Bản tin thời sự sáng 10/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào ngày 26/7; Vietnam Airlines chính thức thử nghiệm hộ chiếu sức khoẻ điện tử; đề xuất xây dựng cao tốc Vân Phong - Nha Trang với tổng vốn dự kiến gần 13.000 tỷ đồng; cấp phép cho Công ty Dược Sài Gòn nhập 5 triệu liều vắc xin Vero-Cell của Sinopharm; Đà Nẵng cho tắm biển trở lại từ 4h30 ngày 10/7….

Sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào ngày 26/7

Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021

Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021

Theo kế hoạch dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 26/7, các hội đồng thi sẽ công bố kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của thí sinh.

Các sở giáo dục và đào tạo sẽ hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông sơ bộ; gửi báo cáo kết quả xét công nhận tốt nghiệp về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 30/7.

Sau khi có điểm, thí sinh có thể làm đơn xin phúc khảo bài thi. Điểm thi phúc khảo được công bố chậm nhất ngày 16/8. Các thí sinh phúc khảo sẽ được xét công nhận tốt nghiệp chậm nhất ngày là 20/8.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 đợt một diễn ra trong hai ngày 7 và 8/7 với trên 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Trong số đó, có gần 40.000 thí sinh tự do, có trên 222.000 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp trung học phổ thông, có gần 36.000 thí sinh dự thi chỉ để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, trên 763.000 thí sinh dự thi để vừa xét tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa xét tuyển sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức trên 2.200 điểm thi, trên 43.000 phòng thi.

Vietnam Airlines chính thức thử nghiệm hộ chiếu sức khoẻ điện tử

Vietnam Airlines hy vọng việc thử nghiệm thành công “hộ chiếu sức khoẻ điện tử” sẽ làm cơ sở để Chính phủ xem xét công nhận, tạo đà cho việc nối lại các đường bay bay quốc tế.

Vietnam Airlines sẽ chính thức triển khai thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khoẻ điện tử IATA Travel Pass

Vietnam Airlines sẽ chính thức triển khai thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khoẻ điện tử IATA Travel Pass

Vietnam Airlines thông báo sẽ chính thức triển khai thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khoẻ điện tử IATA Travel Pass trên 2 chuyến bay mang số hiệu VN301 từ Sân bay Narita (Tokyo, Nhật Bản) đi Đà Nẵng vào ngày 15/7 và 23/7 tới.

Đây là hoạt động nhằm cụ thể hóa chương trình hợp tác giữa Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) và Vietnam Airlines theo thỏa thuận hai bên đã ký kết vào tháng 5 vừa qua.

Điều kiện tham gia là hành khách trên 18 tuổi và có chứng nhận âm tính với COVID-19 từ các cơ sở xét nghiệm đã được đăng ký với IATA. Hành khách muốn tham gia chương trình thử nghiệm có thể đăng ký trên website của Vietnam Airlines tối thiểu 3 ngày trước ngày khởi hành, tải ứng dụng IATA Travel Pass về điện thoại di động, đăng ký tài khoản và nhập thông tin chuyến bay.

Tại bước cuối cùng của quá trình thử nghiệm, hành khách sẽ hoàn thành khảo sát để hỗ trợ IATA cũng như Vietnam Airlines có thể nâng cao, cải thiện trải nghiệm khách hàng xuyên suốt quá trình sử dụng ứng dụng.

Hộ chiếu sức khoẻ điện tử (Digital health passport) đã chính thức có hiệu lực với các nước thành viên Liên minh châu Âu từ ngày 1/7/2021, từng bước mở cửa đi lại tự do trong Liên minh và cho hành khách quốc tế. Vietnam Airlines hy vọng việc thử nghiệm thành công “hộ chiếu sức khoẻ điện tử” sẽ làm cơ sở để Chính phủ xem xét công nhận cơ chế này rộng rãi, tạo đà cho việc nối lại các đường bay quốc tế trong tương lai.

Đề xuất xây dựng cao tốc Vân Phong - Nha Trang với tổng vốn dự kiến gần 13.000 tỷ đồng

Cao tốc Vân Phong - Nha Trang (Khánh Hòa) dài 83 km với tổng vốn dự kiến gần 13.000 tỷ đồng sẽ kết nối với cao tốc Bắc Nam đang đầu tư.

Đề xuất xây dựng cao tốc Vân Phong - Nha Trang với tổng vốn dự kiến gần 13.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Đề xuất xây dựng cao tốc Vân Phong - Nha Trang với tổng vốn dự kiến gần 13.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tỉnh Khánh Hòa đã kiến nghị Chính phủ việc đầu tư cao tốc Vân Phong - Nha Trang theo hình thức PPP, thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, Khánh Hòa xin vay lại nguồn trái phiếu Chính phủ phục vụ giải phóng mặt bằng do địa phương còn nhiều khó khăn và huy động vốn PPP phần xây lắp.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được Ban Quản lý dự án 7 trình Bộ Giao thông Vận tải, đoạn cao tốc Vân Phong - Nha Trang dài 83 km, điểm đầu tại km285 (phía Nam hầm Cổ Mã), thuộc xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh), điểm cuối tại xã Diên Thọ (huyện Diên Khánh), kết nối với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đang triển khai.

