Bản tin thời sự sáng 11/11

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là xem xét lại phương án đầu tư 2 dự án cao tốc Bắc Nam; cựu giám đốc CDC Hà Nội chủ mưu nâng giá máy xét nghiệm; cháy lớn trong khu công nghiệp Hiệp Phước tại TP.HCM, công ty 12.000m2 bị thiêu rụi; giá xăng ngày 11/11 có thể giảm tiếp….

Xem xét lại phương án đầu tư 2 dự án cao tốc Bắc Nam

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hình thức đầu tư đối với 2 dự án cao tốc Bắc Nam vừa bị hủy thầu.

Hiện trường thi công cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45

Hiện trường thi công cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45

Ngày 10/11, đại diện Bộ GTVT cho biết, theo Nghị quyết 52, Dự án cao tốc Bắc Nam nào không có nhà đầu tư tham gia, thì Bộ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chuyển đổi hình thức đầu tư.

Bộ GTVT đang chỉ đạo các Ban Quản lý dự án rà soát, cập nhật lại số liệu, đề xuất sử dụng nguồn vốn đối với 2 dự án là Quốc lộ 45 - Nghị Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu để báo cáo Chính phủ, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cuối tuần trước, Bộ GTVT đã hủy thầu Dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn do hồ sơ đề xuất kỹ thuật của nhà đầu tư dự thầu không đáp ứng các yêu cầu theo quy định. Trước đó, trong tháng 10, cơ quan này cũng hủy thầu đối với Dự án Nghi Sơn - Diễn Châu do không có nhà đầu tư nộp hồ sơ tham gia.

Ông Lê Thắng, Quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án 2, cho biết đơn vị đã xây dựng hai phương án về kế hoạch triển khai tiếp theo cho Dự án cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn.

Phương án một, tổ chức lại việc lựa chọn nhà đầu tư, song việc này sẽ phải kéo dài thêm khoảng 10 tháng dẫn đến không đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án là cần hoàn thành trong năm 2022. Hơn nữa, khi tổ chức đấu thầu lại, có thể vẫn không lựa chọn được nhà đầu tư.

Phương án hai, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công.

Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43 km, đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, tổng mức đầu tư khoảng 6.333 tỷ đồng gồm nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước khoảng 2.033 tỷ đồng, còn lại là vốn của nhà đầu tư huy động.

Cựu giám đốc CDC Hà Nội chủ mưu nâng giá máy xét nghiệm

Trong vụ án nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19, các bị can khác khai thống nhất "lại quả" cho cựu Giám đốc CDC Nguyễn Nhật Cảm 15% giá trị gói thầu.

Bị can Nguyễn Nhật Cảm (trái) cùng đồng phạm vụ nâng khống máy xét nghiệm Covid-19

Bị can Nguyễn Nhật Cảm (trái) cùng đồng phạm vụ nâng khống máy xét nghiệm Covid-19

VKSND Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố ông Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội), Nguyễn Vũ Hà Thanh (cựu Trưởng phòng Tài chính Kế toán đơn vị này), Lê Xuân Tuấn (nhân viên phòng tài chính kế toán) cùng 7 bị can khác về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài cáo buộc nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5 tỷ đồng ở Gói thầu số 15, trong cáo trạng còn nhắc đến trách nhiệm của các bị can trong 17 gói thầu khác. Trong vụ án này, cáo trạng xác định cựu Giám đốc CDC Hà Nội là chủ mưu.

Cụ thể, trong hai năm (2019 - 2020), CDC Hà Nội đã thực hiện đấu thầu đối với 16 gói thầu mua trang thiết bị, vật tư tiêu hao với tổng trị giá hơn 81 tỷ đồng. CDC Hà Nội đã thanh toán cho nhà thầu gần 70 tỷ đồng. Ngoài ra, còn 2 gói thầu thiết kế, in ấn các tài liệu và gói phát sóng các nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trị giá gần 2 tỷ đồng cũng được đơn vị này thực hiện. Trong đó, CDC Hà Nội đã thanh toán cho nhà thầu hơn 1,3 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định cả 18 gói thầu nói trên đều có dấu hiệu vi phạm. Cáo trạng nhận định: Lợi dụng tình hình dịch Covid-19, bị can Nguyễn Nhật Cảm đã câu kết với các bị can Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Thanh Tuyền, Đào Thế Vinh (làm việc tại các công ty tư nhân kinh doanh thiết bị y tế) để thỏa thuận giá mua máy xét nghiệm cùng các vật tư khác trước khi thực hiện quy trình, thủ tục chỉ định thầu thông thường.

Quá trình điều tra xác định: Các bị can bàn bạc kĩ lưỡng, thỏa thuận chi tiết về việc "lại quả" cho bị can Nguyễn Nhật Cảm 15% giá trị gói thầu, nếu thực hiện trót lọt vụ nâng khống giá trị gói thầu.

