10 sự kiện kinh tế Việt Nam năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2020 qua đi với đầy khó khăn và thách thức chưa có tiền lệ. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại, du lịch quốc tế suy giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm sáng ấn tượng, là cơ sở cho những kỳ vọng vào một tương lai khởi sắc mạnh mẽ trong năm tới.
Ước tính xuất siêu năm 2020 đạt 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Ảnh: Tường Lâm
Ước tính xuất siêu năm 2020 đạt 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Ảnh: Tường Lâm

Xin trân trọng giới thiệu 10 sự kiện nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2020 do Báo Đấu thầu bình chọn.

GDP tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới

Năm 2020, trong khi kinh tế toàn cầu suy thoái sâu do đại dịch Covid-19, bức tranh kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Cụ thể, năm 2020 GDP tăng 2,91%; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3,4%; số doanh nghiệp thành lập mới là 134.940 doanh nghiệp; vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 5,7%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó xuất siêu đạt kỷ lục 19,1 tỷ USD.

Giải ngân đầu tư công tăng mạnh

Nhờ chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 có tiến bộ lớn. Ước đến 31/12 đạt tỷ lệ 82,8% dự toán (kể cả số vốn các năm trước chuyển sang năm 2020, thì tỷ lệ giải ngân đạt 73%). Trong đó vốn trong nước đạt 87%, vốn ngoài nước đạt 46%; khối bộ, cơ quan trung ương đạt 69,4%, địa phương đạt 86,7%.

Thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật PPP

Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV với tỷ lệ phiếu tán thành rất cao. Điều đó khẳng định nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với nguyên tắc kinh tế thị trường cũng như các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, nhằm tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thuận lợi, minh bạch, bình đẳng để khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đổi mới, sáng tạo.

Ngân hàng Nhà nước 3 lần giảm lãi suất điều hành hỗ trợ nền kinh tế

Lần đầu tiên trong 1 năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 3 lần giảm lãi suất điều hành. Theo đó, NHNN đã giảm từ 1,5 - 2,0%/năm với lãi suất điều hành, giảm từ 0,6 - 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,5% lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng. Việc NHNN điều chỉnh giảm lãi suất điều hành đã hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giảm chi phí vay vốn của người dân và doanh nghiệp để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, đồng thời có nguồn vốn rẻ để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.

Tập trung nguồn lực đầu tư nhiều công trình, dự án kết cấu hạ tầng quan trọng

Năm 2020, 6/11 đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được khởi công; tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được đưa vào sử dụng; thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; hoàn thành giai đoạn I nâng cấp đường băng của các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn I, chuẩn bị khởi công Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nhiều công trình hạ tầng về giao thông, năng lượng, thủy lợi, đô thị, khu công nghiệp, thông tin truyền thông, y tế, giáo dục… được hoàn thành, đưa vào khai thác, tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho đất nước.

Việt Nam giữ thứ hạng cao về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu

Bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Liên hợp quốc (GII) ghi nhận Việt Nam xếp thứ 42 trên 131 quốc gia và nền kinh tế, giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.

So với năm 2019, Việt Nam có chỉ số về các sản phẩm sáng tạo tăng 9 bậc; chỉ số hợp tác viện - trường - doanh nghiệp tăng 10 bậc; chỉ số công bố bài báo khoa học và kỹ thuật tăng 13 bậc; năng lực hấp thụ tri thức tăng 13 bậc. Trong nhóm chỉ số đầu vào tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, Việt Nam tiếp tục tăng một bậc.

Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành quyết định về chuyển đổi số quốc gia, đặt ra mục tiêu kép vừa phát triển chính phủ số - kinh tế số - xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Mục tiêu của Chương trình là đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP, Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh.

Việt Nam gia nhập khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới RCEP

Ngày 15/11, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 do Việt Nam tổ chức trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. RCEP bao gồm 10 quốc gia ASEAN và 5 đối tác: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Hiệp định được kỳ vọng sẽ tạo nên một thị trường thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số và 30% GDP toàn cầu. Cùng với RCEP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác về thương mại, đầu tư cho Việt Nam trong giai đoạn tới.

Ngành hàng không, du lịch thiệt hại nặng nề do Covid-19

Hàng không Việt Nam trải qua một năm khó khăn nhất trong lịch sử do tác động của dịch Covid-19. Theo đó, chỉ riêng Vietnam Airlines đã lỗ trên 15.000 tỷ đồng. Tương tự, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines dự báo lỗ hàng nghìn tỷ đồng.

Ngành du lịch cũng thiệt hại nặng nề với lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm trước, trong đó hơn 96% là khách quốc tế đến trong quý I/2020; khách du lịch nội địa giảm gần 50%. Ước tính tổng thiệt hại của ngành du lịch lên đến trên 500 nghìn tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán thiết lập kỷ lục thanh khoản

Sau 20 năm từ ngày đi vào vận hành (28/7/2000 - 28/7/2020), thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển vượt bậc về quy mô và chất lượng, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tính đến 30/11/2020, tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đạt hơn 6,11 triệu tỷ đồng - là mức cao nhất từ trước đến nay, bằng 101,33% GDP, vượt mục tiêu bằng 70% GDP đề ra trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán tới năm 2020. Sau 20 năm, có hơn 30 doanh nghiệp vốn hóa hơn 1 tỷ USD. Thanh khoản của thị trường tăng lên đột biến với những phiên giao dịch cuối tháng 12 lên tới xấp xỉ 15.000 tỷ đồng/phiên.

Tin cùng chuyên mục