cũng có tiếp nối cả một số bất cập.

Cần đánh giá tác động của chính sách đến nền kinh tế ảnh 1
Ông Nguyễn Đức Kiên
Ông có thể nói rõ hơn về những bất cập hay những vấn đề lớn mà Chính phủ sẽ phải lưu ý trong điều hành thời gian tới?

Bất cập lớn nhất là chưa hành xử với xã hội, với nền kinh tế theo bản chất vốn có mà một số trường hợp vẫn áp dụng theo mệnh lệnh hành chính. Ví dụ việc tăng giá điện, năm ngoái chúng ta đã kìm cả năm không tăng giá điện thì năm nay tăng, lại tăng một lần đến 8,35%. Trong khi đó công tác truyền thông không đúng, khi dư luận xã hội có vấn đề chưa hiểu rõ, bức xúc thì lại đùn đẩy trách nhiệm. Đây là vấn đề mà Chính phủ cần rút kinh nghiệm.

Vấn đề cần lưu ý tiếp theo là cần đánh giá lại cách “đối xử” với từng khu vực doanh nghiệp: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân trong nước. Thu hút FDI là rất tốt nhưng đến nay xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tỷ trọng 71,5% tổng kim ngạch, còn lại doanh nghiệp trong nước chỉ 28,5%. Tỷ trọng này những năm 2009 - 2010 là 50 - 50. Phải chăng chúng ta cần đánh giá đầy đủ hơn thành công của khu vực FDI, nhưng cũng tạo áp lực lên doanh nghiệp nội. Chính phủ cần trả lời được tại sao với rất nhiều chính sách doanh nghiệp nội vẫn cứ nhỏ đi. Với tỷ lệ 63% doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, liệu nền kinh tế có phát triển bền vững được hay không? Đây là vấn đề đặt ra trong 2 năm tới, như Tổng Bí thư đã nói trong phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 10 là từng địa phương, bộ ngành phải tự trả lời được câu hỏi đó. Từ đó, Chính phủ sẽ điều hành tốt hơn.

Chính phủ cần phân tích, đánh giá đầy đủ những chính sách nào của Chính phủ ban hành có tác động tích cực đến nền kinh tế, tạo ra động lực tăng trưởng, những chính sách nào đang làm hạn chế sự tăng trưởng và định hướng sửa thế nào, tại sao lại sửa như vậy. Bởi vì có nhiều chính sách đứng ở góc độ quản lý nghĩ là thuận lợi, nhưng ở góc độ doanh nghiệp, những người bị quản lý lại phản ứng. Song song với nghiên cứu, đánh giá trong nội bộ Chính phủ, cũng cần làm tốt truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội. 

Đã đi qua gần 5 tháng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, ông dự báo thế nào về khả năng hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2019?

Đến thời điểm này mọi chỉ tiêu đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, thời gian còn lại của năm 2019 sẽ có nhiều diễn biến khó đoán định. Rất khó dự báo giá dầu sẽ bao nhiêu, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến ra sao, tháng 11 dự án “dòng chảy phương Bắc 2” có đi vào khai thác… Yếu tố bất định của kinh tế thế giới là rất lớn.

Trong bối cảnh này Chính phủ sẽ phải “dĩ bất biến ứng vạn biến”, củng cố chính thị trường nội địa, nội lực kinh tế để chống đỡ, giảm tác động tiêu cực, nếu không nền kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính phủ cũng cần phải chú trọng các yếu tố để phát triển bền vững, đây là thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Tại phiên họp thứ 34, cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, kế hoạch năm 2019 của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá chung tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018 có diễn biến tốt hơn so với báo cáo của Chính phủ với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao đều đạt và vượt, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng GDP. Đây là năm đầu tiên sau 2 năm thu ngân sách trung ương đã vượt 33,3 nghìn tỷ đồng, bội chi giảm, nợ công chỉ còn có 58,4% so với GDP. Cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng có nhiều chuyển biến…

Tin cùng chuyên mục