Vụ cháy lớn trong khu công nghiệp Hiệp Phước tại TP.HCM: Công ty 12.000m2 bị thiêu rụi

Đám cháy bắt nguồn từ kho đông lạnh rồi bao trùm toàn bộ Công ty, thiêu rụi 12.000m2 cùng nhiều tài sản.

Đám cháy nhìn từ trên cao

Đám cháy nhìn từ trên cao

Đến 12h50 ngày 10/11, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM mới dập tắt hoàn toàn đám cháy xảy ra tại Công ty CJ Foods (chủ đầu tư là người nước ngoài) nằm trong Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Theo Phòng PC07, Công ty CJ Foods có diện tích 21.900 m2, gồm 1 trệt, 2 lầu với khu vực văn phòng, khu sản xuất và kho. Vị trí cháy bắt nguồn tại kho đông lạnh. Chất cháy là bao bì, giấy, thực phẩm, nguyên vật liệu, máy móc.

Khi Trung tâm chỉ huy 114 nhận được tin báo, đám cháy đã phát triển lớn. Phòng PC07 đã nhanh chóng báo động, huy động lực lượng, phương tiện từ 9 đơn vị, 149 cán bộ chiến sĩ, 23 xe chữa cháy nhanh chóng đến hiện trường.

Ngoài ra, xe chữa cháy của Khu công nghiệp Hiệp Phước và Khu công nghiệp Long Hậu (tỉnh Long An) cũng đã được huy động đến chữa cháy. Gần 5 giờ sau, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn.

Phòng PC07 cho biết, diện tích cháy là 12.000m2 khu vực tầng 2 và lực lượng chữa cháy đã bảo vệ được 9.900m2 khu vực tầng 2 và toàn bộ khu vực tầng 1.

Công an TP.HCM đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ cháy.

Lâm Đồng: Rừng thông Đa Nhim bị đốn hạ

Hơn 6.700 m2 rừng thông ba lá tự nhiên đầu nguồn sông Đa Nhim ở huyện Lạc Dương bị đốn hạ, nằm la liệt.

Nhiều gốc thông bị đốn hạ nằm la liệt ở Tiểu khu 132

Nhiều gốc thông bị đốn hạ nằm la liệt ở Tiểu khu 132

Ngày 10/11, Công an huyện Lạc Dương cùng lực lượng kiểm lâm khám nghiệm Tiểu khu 132 thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim và Công ty Thủy điện, du lịch sinh thái Thác Rồng để điều tra vụ phá rừng.

Theo hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương, 6.750 m2 rừng tự nhiên bị phá. Ước tính có gần 100 cây thông bị đốn hạ với hơn 100 m3 gỗ. Các cây bị chặt nhựa còn mới, lá vẫn xanh. Nhiều lóng thông bị đốt bỏ trải dài từ sườn đồi xuống ven suối.

Khu vực rừng bị phá nằm cách Quốc lộ 27C chừng 10 km, đường vào hết sức khó khăn. Một cán bộ quản lý rừng nhận định, có thể nhóm phá rừng với mục đích lấn chiếm đất để sản xuất nông nghiệp.

TP.HCM vay thêm 2.380 tỷ đồng làm dự án môi trường nước

TP.HCM vay 2.380 tỷ đồng từ vốn nước ngoài của Chính phủ để làm dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ, giai đoạn 2.

Hệ thống máy bơm công suất 640.000 m3 trong trạm bơm Đồng Diều, Quận 8 thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ, giai đoạn 2

Hệ thống máy bơm công suất 640.000 m3 trong trạm bơm Đồng Diều, Quận 8 thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ, giai đoạn 2

HĐND TP.HCM thống nhất phương án huy động vốn thực hiện dự án nói trên theo tờ trình của UBND Thành phố tại kỳ họp thứ 22 (kỳ họp chuyên đề) sáng 10/11. Thời gian vay 30 năm, UBND Thành phố sẽ bố trí ngân sách hoặc các nguồn vốn khác trả nợ đúng hạn.

Mục tiêu dự án nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, chống ngập và giải quyết vệ sinh môi trường cho các khu vực trũng của Thành phố và vùng lân cận thuộc lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ; cải thiện vệ sinh môi trường thông qua hệ thống thu gom, xử lý nước thải.

Công trình gồm 6 gói thầu xây lắp chính với tổng mức đầu tư hơn 11.280 tỷ đồng, trong đó, vốn ODA của Nhật gần 9.830 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng của Thành phố hơn 1.450 tỷ đồng.

Dự án thực hiện theo hình thức phân kỳ. Sau khi được phê duyệt, hiệp định vay vốn ODA cho Dự án tiến hành đàm phán, ký kết từng lần. Đến nay, có 3 hiệp định vay vốn được ký kết với giá trị 35.693 triệu yen (hơn 7.800 tỷ đồng).

Tin cùng chuyên mục