Năm 2019 sẽ không thiếu điện?

(BĐT) - Năm 2019 và những năm tiếp theo được dự đoán sẽ rất căng thẳng trong cung cấp điện khi dự báo lượng nước về các nhà máy thủy điện sẽ yếu hơn, nguy cơ thiếu than cho sản xuất điện…, trong khi nhu cầu điện liên tục tăng cao. Song, qua tính toán, Bộ Công Thương khẳng định sẽ không thiếu điện trong năm 2019.
EVN khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán (trên mái nhà) và dự án điện mặt trời tại các khu vực khả thi về đấu nối. Ảnh: Đức Thịnh
EVN khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán (trên mái nhà) và dự án điện mặt trời tại các khu vực khả thi về đấu nối. Ảnh: Đức Thịnh

Đã sẵn sàng các kịch bản

Những báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi tới cơ quan chức năng gần đây đều cảnh báo nguy cơ thiếu điện đang rất gần, thậm chí có thể bắt đầu ngay từ năm 2019. Tính toán của EVN cho thấy, các năm 2019 - 2020, việc cung ứng điện chỉ có thể đảm bảo đáp ứng nhu cầu khi huy động thêm nhiệt điện dầu tương ứng gần 4,4 tỷ kWh (năm 2019) và 5,2 tỷ kWh (năm 2020). Nguy cơ này cũng được cảnh báo tiếp tục gia tăng ở các giai đoạn tiếp theo (từ năm 2021 - 2030) khi phụ tải tăng trưởng cao, lượng nước về các hồ thủy điện kém, các dự án nguồn điện mới tiếp tục chậm tiến độ…  Nghiêm trọng hơn, trước nguy cơ hàng loạt nhà máy nhiệt điện thiếu than nhưng khó có khả năng đáp ứng, tuần qua, EVN đã gửi báo cáo lên Chính phủ về khả năng phải cắt điện ngay từ năm 2019.

Tuy nhiên, thông tin với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương khẳng định: “Sang năm sẽ không thiếu điện”. Cách đây mấy ngày, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018, đại diện Bộ Công Thương cho hay, để đảm bảo đủ điện cho sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng năm 2019, ngay từ tháng 10/2018, Bộ Công Thương đã làm việc với EVN xây dựng kế hoạch cung cấp điện cho năm 2019. Trong kế hoạch này, Bộ Công Thương tính toán 4 kịch bản. Và qua tính toán, cả 4 kịch bản cho thấy, trong năm 2019, hệ thống đều bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, nhu cầu của người dân. Trong một số trường hợp, hệ thống điện sẽ phải huy động từ hơn 2 tỷ đến hơn 7 tỷ kWh từ các nguồn điện dầu.

Để đảm bảo cung ứng điện, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, EVN đang kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh các dự án điện chậm tiến độ bằng cơ chế đặc biệt. Cùng với đó, EVN khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán (trên mái nhà) và dự án điện mặt trời tại các khu vực khả thi về đấu nối…

Riêng vấn đề cung ứng than cho sản xuất điện, ngay trong ngày 4/12/2018, EVN đã họp bàn với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc về phương án cung cấp than cho sản xuất điện năm 2019 và những năm tiếp theo. Trong cuộc họp này, lãnh đạo TKV cam kết sẽ đảm bảo cung cấp 14,7 triệu tấn than nội địa, nhập khẩu và phối trộn than để đáp ứng thêm cho các nhà máy của EVN. 

3 giải pháp tăng cường đầu tư vào ngành điện

Cả 4 kịch bản cung cấp điện năm 2019 do Bộ Công Thương xây dựng đều bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và nhu cầu của người dân. Trong một số trường hợp, hệ thống điện sẽ phải huy động từ hơn 2 tỷ đến hơn 7 tỷ kWh từ các nguồn điện dầu.
Nhằm gỡ khó cho ngành điện, đảm bảo nguồn cung năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2018 (VBF 2018), Nhóm công tác điện và năng lượng của VBF đã đề xuất 3 cải cách chính cho Việt Nam để tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này.

Thứ nhất là xây dựng chiến lược tổng thể của Chính phủ thu hút sự tham gia đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân ở lĩnh vực điện, năng lượng ngay trong quá trình xây dựng Tổng sơ đồ điện VIII. Cải cách này nhằm giảm sự lệ thuộc vào một đơn vị cung ứng nhất định, đồng thời thu hút được nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân giàu tiềm năng.

Thứ hai là khuyến khích các hợp đồng mua bán điện trực tiếp. Theo VBF, Bộ Công Thương hướng tới phê duyệt một số dự án điện năng lượng tái tạo mới được triển khai cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp với mọi đối tượng người mua điện quy mô lớn có nhu cầu năng lượng sạch cũng như muốn tránh sử dụng các nguồn cung năng lượng đang ngày càng lệ thuộc vào nguồn hóa thạch.

Thứ ba là xây dựng lộ trình tăng giá điện bán lẻ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, bởi giá điện hiện nay vẫn thấp, khó thu hút đầu tư vào ngành này. Trong đó, cần xác định rõ các cơ chế định giá khác nhau giữa 3 nhóm giá chính là: giá sinh hoạt, giá kinh doanh, giá sản xuất. “Cung cấp những thông tin về giá điện này đến người sử dụng điện là cách hiệu quả nhất để khuyến khích đầu tư vào các thiết bị, quy trình sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm”, VBF khuyến nghị.

Tin cùng chuyên mục