Làm gì để nâng xếp hạng hiệu quả logistics?

(BĐT) - Kéo giảm chi phí logistics không đơn thuần chỉ đặt ra yêu cầu cắt giảm thủ tục hành chính, giảm nhũng nhiễu cho doanh nghiệp (DN), mà sâu xa hơn là tạo cơ hội, động lực mới giúp DN logistics Việt Nam nâng tầm, vươn ra thế giới. 
Hàng hóa chủ yếu được vận tải bằng đường bộ là một trong những nguyên nhân khiến chi phí logistics của doanh nghiệp bị đẩy lên cao. Ảnh: Tiên Giang
Hàng hóa chủ yếu được vận tải bằng đường bộ là một trong những nguyên nhân khiến chi phí logistics của doanh nghiệp bị đẩy lên cao. Ảnh: Tiên Giang

Bởi thế, kế thừa những kết quả tích cực nhờ thực hiện các Nghị quyết 19, tại Nghị quyết số 02 năm 2019, Chính phủ lại đặt ra mục tiêu mới đối với ngành logistics.

Có cải thiện, song chi phí vẫn cao

Theo đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế và trong nước, logistics tại Việt Nam là dịch vụ vẫn đắt đỏ, mặc dù đã có những nỗ lực kéo giảm chi phí.

Cuối năm 2018, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra, ngành dịch vụ logicstics của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể, xếp thứ 39/160 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng. Mặc dù vậy, vấn đề chi phí logistics cao vẫn chưa hết nóng. Trong một hội thảo về logistics cũng diễn ra cuối năm 2018, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: “Vẫn còn nhiều rào cản làm tăng chi phí logistics. Nhiều khi chi phí không chính thức lại chiếm một tỷ trọng lớn trong hoạt động kinh doanh của DN. Chúng ta nói đến cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ điện tử… nhưng chi phí logistics còn rất lớn”.

Đề cập về chi phí logistics của Việt Nam, trong một nghiên cứu, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh quốc gia thuộc CIEM chỉ ra một loạt nút thắt. Đầu tiên là chi phí vận tải chiếm 59% chi phí logistics, trong đó, chủ yếu là vận tải đường bộ. “Theo đánh giá của các nước thì vận tải đường bộ là phương thức vận tải đắt đỏ nhất khi xăng dầu chiếm 30 - 35%, phí BOT chiếm 10 - 15%..., trong khi đó vận tải biển, vận tải đường sắt có chi phí thấp hơn lại chưa được chú trọng. Thêm vào đó, chi phí không chính thức lại chiếm từ 5 - 10% chi phí vận tải, từ chi phí cho cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, thị trường…”, bà Thảo nêu nguyên nhân. Điển hình cho thực tế chi phí cao, nữ chuyên gia này dẫn chứng, vận chuyển một container 40 fit từ TP.HCM đi Tân Thanh (Lạng Sơn) DN phải chịu chi phí 5,8 triệu đồng, nhưng nếu đi từ TP.HCM đi Califonia (Mỹ) chỉ mất 200 USD (khoảng 4,6 triệu đồng) bằng đường biển. Nguyên nhân khác cũng được bà Thảo liệt kê như: phí BOT đắt đỏ; phí bảo dưỡng đường bộ cao nhưng DN vẫn phải nộp phí khi lưu thông; chi phí “bôi trơn” hầu như ở tất cả các khâu…

Nhìn ở góc độ DN, ông Lê Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Kho vận Việt Nam cho rằng: “Thực tế chi phí logistics ở Việt Nam cao là vì chúng ta phải thu cho cả nhà thầu nước ngoài khi nhận thầu lại từ các công ty nước ngoài có mối quan hệ, có vốn, cùng với đó là những khoản chi phí không chính thức…”. 

Cần ưu đãi cho doanh nghiệp logistics nội

Thực tế chi phí logistics ở Việt Nam cao là vì chúng ta phải thu cho cả nhà thầu nước ngoài khi nhận thầu lại từ các công ty nước ngoài có mối quan hệ, có vốn, cùng với đó là những khoản chi phí không chính thức…
Xác định logistics là một ngành dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế nói chung và thương mại nói riêng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan liên quan đã có nhiều chỉ đạo thúc đẩy ngành dịch vụ này phát triển.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 200/QĐ-TTg thông qua Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Quyết định này đã đề ra 60 nhiệm vụ cụ thể trên 4 nội dung của hệ thống logistics Việt Nam nhằm mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8 - 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15 - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP...

Tiếp đó, tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu nâng xếp hạng hiệu quả logistics lên 5 - 10 bậc trong giai đoạn từ năm 2019 - 2021.

Đề cập đến mục tiêu tăng xếp hạng của logistics Việt Nam, ông Lê Minh cho rằng, nếu chỉ là giải pháp để nâng thứ hạng thì không quá khó. Vấn đề quan trọng hơn là cần những giải pháp mang lại lợi ích thực chất cho DN. Những thủ tục hành chính nhiêu khê cho DN cần được xóa bỏ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hoạt động logistics... Đặc biệt, các DN logistics Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa, vì thế, trong cơ chế chính sách cần có ưu đãi (thuế, phí) cho DN logistics trong nước nhằm giúp họ nâng cao năng lực, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Hiệp hội DN logistics cũng đưa ra hàng loạt kế hoạch hành động với việc đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực logistics chất lượng cao; tăng cường việc liên doanh, liên kết giữa các hội viên trong nước và tăng cường hợp tác với các công ty logistics quốc tế… Đồng thời, Hiệp hội kiến nghị Bộ Công Thương cùng các cơ quan liên quan hỗ trợ nhiều hơn các DN logistics về thông tin thị trường (luật pháp, DN có khả năng hợp tác…).

Tin cùng chuyên mục