Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế

(BĐT) - Qua 4 tháng đầu năm, những thách thức có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế đã được nhận diện. Tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới để nền kinh tế đạt được kết quả như kỳ vọng là yêu cầu cấp thiết tại thời điểm này.
Công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, vẫn là động lực tăng trưởng lớn nhất. Ảnh: Lê Tiên
Công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, vẫn là động lực tăng trưởng lớn nhất. Ảnh: Lê Tiên

Nhận diện nhiều thách thức

Một điểm mới trong chỉ đạo điều hành năm 2018, đó là ngay trong quý I, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế, có giải pháp thực hiện, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện để làm sao đạt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao 6,7%. Đây được xem là chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, vì năm ngoái, phải sau 6 tháng đầu năm, các kịch bản tăng trưởng mới được xây dựng.

Hiện tại, không chỉ các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, mà ngay cả các doanh nghiệp (DN) tư nhân trong và ngoài nước cũng đang tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao sau các cuộc làm việc giữa lãnh đạo Chính phủ với DN vào đầu tháng 4. Tất cả đều hướng tới mục tiêu đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2018.

Dù tăng trưởng kinh tế quý I/2018 ở mức rất cao, song thách thức của nền kinh tế trong năm 2018 vẫn được xác định là không nhỏ. Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận, việc số lượng DN thành lập mới tăng chậm lại, số lượng DN tư nhân gặp khó khăn còn cao… sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

Thêm nữa, những tháng cuối năm nay, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ khó duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có nguyên nhân từ tăng trưởng sản xuất của Samsung đã “tới hạn”, khó có thể tạo đột biến cho nền kinh tế như trong quý III và quý IV năm ngoái.

Một khó khăn nữa cũng được nhận diện đó là chủ nghĩa bảo hộ cùng xu hướng phản đối thương mại tự do đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây, mà tiêu điểm là nguy cơ chiến tranh thương mại và tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, do hiện tại cả Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, kể cả về thị trường xuất khẩu lẫn nhập khẩu, nên nếu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này xảy ra chiến tranh về thuế, xuất khẩu toàn cầu giảm sẽ tác động tiêu cực đến Việt Nam.

Khó khăn cũng đến từ các yếu tố động lực tăng trưởng ở cả tổng cung và tổng cầu như khai thác dầu, than, đóng góp của kiều hối, FDI, tiêu dùng đều đã được tận dụng và khó có khả năng duy trì được mức tăng cao như trong năm 2017. Đó là chưa kể thị trường lao động Việt Nam năm 2018 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang và sẽ tác động mạnh. 

Động lực nào cho tăng trưởng?

Dự báo của nhiều tổ chức quốc tế đều cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ vượt 7% trong năm 2018, với động lực là tăng trưởng xuất khẩu nhanh, tăng tiêu dùng nội địa và hoạt động đầu tư mạnh mẽ từ nguồn vốn FDI.
Hiện tại, dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có ADB, cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ vượt 7% trong năm 2018, với động lực là tăng trưởng xuất khẩu nhanh, tăng tiêu dùng nội địa và hoạt động đầu tư mạnh mẽ từ nguồn vốn FDI. Trong đó, động lực tăng trưởng lớn nhất vẫn nằm ở khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Dự báo này là có cơ sở. Bởi theo Bộ KH&ĐT, tăng trưởng kinh tế sẽ được tạo đà đáng kể nếu một số dự án công nghiệp quy mô lớn như: 3 khai trường quặng apatit của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam; Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn; dây chuyền cán thép của Tập đoàn Hòa Phát; dây chuyền cán tôn nguội, mạ kẽm, mạ màu của Tập đoàn Hoa Sen... sớm đi vào hoạt động, giúp gia tăng năng lực sản xuất của ngành công nghiệp.

Cùng với công nghiệp, khu vực nông nghiệp cũng được kỳ vọng sẽ có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng. PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, chưa bao giờ ngành nông nghiệp Việt Nam lại có sức hút lớn, nhận được sự quan tâm của các nhà sản xuất cả trong và ngoài nước như hiện nay. Nếu giải quyết tốt bài toán đầu ra cho DN, thúc đẩy xuất khẩu, thì sẽ tạo thêm được động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ông Thiên nhấn mạnh, việc này là một thách thức trong bối cảnh xu hướng bảo hộ mậu dịch đang lan nhanh.

Cũng theo ông Thiên, các động lực tăng trưởng khác còn có thể được tận dụng từ cơ hội do các hiệp định thương mại tự do mang lại trong thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư…

Đặc biệt, một động lực cốt yếu tác động trực tiếp đến tăng trưởng được nhiều chuyên gia nhấn mạnh chính là tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Nhiệm vụ này cần tiếp tục được xác định là trọng tâm trong các tháng còn lại của năm 2018. Cụ thể là tiếp tục đổi mới thể chế quản lý, nâng đỡ DN thông qua giảm chi phí và thủ tục; phát triển mạnh mẽ DN tư nhân, đổi mới DN nhà nước và tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế trong tất cả các lĩnh vực.

Tin cùng chuyên mục