OECD mổ xẻ những nút thắt của kinh tế Việt Nam

(BĐT) - Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Để hỗ trợ quá trình này, Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) đã giới thiệu sơ thảo Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều phân tích sự phát triển của Việt Nam dựa trên nhiều khía cạnh và đưa ra những khuyến nghị để đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Nhiều thách thức phía trước

Ông Mario Pezzini, Giám đốc Trung tâm Phát triển của OECD cho biết, OECD đã dùng phương pháp đánh giá, phân tích về tình hình phát triển của Việt Nam dựa trên cách tiếp cận đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh con người là nguồn lực của sự phát triển, là nhân tố thúc đẩy sự tăng trưởng. Mức độ “hạnh phúc” của người dân sẽ là thước đo cho sự phát triển của kinh tế mỗi quốc gia.

Đánh giá Việt Nam đã có nhiều thành công nổi bật, nhưng Báo cáo của OECD cũng chỉ ra những hạn chế chủ yếu đối với con đường tăng trưởng bền vững. Đơn cử, Việt Nam cần lưu ý vấn đề cải thiện năng suất lao động để đảm bảo sự thịnh vượng kinh tế quốc gia, trong đó nhấn mạnh phải hoàn thiện khung chính sách vĩ mô để tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân và phát triển nguồn nhân lực để thúc đẩy tăng trưởng có chất lượng tốt hơn.

Nguồn vốn vẫn chủ yếu dựa vào ngân hàng do thị trường vốn chưa phát triển đầy đủ, chưa chuyển các nguồn lực vào khu vực kinh tế tư nhân trong nước một cách hiệu quả.

OECD đánh giá một số vấn đề liên quan đến thể chế là điểm nghẽn, gây khó khăn cho khát vọng phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam. Đó là năng lực thực thi pháp luật và thừa hành công vụ thiếu minh bạch; quản trị doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn hạn chế; chi phí không chính thức vẫn còn phổ biến…

Thách thức được OECD chỉ ra là khung chính sách vĩ mô cần được cải thiện để giải quyết các yếu kém về chỉ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) trong khối DNNN; có chênh lệch lớn về năng suất giữa 3 khu vực kinh tế; thiếu sự giao thoa, kết nối giữa các DN trong và ngoài nước; thiếu hụt nguồn nhân lực cho các thách thức trong tương lai.

Ngoài ra, Việt Nam đang đối mặt với các thách thức: thiếu môi trường thuận lợi cho đầu tư từ khu vực tư nhân; sử dụng không hiệu quả tài nguyên; ô nhiễm môi trường và xả rác thải lớn; thiếu năng lực trong hành chính công; hạn chế trong tiếp cận giáo dục; hệ thống hưu trí và chăm sóc sức khỏe không bền vững về tài chính…

Cần những giải pháp cốt lõi

PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cách tiếp cận và bộ công cụ mà OECD sử dụng để đánh giá đa chiều là hợp lý và hữu dụng. Tuy nhiên, ông Bùi Tất Thắng kỳ vọng, trong các nghiên cứu tiếp theo, OECD sẽ cung cấp thêm một số giải pháp cụ thể thông qua giới thiệu các kinh nghiệm quốc tế đối với từng lĩnh vực còn là thách thức đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam. Đơn cử, các mô hình đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả, cách thức cung cấp dịch vụ y tế đảm bảo cho mọi người đều có thể tiếp cận được dễ dàng với giá cả hợp lý, các chính sách phát triển thị trường tài chính đa dạng và hợp lý, hình thành môi trường thuận lợi hơn cho người dân, DN có thể tiếp cận các nguồn lực phát triển…

Bình luận về những đánh giá của OECD, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, những hạn chế, thách thức liên quan tới thể chế, chính sách mà Báo cáo đề cập là không sai, nhưng những giải pháp chưa thực “trúng”, chưa giải quyết triệt để những thách thức này.

Theo ông Cung, sắp tới sẽ có 4 dòng “dịch chuyển” quan trọng và cần có 2 “cân bằng” cần thiết đối với Việt Nam để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. 4 dịch chuyển đó là: chuyển từ phi chính thức sang chính thức; chuyển từ nông nghiệp nông thôn sang công nghiệp, dịch vụ và đô thị; chuyển từ nhà nước sang tư nhân; chuyển từ truyền thống sang công nghệ. 2 cân bằng đó là: cân bằng giữa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; cân bằng giữa doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước. Ông Cung mong muốn, với kinh nghiệm của OECD có thể giúp nhìn nhận cũng như chỉ rõ điều gì đang cản trở Việt Nam dịch chuyển theo những hướng này.

Ông Mario Pezzini thông tin, trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm 2019, OECD sẽ tiếp tục triển khai phân tích sâu và đưa ra những hành động chính sách.

Ông Nguyễn Đức Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng, Báo cáo hoàn thiện của OECD sẽ chỉ ra được những “nút thắt” của phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời gian qua, cũng như chỉ ra được nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhận diện và dự báo được những xu thế toàn cầu, tác động tới kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Những khuyến nghị và giải pháp từ Báo cáo sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam xây dựng tốt chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Tin cùng chuyên mục