Sửa chữa hơn 1.800 m2 hư hỏng trên mặt cầu Thăng Long

Nhà thầu vá ổ gà trên mặt cầu Thăng Long trong khi chờ giải pháp tổng thể cho công trình này.
Công nhân sửa chữa mặt cầu Thăng Long.
Công nhân sửa chữa mặt cầu Thăng Long.

Ngày 11/6, ông Trần Hưng Hà - Cục trưởng Quản lý đường bộ I (Tổng cục Đường bộ), cho biết, hơn 1.800 m2 mặt cầu Thăng Long bị hư hỏng đã được sửa chữa để đảm bảo phương tiện lưu thông êm thuận.

Từ tháng 1 đến tháng 5, nhà thầu đã vá ổ gà, cào bóc các vị trí trồi lún, hằn sâu trên mặt cầu với khối lượng hơn 1.300 m2. Trong 10 ngày đầu tháng 6, do thời tiết nắng nóng, sau đó mưa to nên cầu Thăng Long bị bong bật lớp thảm mặt cầu ở nhiều vị trí. Nhà thầu đã tiếp tục vá ổ gà diện tích hơn 510 m2.

Theo ông Hà, việc sửa chữa những vị trí hư hỏng chỉ là giải pháp trước mắt đảm bảo êm thuận cho phương tiện lưu thông trên cầu Thăng Long. Về lâu dài, Tổng cục Đường bộ đã giao Ban quản lý dự án 3 lập dự án, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để sửa chữa tổng thể mặt cầu Thăng Long, mời nhiều chuyên gia trong và ngoài nước tham gia.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng mời các chuyên gia Nga đã từng thiết kế cầu Thăng Long đến khảo sát, tìm phương án sửa chữa tổng thể cây cầu này. "Hiện chưa có phương án sửa chữa cuối cùng", ông Hà nói.

Mặt cầu được cào bóc và trám vá đảm bảo êm thuận. 

Giữa năm 2018, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kiểm tra mặt cầu Thăng Long, kết quả cho thấy, mặt đường bị rạn nứt khoảng gần 9.000 m2. Diện tích hằn lún tổng cộng gần 2.000 m2. Vạch sơn mòn, sơn tim đường bị biến dạng, 4 trong 8 khe co giãn cầu bị hư hỏng và được che tạm bằng tấm thép để đảm bảo an toàn giao thông.

Tại cuộc họp về phương án sửa chữa cầu Thăng Long tháng 9/2018, lãnh đạo Tổng cục trưởng Đường bộ, cho biết bê tông nhựa mặt cầu bị trượt trên bản thép gây xô dồn, nứt ngang mặt cầu. Trước đây Liên Xô làm lớp chống thấm và dính bám bằng keo đặc biệt phun lên bản thép, sau đó cải đá dăm tạo nhám gắn vào lớn keo này và thảm bê tông nhựa lên.

Trong đợt sửa chữa năm 2009, đơn vị thi công đã bóc lớp tạo nhám, làm lại lớp chống thấm mặt cầu, tuy nhiên, việc này không đạt yêu cầu. Xe chạy gây lực trượt làm cho lớp bê tông mặt đường dồn ụ mấp mô và các vết nứt làm nước thấm xuống phá hoại bê tông nhựa. Mặt cầu cũng có các vết nứt dọc. Một phần nguyên nhân là do lưu lượng, tải trọng xe qua cầu vượt quá thiết kế ban đầu.

Vị trí cầu Thăng Long.

Cầu Thăng Long cao 2 tầng, dài khoảng 3,1 km, gồm phần cầu chính dài 1,6 km với 15 nhịp dầm thép, khẩu độ mỗi nhịp 112 m. Mặt cầu bằng thép tấm thảm bê tông nhựa.

Tầng trên có bề rộng 20 m chia 4 làn xe cơ giới, còn lại hai bên là đường bộ công vụ, mỗi bên rộng 2 m. Tầng dưới ở giữa là tuyến đường sắt khổ ray 1.435m, hai bên là đường xe thô sơ, xe máy 3,5 m.

Tin cùng chuyên mục