Cao tốc có quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 24 m, tốc độ thiết kế 100 – 120 km/h. Để cân đối nguồn lực và đảm bảo hiệu quả đầu tư, Ban Quản lý dự án 7 đề xuất phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17 m, khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP, với tổng mức đầu tư dự kiến là 12.906 tỷ đồng.

Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự án sẽ tuyển chọn nhà đầu tư vào đầu năm 2022, khởi công công trình sau khoảng 6 tháng và đưa vào khai thác cuối năm 2024.

Cấp phép cho Công ty Dược Sài Gòn nhập 5 triệu liều vắc xin Vero-Cell của Sinopharm

Bộ Y tế cấp phép cho Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn nhập khẩu 5 triệu liều vắc xin Covid-19 Vero-Cell của Sinopharm (Trung Quốc).

Cấp phép cho Công ty Dược Sài Gòn nhập 5 triệu liều vắc xin Covid-19 Vero-Cell của Sinopharm

Cấp phép cho Công ty Dược Sài Gòn nhập 5 triệu liều vắc xin Covid-19 Vero-Cell của Sinopharm

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (TP.HCM), đồng ý để Công ty TNHH MTV MTV Sài Gòn nhập khẩu vắc xin tại đơn hàng số 272 ngày 1/7. Theo đó, tên vắc xin là Covid-19 Vaccine (Vero Cell) Inactivated (tên khác là SARS-COV-2 Vaccine (Vero Cell) Inactivated; số lượng 5 triệu liều do Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd - Trung Quốc sản xuất. Vắc xin này còn được gọi là vắc xin Vero-Cell của Sinopharm.

Theo Cục Quản lý dược, vắc xin nhập khẩu để sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phải đáp ứng các điều kiện đi kèm việc phê duyệt vắc xin được ban hành kèm theo của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng vắc xin nhập khẩu; đảm bảo việc bảo quản vắc xin tại các cơ sở bảo quản theo đúng quy định, tránh ảnh hưởng đến chất lượng vắc xin nhập khẩu và bảo đảm việc sử dụng vắc xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng, phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Cũng theo Bộ Y tế, công ty phải thực hiện đúng các quy định hiện hành về xuất nhập khẩu, lưu thông, phân phối thuốc và các quy định về dược có liên quan.

Đà Nẵng cho tắm biển trở lại từ 4h30 ngày 10/7

Từ 4h30 ngày 10/7, người dân Thành phố được tắm biển và vui chơi thể thao ngoài trời trở lại sau 21 ngày, với điều kiện tuân thủ 5K.

Đà Nẵng cho tắm biển trở lại từ 4h30 ngày 10/7

Đà Nẵng cho tắm biển trở lại từ 4h30 ngày 10/7

Ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, thời gian tắm biển tiếp tục được phân chia sáng từ 4h30 đến không quá 8h; chiều từ 16h30 đến không quá 19h.

Quyết định này được lãnh đạo Thành phố đưa ra sau khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, nhiều ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.

Dù nới lỏng cho dân tắm biển, nhưng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Đà Nẵng yêu cầu người dân chỉ tắm tại các khu vực được cho phép và không tập trung đông người trên bãi biển.

Thành phố cũng cấm tụ tập vui chơi, chơi thể thao, ăn, uống, bán hàng rong... tại bãi biển; giữ khoảng cách ít nhất 1 mét với người khác; đeo khẩu trang trước và ngay sau khi tắm biển xong.

Người dân chưa được tắm nước ngọt cũng như sử dụng các dịch vụ khác tại bãi biển và khu vực các công viên, vỉa hè ven biển (trừ dịch vụ trông, giữ xe, đồ đạc của khách).

Đây là lần thứ hai Đà Nẵng cho người dân tắm biển trở lại, trong đợt dịch từ 27/4 đến nay. Thành phố cấm biển lần đầu từ ngày 4/5, sau đó mở lại ngày 9/6; đến ngày 19/6, địa phương thông báo cấm biển lần 2 khi phát hiện chuỗi lây nhiễm mới liên quan nam bảo vệ Công ty Nhựa Duy Tân.

Chính quyền Đà Nẵng cũng cho các hoạt động thể dục, thể thao trong nhà và ngoài trời (trừ hoạt động thể dục, thể thao tại phòng tập gym, yoga, bida) được hoạt động lại với các điều kiện và biện pháp đảm bảo phòng chống dịch.

