Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 4.0 là cuộc cách mạng về chính sách

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, các quốc gia đang phát triển với khuôn khổ chính sách không quá chặt chẽ sẽ sẵn sàng thích nghi, linh hoạt hơn khi áp dụng các công nghệ mới.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Trong khi các Chủ tịch khác của Hội nghị báo chí diễn đàn Kinh tế Thế giới ASEAN, ngày 12/9 (WEF 2018) nhận được câu hỏi về việc thúc đẩy phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng được hỏi về khả năng theo kịp của Việt Nam ở cuộc cách mạng lần thứ 4 này trong khi đã không kịp tham gia 3 cuộc cách mạng trước đó.

Ông Hùng cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra trong tương lai không phụ thuộc nhiều vào quá khứ. "Các quốc gia đang phát triển không có quá nhiều những hạ tầng, ràng buộc kết quả trước đó, có nghĩa là họ ít gánh nặng hơn trên vai và có thể di chuyển tốt hơn", vị Bộ trưởng cho biết.

Theo ông Hùng, thực chất, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không quá nặng về cách mạng công nghệ mà liên quan nhiều hơn đến cách mạng chính sách. Vì vậy, các quốc gia đang phát triển với khuôn khổ chính sách không quá chặt chẽ sẽ sẵn sàng thích nghi, linh hoạt hơn khi áp dụng các công nghệ mới.

Vị Bộ trưởng chia sẻ diễn đàn là một chủ đề rất thú vị về quản lý công nghệ, cách mạng công nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. Đây cũng là cơ hội để chia sẻ các câu chuyện, trường hợp điển hình, ý tưởng và sáng kiến mới đối với ASEAN.

Ông Hùng cho hay, Việt Nam tham dự sự kiện này với ba sáng kiến: Làm cho ASEAN phẳng, không có sự chênh lệch về khoảng cách, thúc đẩy để các trường đại học trong khu vực theo kịp các kỹ năng công nghệ thông tin của cuộc cách mạng 4.0. Trong bối cảnh cuộc sống đang phụ thuộc vào Internet như hiện nay, Bộ trưởng Hùng chia sẻ ý tưởng về trung tâm đảm bảo an ninh mạng ASEAN.

"Cuộc sống chúng ta và sự thịnh vượng phụ thuộc vào Internet. Tương lai an toàn phụ thuộc vào an ninh mạng", ông Hùng phát biểu.

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0 và thế giới ngày càng phẳng hơn, làm thế nào để các nền kinh tế mới nổi như ASEAN có thể bảo vệ và hỗ trợ được thị trường trong nước song hành với hội nhập là vấn đề được quan tâm tại buổi họp báo.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, Bộ trưởng Tài chính Indonesia cho biết nước này có thâm hụt vãng lai 2% GDP. Trong môi trường kinh tế chính trị toàn cầu thông thoáng, Indonesia hoàn toàn có thể tự cân đối được. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều biến động như FED tăng lãi suất ảnh hưởng đến chi phí vay của các nước, căng thẳng thương mại, nước này phải có những biện pháp bảo vệ, ví dụ như phát triển những ngành nghề trong dài hạn.

Theo bà Bộ trưởng, trong tương lai nếu có cú shock khác, các quốc gia ASEAN phải kết nối chặt chẽ hơn nữa. Đơn lẻ một mình khó chống đỡ.

"Một số nền kinh tế có tăng trưởng khá hài hòa nhưng đâu đó có cú shock như khủng hoảng quỹ lương hưu, chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng tới các quốc gia. Chúng ta phải bảo vệ không chỉ thị trường mà cho chính người dân", vị Bộ trưởng Indonesia nói.

Tin cùng chuyên mục