Thách thức mục tiêu tăng trưởng

(BĐT) - Kinh tế Việt Nam trong quý I/2017 có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 và năm 2016, chỉ đạt 5,1%. Kết quả này đang đặt nền kinh tế trong 9 tháng còn lại trước nhiều thách thức, làm sao GDP phải tăng 7% thì mới đạt mục tiêu tăng 6,7% trong cả năm.
Thách thức mục tiêu tăng trưởng

Tăng trưởng giảm tốc

Thông tin về các cân đối lớn của nền kinh tế, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý I/2017, GDP chỉ tăng 5,1%; lạm phát tăng 4,96%; xuất khẩu hàng hóa tăng 12,8%; nhập khẩu hàng hóa tăng 22,4%; tiêu dùng cuối cùng tăng 6,73%; tích lũy tài sản tăng 8,5%. “Với mức tăng trưởng thấp, kế hoạch tăng trưởng năm 2017 đặt ra là 6,7% khó đạt được nếu nền kinh tế không có sự bứt phá trong các quý còn lại, các cân đối lớn như nợ công/GDP, tích lũy, tiêu dùng sẽ gặp khó khăn trong các năm sau”, ông Lâm nhận định.

Mức tăng trưởng trong quý I/2017 phản ánh hậu quả của biến đổi khí hậu, đổi mới cơ cấu ngành và cơ cấu sản phẩm. Xét về các ngành thì ngoài ngành công nghiệp khai khoáng có mức tăng trưởng âm, các ngành công nghiệp còn lại và xây dựng có mức tăng thấp hơn so với quý I/2016.

Tuy nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn song tốc độ tăng trưởng đang trên đà phục hồi. Khu vực dịch vụ tăng trưởng tốt, hầu hết các ngành, lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn so với quý I/2016.

Xét về mặt sản xuất, khu vực nông, lâm và thủy sản tăng 2,03% so với cùng kỳ năm 2016; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,17%; khu vực dịch vụ tăng 6,52%.

Đánh giá về các yếu tố này, chuyên gia kinh tế Cao Viết Sinh cho rằng, tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng của năm ngoái là 6,7%. Khu vực nông nghiệp còn rất khó khăn khi mức tăng trưởng thực chất chỉ bằng năm 2015 (quý I/2016 thì nông nghiệp tăng trưởng âm 1,31%, quý I/2017 dương 2,03% thực ra là bù lại cái mất của năm 2016). “Tăng trưởng công nghiệp đã thấp thế thì khó có tăng trưởng trong lĩnh vực nào bù lại được. Theo tính toán, để GDP đạt được mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 thì quý I tăng trưởng phải đạt khoảng 6% mới hợp lý”, ông Sinh bày tỏ quan điểm. 

9 tháng còn lại sẽ gặp nhiều khó khăn

Nhìn chung, tình hình kinh tế các tháng còn lại của năm 2017 sẽ có nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi. 
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, với một số mục tiêu của năm 2017 được Nghị quyết của Quốc hội đặt ra thì 9 tháng còn lại của năm, GDP phải tăng 7% thì cả năm mới đạt mức tăng trưởng 6,7%. Mục tiêu này còn phải đối mặt với nhiều thách thức khi Chính phủ tiếp tục thực hiện điều chỉnh giá một số loại dịch vụ và mặt hàng chiến lược, gây áp lực lên lạm phát, chỉ số giá sản xuất, ảnh hướng đến tăng trưởng kinh tế.

Chính sách tỷ giá mặc dù đã được điều hành tương đối linh hoạt nhưng vẫn đang chịu sức ép khá lớn từ các yếu tố bên ngoài, tâm lý thị trường và nhập siêu. Dự báo trong năm 2017, thị trường tài chính quốc tế sẽ vẫn có nhiều biến động khó lường, đặc biệt là tác động từ lộ trình nâng lãi suất của FED… Các yếu tố này sẽ tác động mạnh đến cung cầu ngoại tệ và tỷ giá.

Bên cạnh đó, độ mở của nền kinh tế cao, năm sau cao hơn năm trước và tiếp tục mở hơn nữa trong những năm tới khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Khi đó, nền kinh tế sẽ ngày càng chịu ảnh hưởng mạnh của kinh tế thế giới. Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước còn yếu, dẫn tới nhập siêu và sức ép vào cung ngoại tệ và tỷ giá.

Nhìn chung, tình hình kinh tế các tháng còn lại của năm 2017 sẽ có nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi. Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội phải chủ động, linh hoạt chỉ đạo điều hành để vượt qua khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu nhận định, để đạt được mục tiêu tăng trưởng như Quốc hội đề ra cho năm 2017 thì sẽ cần rất nhiều giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trong các tháng tiếp theo được dự báo sẽ tăng nhanh hơn so với quý I nhờ các yếu tố từ đầu tư toàn xã hội (từ các dự án xã hội hóa, PPP), các hợp đồng ký kết gia tăng, nhập khẩu nguyên vật liệu trong quý I nhiều sẽ làm động lực sản xuất trong các quý tiếp…

Chỉ 13,72% doanh nghiệp thành lập mới đóng góp vào tăng trưởng

Đánh giá về sự đóng góp của “kỷ lục số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016” đến tốc độ tăng trưởng của quý I/2017, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, số lượng doanh nghiệp (DN) này chưa có những đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của năm nay, đặc biệt là trong quý I/2017. “Nếu chỉ nhìn vào số lượng DN thành lập đạt kỷ lục mà kỳ vọng tăng trưởng kinh tế bứt phá hẳn lên là không chính xác”.

Ông Lâm phân tích, năm 2016, số DN đăng ký thành lập đạt kỷ lục cao chưa từng có là 110.100 DN. Trong số đó có 98.757 DN đi vào hoạt động, chiếm tỷ lệ 89,7%. Tuy nhiên, nếu xét theo cơ cấu DN thành lập ở các ngành kinh tế mới thấy mặc dù số lượng nhiều nhưng đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế, cụ thể đóng góp vào việc sản xuất ra hàng hóa, vật chất cho xã hội lại chưa được như kỳ vọng. Các DN thành lập mới vẫn chủ yếu là DN nhỏ và vừa, quy mô lao động ít, vốn ít nên đóng góp không nhiều cho tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, trong số 98.757 DN thì có đến 35,4% số DN hoạt động trong ngành bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy. Đây lại không phải là ngành tạo ra sản phẩm, vật chất, mà lại dựa vào thu nhập của tổ chức, người dân tăng mạnh; lợi nhuận của ngành này chủ yếu trông chờ vào chi tiêu của xã hội thì mới hoạt động tốt. “Còn lại, chỉ có 13,72% DN mới thành lập là hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nên sự đóng góp vào tăng trưởng, tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa, vật chất cho xã hội chỉ dừng ở mức độ nhất định”, ông Lâm nhận xét.            

Thu Giang

Tin cùng chuyên mục