Tăng trưởng ngắn hạn đang suy giảm

(BĐT) - Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG), đà tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn đang duy trì được xu hướng tăng tích cực. Song, tăng trưởng trong ngắn hạn đang suy giảm vì chịu tác động của các yếu tố chu kỳ kinh tế và suy giảm về tổng cung (do thiên tai, giá dầu giảm).
GDP 6 tháng cuối sẽ tăng cao hơn 6 tháng đầu năm 2016? Ảnh: Lê Tiên
GDP 6 tháng cuối sẽ tăng cao hơn 6 tháng đầu năm 2016? Ảnh: Lê Tiên

Vui buồn đan xen

Theo đánh giá của UBGSTCQG, doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2016, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng so với cùng kỳ năm trước. Qua tổng hợp báo cáo tài chính của từ 500 - 800 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HNX, HSX, UPCoM do Công ty CP Stoxplus cung cấp, UBGSTCQG chỉ ra, hiệu quả sinh lời và lợi nhuận của khối doanh nghiệp phi tài chính đang có xu hướng giảm do các loại chi phí (chi phí tài chính, chi phí sản xuất, các loại thuế và phí...) tăng lên nhanh chóng.

Về lạm phát, Ủy ban này phân tích, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục tăng kể từ tháng 11/2015. Tính đến tháng 6/2016, CPI tổng thể tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,35% so với đầu năm. Nguyên nhân tăng lạm phát là do tăng giá một số nhóm hàng, chủ yếu là dịch vụ y tế và giáo dục. Trong khi đó, lạm phát cơ bản vẫn duy trì ổn định ở mức dưới 2% từ đầu năm đến nay. Thành phần lạm phát có tính chu kỳ đã có 6 tháng tăng liên tục (kể từ tháng 12/2015). Điều này cho thấy chu kỳ tăng giá (dịch vụ y tế, giáo dục, thực phẩm) của quý I/2016 vẫn đang gây tác động kéo dài sang quý II. Song nhờ các yếu tố cơ bản thuận lợi (giá hàng hóa thế giới thấp, tổng cầu tăng chậm...), thành phần lạm phát dài hạn vẫn duy trì được xu thế thấp ổn định. Tổng hợp các yếu tố đó, UBGSTCQG dự báo, lạm phát cả năm 2016 sẽ tăng cao hơn so với năm 2015, nhưng sẽ chỉ ở mức 4% - 4,5% và áp lực lạm phát không đến mức phải lo ngại.

Về cân đối ngân sách nhà nước (NSNN), UBGSTCQG dự báo, thâm hụt ngân sách năm 2016 có khả năng bảo đảm dự toán 254 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 thấp hơn kế hoạch, giả sử ở mức 6,5% GDP thì tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP sẽ vượt dự toán khoảng 0,5% GDP.             

Tăng trưởng có thể thấp hơn mục tiêu

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, khả năng tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm sẽ cao hơn, nhưng để đạt kế hoạch tăng trưởng 6,7% cả năm là rất khó khăn. Để đạt mục tiêu này, 6 tháng cuối năm phải tăng khoảng 7,6%, trong khi các nhân tố cho phát triển cả trong nước và ngoài nước không phải là tích cực. 
Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 tiếp tục thấp hơn so với cùng kỳ 2015. Theo phân tích của UBGSTCQG, trong khi vốn đầu tư toàn xã hội vẫn bảo đảm 32,9% GDP trong 6 tháng năm 2016 (cùng kỳ 2015 là 31,1% GDP), tăng trưởng GDP chậm chủ yếu do suy giảm tăng trưởng của ngành nông nghiệp và khai khoáng.

Cơ quan này đánh giá, tăng trưởng ngắn hạn vẫn đang trong giai đoạn suy giảm kể từ quý III/2015 và chưa có dấu hiệu thoát đáy chu kỳ trong năm 2016.

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch UBGSTCQG, nếu tăng trưởng kinh tế năm nay thấp hơn mục tiêu 6,7% thì cũng chấp nhận được. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm nay có thể không đạt mục tiêu, nhưng xét theo bối cảnh thực tiễn của Việt Nam và tình hình bên ngoài, thì kết quả điều hành kinh tế vĩ mô đạt được trong thời gian qua vẫn cần ghi nhận, vì năm nay không còn nhiều dư địa về tiền tệ, tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng, trong khi những giải pháp vi mô lại gặp nhiều khó khăn.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, khả năng tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm sẽ cao hơn, nhưng để đạt kế hoạch tăng trưởng 6,7% cả năm là rất khó khăn. Để đạt mục tiêu này, 6 tháng cuối năm phải tăng khoảng 7,6%, trong khi các nhân tố cho phát triển cả trong nước và ngoài nước không phải là tích cực. Nhiều ý kiến cho rằng GDP năm nay chỉ đạt được 6,4 - 6,5%.

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2016 sẽ cần những nỗ lực, quyết tâm lớn. Tuy nhiên, ông Ngoạn cho rằng, không nên tăng trưởng bằng mọi giá, không nên dùng các công cụ chính sách hỗ trợ cho tổng cầu. Thay vào đó, cần xác định rõ động lực tăng trưởng năm nay để hướng chính sách cho phù hợp. Theo đó, cần tập trung mạnh vào tổng cung, đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế để nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, khu vực tư nhân còn dư địa lớn, ngoài việc cải thiện môi trường kinh doanh, thể chế, cần một số chính sách, trong đó có hỗ trợ về lãi suất để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Ngoài ra, UBGSTCQG khuyến nghị, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 16 - 18% và mở rộng thị trường hàng xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục