Kỳ vọng phương châm “10 chữ” của Chính phủ

(BĐT) - Bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bước vào đầu năm 2018 có nhiều khởi sắc so với đầu năm 2017. Mặc dù vậy, do những vấn đề còn tồn tại nên nền kinh tế vẫn tiềm ẩn những sự bất ổn. Để thúc đẩy tăng trưởng, vấn đề đột phá của đột phá vẫn là ở sự quyết tâm cải cách thể chế của Chính phủ.
Kỳ vọng phương châm “10 chữ” của Chính phủ

Vẫn còn đó không ít trở lực

Kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm với 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 2017 được đánh giá là năm gặt hái nhiều thành công về kinh tế vĩ mô của Việt Nam kể từ năm 2010 và mở ra triển vọng tích cực cho 3 năm còn lại của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Kỳ vọng phương châm “10 chữ” của Chính phủ ảnh 1
TS. Trần Du Lịch
Đạt được nhiều thành quả tích cực, song do nền kinh tế còn nhiều vấn đề tồn tại và mong muốn thực hiện mục tiêu kép “cả chất lượng và số lượng”, bảo đảm tính bền vững trong tăng trưởng dài hạn, nên Chính phủ đề ra mục tiêu của năm 2018 khá “khiêm tốn” so với năm 2017. Cụ thể, GDP tăng khoảng 6,5 - 6,7% và xuất khẩu tăng từ 8 - 10% (năm 2017, tốc độ tăng GDP đạt đến 6,81%; kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 20%).

Thực tế, tuy các chỉ báo kinh tế có dấu hiệu khởi sắc, nhưng nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn sự bất ổn vĩ mô. Tăng trưởng dựa phần lớn vào nợ, chứ không phải dựa vào vốn chủ sở hữu tạo nên gánh nặng tài chính. Doanh nghiệp (DN) sống nhờ chủ yếu vào tín dụng của ngân hàng thương mại (NHTM), Nhà nước dựa vào nợ công để đầu tư. Thị trường tài chính phát triển chưa đồng bộ, mất cân đối giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Hệ thống NHTM cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, dễ tổn thương...

Với khu vực kinh tế nội địa, tăng trưởng chủ yếu dựa vào khu vực kinh tế cá thể (hộ sản xuất kinh doanh nông - công nghiệp, dịch vụ), còn khu vực DN tư nhân vẫn chậm phát triển. Khoảng 700.000 DN tư nhân hoạt động theo Luật DN chỉ đóng góp từ 9 - 10% GDP (trong số hơn 40% GDP đóng góp của khu vực tư nhân), mặc dù số lượng tăng. Động lực để DN tư nhân vượt qua tình trạng “chậm lớn” để phát triển vẫn là nhiệm vụ dài hạn trong chính sách vĩ mô.

Hệ thống pháp luật vẫn xảy ra xung đột, chồng chéo, môi trường pháp lý còn  thiếu minh bạch. Cải cách thể chế kinh tế thiếu đồng bộ với cải cách nền tài chính công và hành chính công, nên những nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ trong thời gian qua mang lại hiệu quả thấp; thủ tục hành chính vẫn là nỗi ám ảnh của DN.   

Nâng cao năng lực cạnh tranh thể chế

Từ năm 2016, năm khởi đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Chính phủ không chỉ nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của các năm 2016 - 2017, mà quan trọng hơn là đã cố gắng tạo ra động lực mới cho sự phát triển trung và dài hạn.

Với quyết tâm của một “Chính phủ hành động”, ngày 28/4/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP tiếp tục lộ trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với mục tiêu đạt mức trung bình ASEAN-4 trên 10 chỉ tiêu trong năm 2016. Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 và Thủ tướng Chính phủ ban hành hàng loạt chỉ thị với thông điệp của người đứng đầu Chính phủ là Nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ.

Tuy nhiên, vấn đề đột phá của đột phá vẫn là ở sự quyết tâm cải cách thể chế của Chính phủ. Muốn thực hiện điều này cần phải gắn liền nội dung hoàn thiện thể chế kinh tế với cải cách nền hành chính công và tài chính công, tạo lập sự đồng bộ của thể chế cho thị trường vận hành thông suốt. Nếu chỉ cải cách thể chế kinh tế (như sửa đổi, ban hành các đạo luật về kinh tế), mà không cải cách đồng bộ nền hành chính công (bao gồm thể chế hành chính, bộ máy tổ chức và cán bộ công chức), thì không thể mang lại hiệu quả.

Hoàn thiện thể chế kinh tế không chỉ là việc hoàn thiện các đạo luật liên quan trực tiếp đến sự ra đời và hoạt động của DN, mà phải đặt nó trong một nội hàm rộng hơn, bao gồm cả hệ thống quản trị quốc gia, với 3 trụ cột: thể chế kinh tế, nền hành chính công và nền tài chính công. Mọi cải cách cần phải mang tính đồng bộ của cả hệ thống.

Trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, để tạo lập môi trường cạnh tranh, bình đẳng, trước hết cần rà soát lại chức năng quản lý kinh tế của bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương phù hợp với thuộc tính và sự vận hành của cơ chế thị trường. Nhà nước theo đuổi mục tiêu phát triển của quốc gia, chứ Nhà nước không theo đuổi mục tiêu kinh doanh kiếm lời. 

Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, thoái vốn, thu hẹp lĩnh vực hoạt động của DNNN, xử lý dứt điểm những DN đang thua lỗ, xây dựng các tập đoàn kinh tế đa sở hữu, có trình độ quản trị tiên tiến… Đây chính là cách tạo điều kiện để thị trường phân bố có hiệu quả các nguồn lực phát triển và tạo lập đầu tư kinh doanh bình đẳng.

Chính phủ cũng cần ưu tiên rà soát lại sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước…, nhất là các nghị định cụ thể hóa các luật này để trình Quốc hội theo thủ tục “một luật sửa nhiều luật” trong năm 2018. Nếu việc này tiến hành chậm, thì mọi nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ sẽ khó đi vào cuộc sống.

Để vừa thực hiện những nhiệm vụ trước mắt, vừa hướng tới các mục tiêu trung, dài hạn, đồng thời giải “bài toán kép” - tốc độ và chất lượng tăng trưởng, ngay ngày đầu năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/2018/NĐ-CP với phương châm 10 chữ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” mang ý nghĩa là thông điệp chỉ đạo cho cả bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương trong thực thi công vụ. Đây cũng chính là sự cam kết của Chính phủ để nhân dân giám sát trong thực tiễn. Năm mới Mậu Tuất chúng ta kỳ vọng nghị định này sẽ sớm đi vào thực tiễn cuộc sống. 

Tin cùng chuyên mục