Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Diễn đàn Việt Nam - Hàn Quốc

Sáng nay (6/12), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Diễn đàn Việt Nam - Hàn Quốc, sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: VGP

Diễn đàn Việt Nam - Hàn Quốc do Tập đoàn truyền thông Maekyung (Hàn Quốc) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tham dự diễn đàn có các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu của hai nước và các đối tác trong chuỗi cung ứng.

Diễn đàn Việt Nam - Hàn Quốc lần này là cơ hội có ý nghĩa hết sức quan trọng để chúng ta cùng đánh giá những thành tựu đã đạt được; nhận diện rõ những thời cơ, thuận lợi và cả những khó khăn, thách thức; trên cơ sở đó đề ra định hướng và các giải pháp để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc trên lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư trong thời gian tới.

Quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Hàn Quốc thời gian qua có những bước phát triển ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác ODA. Tính lũy kế đến tháng 10/2017, Hàn Quốc tiếp tục đứng thứ 1/120 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 6.300 dự án, tổng vốn đăng ký đạt trên 57,1 tỷ USD (chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư). Trong 10 tháng đầu năm 2017, Hàn Quốc đứng vị trí thứ 1/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư là 7,62 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư.

Hàn Quốc cũng là đối tác cung cấp ODA lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Nhật Bản) và Việt Nam là nước nhận viện trợ ODA lớn nhất của Hàn Quốc. Hàn Quốc đã hỗ trợ 1,2 tỷ USD vốn vay ưu đãi từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) cho giai đoạn 2012-2015; tháng 11/2017, hai bên đã ký Hiệp định tín dụng khung Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 2016 - 2020 với số vốn 1,5 tỷ USD.

Trong 11 tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại song phương đạt 56 tỷ USD, tăng 42,5%, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 13,4 tỷ USD (tăng 30,4%), nhập khẩu đạt 42,4 tỷ USD (tăng 46%).

Các cơ chế hợp tác song phương tiếp tục được duy trì như Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng về hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, năng lượng và công nghiệp; Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế Việt - Hàn.

Về du lịch, những năm gần đây, Hàn Quốc nổi lên là một trong những thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm của Việt Nam (lớn thứ 2 sau Trung Quốc). Trong 11 tháng đầu năm 2017, lượng khách du lịch Hàn Quốc vào Việt Nam đạt hơn 2,1 triệu lượt khách (tăng 55,3% so với cùng kỳ năm 2016). Hiện trung bình mỗi tuần có hơn 100 chuyến bay thẳng Việt Nam - Hàn Quốc.

Tại diễn đàn, các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc đã rất ấn tượng với quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) đã chỉ ra rằng quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam trong 30 năm qua có ý nghĩa rất to lớn. Việc thực hiện các cải tổ kinh tế sâu rộng đã được chuyển hóa thành tốc độ tăng GDP cao, bình quân gần 7%/năm. Năm 2017, dự kiến GDP tăng 6,7% và phấn đấu trong 2016 - 2020 tăng 6,5 - 7%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 của Việt Nam tăng lên khoảng 2.300 USD. Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện mình để tiếp tục là "đối tác kinh doanh tin cậy", đầy triển vọng trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và của các quốc gia.

Theo "Báo cáo 2035" của WB, hiện có khoảng 10% dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu, dự kiến đến 2035, sẽ có 50% dân số gia nhập tầng lớp trung lưu. Điều này làm gia tăng nhu cầu của nền kinh tế, nhiều việc làm tốt hơn được tạo ra không chỉ đối với trong nước mà Việt Nam còn từng bước tham gia vào các chuỗi cung ứng, các mạng sản xuất trong khu vực và thế giới.

Việt Nam đã cho thấy sự năng động của mình thông qua việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại toàn cầu. Việt Nam đã ký kết, tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 FTA mới, tạo cơ hội thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Sau 10 năm gia nhập WTO, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 của Việt Nam đã tăng 4 lần, đạt trên 400 tỷ USD, tương đương 170% GDP.

Đặc biệt, gần đây Việt Nam đã nỗ lực cải thiện đáng kể môi trường đầu tư, kinh doanh. Theo các Tổ chức quốc tế uy tín và nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh (GCI) 2017-2018 của Việt Nam tăng 20 bậc trong 5 năm qua, đứng thứ 55/137 nước, trong đó quy mô thị trường xếp thứ 31/137 nước. Theo WB công bố 31/10/2017, xếp hạng 2018 về môi trường kinh doanh (DB) của Việt Nam là 68/190 quốc gia, tăng 14 bậc so với năm trước (thuộc ASEAN-5).

Đến nay, đã có hơn 24.200 dự án đầu tư trực tiếp FDI đến từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 310 tỷ USD, tương đương 155% GDP.

Trong đó, Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt gần 60 tỷ USD với hơn 6.300 dự án, chiếm xấp xỉ 18% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc có mặt tại hầu các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, đã hiện diện tại 55/63 tỉnh thành Việt Nam. Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu của Hàn Quốc đã lựa chọn Việt Nam để phát triển trung tâm sản xuất khu vực và kết nối trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục