3 nhóm vấn đề cốt lõi tập trung khôi phục sản xuất kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về kinh tế - xã hội sáng nay (15/6), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, có 3 nhóm vấn đề cốt lõi được Bộ tập trung chỉ đạo trong kế hoạch hành động của Ngành để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (ảnh: Internet)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (ảnh: Internet)

Theo ông Trần Tuấn Anh, để chủ động có các giải pháp nhằm khôi phục và thúc đẩy các hoạt động kinh tế, Bộ Công Thương đã tiến hành nghiên cứu để xây dựng Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới. 

Kế hoạch hành động ban hành đầu tháng 6 với mục tiêu vừa xử lý những khó khăn vướng mắc cấp bách trước mắt, vừa thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, tạo đà cho tăng trưởng bền vững ở những năm tiếp theo. Theo đó, có 3 nhóm vấn đề cốt lõi nhất mà Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo để tổ chức triển khai thực hiện.

Trước hết là củng cố và tổ chức lại các chuỗi cung ứng cho sản xuất công nghiệp, tạo sự bền vững nhưng linh hoạt hơn, tránh phụ thuộc vào một số ít chuỗi cung ứng. Bộ Công Thương xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lớn của ta như: dệt may, da giày, điện tử…theo hướng bền vững hơn với một số đối tác, tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.

Theo đó, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Đồng thời, trình Chính phủ xem xét, thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng các chuỗi cung ứng mới.

Hai là, tập trung thúc đẩy phát triển xuất khẩu, tận dụng các cơ hội từ các FTAs đã ký, đặc biệt là CPTPP và EVFTA. Theo đó, Bộ đã thực hiện ngay việc rà soát, tính toán lại kịch bản tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu năm 2020; xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế, tận dụng có hiệu quả các cam kết hội nhập...

Bên cạnh đó, triển khai các hình thức xúc tiến thương mại mới để kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường có khả năng phục hồi sớm; từng bước mở rộng sang các thị trường khác theo diễn biến của tình hình dịch bệnh. Tiến hành trao đổi trực tuyến ở nhiều cấp để tìm kiếm cơ hội cũng như giải quyết các khó khăn về thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam...

“Bộ Công Thương và Tập đoàn Amazon đang triển khai các chuỗi các sự kiện, hội nghị, hội thảo, đào tạo tập huấn… hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thông qua trang thương mại điện tử theo hướng phát triển và xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm, ngành hàng Việt Nam”, ông Trần Tuấn Anh thông tin.

Giải pháp thứ 3 được Bộ quyết liệt triển khai là tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước gắn với đẩy nhanh tái cơ cấu thị trường trong nước và phát triển thương mại điện tử. Bộ Công Thương đã nghiên cứu để có phương án đề xuất nhằm kích cầu trong nước trong giai đoạn mới khi Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh. Trong đó, Bộ đã chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối trên nền tảng liên kết chặt chẽ về thông tin từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối cùng sự hỗ trợ của Nhà nước; tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa nhằm tạo thuận lợi cho tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại thông qua thực hiện các đề án, chương trình, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Việt Nam tới nay đã cơ bản vượt qua dịch bệnh sớm hơn các nước. Lòng tin của doanh nghiệp trong nước và các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam đang được củng cố mạnh mẽ; những nền tảng vĩ mô quan trọng để phục vụ cho tăng trưởng trong thời gian tới được giữ vững (tỷ giá, lãi suất, cán cân thanh toán, cán cân thương mại...). Đây là những yếu tố rất căn bản để Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội, nhanh chóng tổ chức, khôi phục lại sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, hiện tình hình quốc tế trong giai đoạn hiện nay đang có những chuyển biến lớn, phức tạp, nhanh và khó lường hơn trước. Đặc biệt là sự đứt gãy các chuỗi cung ứng lớn, dẫn tới quá trình tái cấu trúc lại hệ thống sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, thị trường đầu tư, tác động trực tiếp đến sự thay đổi của cấu trúc nền kinh tế thế giới. Việc các quốc gia trên thế giới ứng phó với dịch bệnh sẽ tạo nên sự thay đổi trong việc khai thác công nghệ trong cả đời sống và sản xuất. Quá trình chuyển đổi số ở cả doanh nghiệp và người dân đã và đang diễn ra trên diện rộng, vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội lớn cho các quốc gia tận dụng để chuyển đổi, tăng tốc phát triển.

Tin cùng chuyên mục