Các hoạt động còn cấm ở Đà Nẵng là kinh doanh, buôn bán ăn uống tại chỗ (chỉ được bán mang về); các lễ hội văn hóa, tín ngưỡng, thờ tự; dạy học tại trường mầm non, nhóm trẻ; dịch vụ không thiết yếu như vũ trường, karaoke, massage; khu phố đi bộ; chợ đêm,...

4 đô thị lớn Bình Dương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 9/7

Số ca nhiễm vượt 1.100 ca, Bình Dương đã thực hiện giãn cách xã hội toàn TP. Thủ Dầu Một, TP. Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên theo Chỉ thị 16.

Các địa phương giãn cách xã hội ở Bình Dương

Các địa phương giãn cách xã hội ở Bình Dương

Động thái mới của Bình Dương là quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 10 phường TP. Thủ Dầu Một thực hiện từ ngày 9/7 đến khi có thông báo mới, trong bối cảnh Tỉnh ghi nhận 1.119 ca nhiễm. Thị xã Bến Cát và huyện Dầu Tiếng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.

19 ngày trước, bốn phường Hiệp An, Chánh Mỹ, Phú Hòa và Hiệp Thành (TP. Thủ Dầu Một); TP. Thuận An, thị xã Tân Uyên đã cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Nguyên tắc của chỉ thị là gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh.

Ngày 9/7, Bình Dương ghi nhận thêm 65 ca Covid-19 mới, trong đó 24 ca phát hiện khi đi xét nghiệm tại các cơ sở y tế. Đến nay, 45 công ty xí nghiệp và hàng chục khu trọ trên địa bàn Tỉnh xuất hiện ca nhiễm.

Sở Y tế Bình Dương đánh giá, việc có nhiều nhà trọ đan xen với nhà máy trong và ngoài khu công nghiệp là nguyên nhân dịch bùng phát mạnh tại đây, rất khó kiểm soát và có thể số ca bệnh sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Khẩn trương nghiên cứu khai thác tàu bay Embraer tại sân bay Cà Mau

Cục Hàng không Việt Nam đang xem xét việc cấp phép khai thác thêm dòng máy bay mới đến sân bay Cà Mau.

Khẩn trương nghiên cứu khai thác dòng tàu bay Embraer tại Cảng hàng không Cà Mau

Khẩn trương nghiên cứu khai thác dòng tàu bay Embraer tại Cảng hàng không Cà Mau

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Hãng hàng không Bamboo Airways để triển khai một số nội dung liên quan đến việc khai thác dòng tàu bay Embraer E190/E175 tại Cảng hàng không Cà Mau.

Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu ACV khẩn trương triển khai nghiên cứu, đánh giá và đầu tư bổ sung các vấn đề kỹ thuật như sức tải chịu mặt đường cất - hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay tại Cảng hàng không Cà Mau. Cục cũng yêu cầu ACV chỉ đạo Cảng hàng không Cà Mau phối hợp với các đơn vị của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) hoàn thiện hồ sơ phương thức bay để Cục thẩm định và phê chuẩn.

Ngoài ra, ACV và Bamboo Airways cần phối hợp xem xét, đánh giá để lên kế hoạch triển khai các nội dung khác như phương án khai thác, vận hành tàu bay, bổ sung trang thiết bị phục vụ mặt đất, đào tạo nhân sự… nhằm đáp ứng khai thác dòng máy bay E190/E175 tại Cảng hàng không Cà Mau.

Cũng theo chỉ đạo của Cục Hàng không Việt Nam, để khai thác đường bay tới Cà Mau, ACV và Bamboo Airways cần nghiên cứu việc cân bằng tải trọng; điều chỉnh hệ thống sơn kẻ tín hiệu trên đường cất – hạ cánh, đường lăn, sân đỗ của sân bay; trang thiết bị phục vụ mặt đất tại sân bay Cà Mau nhằm đảm bảo an toàn khai thác hiệu quả bằng dòng máy bay Embraer E190/E175.

Cục sẽ dựa trên các kết quả đánh giá làm cơ sở để xem xét và quyết định việc khai thác tàu bay Embraer E190/E175 tại Càng hàng không Cà Mau. Nếu được phê duyệt, Bamboo Airways có thể được mở đường bay đi/đến Cà Mau bằng dòng máy bay E190/E175 mà hãng đang khai thác, trở thành hãng hàng không thứ hai có đường bay đi/đến Cà Mau.

Trong nhiều năm qua, Công ty bay dịch vụ hàng không (Vasco) là đơn vị duy nhất khai thác đường bay đi/đến Cảng hàng không Cà Mau bằng máy bay ATR72 với đường bay TP.HCM – Cà Mau, trung bình mỗi ngày 1 chuyến khứ hồi.

Tin cùng chuyên mục