Bản tin thời sự sáng 12/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đầu tư 190 tỷ đồng sửa chữa trụ sở UBND TP.HCM; EVN và công ty con gửi ngân hàng hơn 100.000 tỷ đồng; hải quan đấu giá hàng nghìn xe đạp, xe trượt điện Mỹ, giá từ 5,1 tỷ đồng; sẽ trình Quốc hội về thuế tối thiểu toàn cầu vào tháng 10; bắt tạm giam trùm sản xuất tân dược giả ở Sài Gòn…

Đầu tư 190 tỷ đồng sửa chữa trụ sở UBND TP.HCM

Trụ sở HĐND và UBND TP.HCM tại số 86 Lê Thánh Tôn, Quận 1 sẽ được cải tạo với kinh phí gần 190 tỷ đồng nhằm đáp ứng yêu cầu làm việc, hội họp, tiếp khách.

Trụ sở HĐND và UBND TP.HCM

Trụ sở HĐND và UBND TP.HCM

Quyết định trên được HĐND TP.HCM Khóa X thông qua sáng 12/7. Kinh phí từ ngân sách Thành phố, thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025, Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp.

Nơi làm việc của chính quyền TP.HCM được xây dựng năm 1889, hoàn thành năm 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế, mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền bắc nước Pháp. Nhà điêu khắc Louis - Lucien Ruffier đảm nhiệm phần trang trí kiến trúc bên ngoài.

Thời Pháp, tòa nhà có tên là Hotel de ville hay còn gọi là Dinh xã Tây. Đến thời Việt Nam Cộng hòa, tòa nhà có tên là Tòa đô chánh Sài Gòn. Sau năm 1975, nơi này trở thành trụ sở UBND TP.HCM. Đây cũng là công trình có tính biểu tượng của Thành phố.

Khi dự án được triển khai, khối nhà A sẽ được bố trí lại, bổ sung trang thiết bị nội thất cho các phòng làm việc. Khối nhà B sửa chữa, cải tạo các công trình hiện hữu, sân đường nội bộ trong khuôn viên.

Theo UBND TP.HCM, sau hơn 100 năm sử dụng, tòa nhà trụ sở đã bị xuống cấp, hư hỏng, một số phòng làm việc được cải tạo lại có diện tích chưa đảm bảo điều kiện làm việc. Trong đó, mặt tiền khối nhà B xuất hiện vết nứt, sơn nước hoen ố, bong tróc xuống cấp; các cửa gỗ cũ, hư hỏng gây mất thẩm mỹ; bậc cấp các lối vào, thang bộ bị sứt mẻ...

Năm 2020, tòa nhà được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, trụ sở HĐND và UBND TP.HCM đón hơn 50 đoàn với gần 1.500 khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Sở Du lịch cũng đã đề xuất mở cửa đón khách tham quan vào một số dịp trong năm.

EVN và công ty con gửi ngân hàng hơn 100.000 tỷ đồng

Tổng tài sản hợp nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là hơn 666.000 tỷ đồng tính tới cuối năm 2022, trong đó riêng các khoản tiền gửi ngân hàng ghi nhận hơn 100.000 tỷ đồng.

Công nhân điện lực TP.HCM sửa chữa trên đường dây.

Công nhân điện lực TP.HCM sửa chữa trên đường dây.

EVN vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022. Theo đó, đến cuối năm 2022, tổng tài sản của EVN và các công ty con là hơn 666.000 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với đầu năm. Trong đó, riêng các khoản tiền gửi ngân hàng ghi nhận hơn 100.000 tỷ đồng. So với năm trước, quy mô tiền gửi ngân hàng của EVN và các công ty con giảm hơn 30.000 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, các khoản nợ vay và thuê tài chính của EVN và các công ty con ghi nhận hơn 320.000 tỷ đồng tính tới cuối năm 2022. Quy mô nợ phải trả của Tập đoàn là hơn 440.000 tỷ đồng, giảm gần 4% so với đầu năm.

Giữ quy mô tiền gửi ngân hàng lớn giúp EVN ghi nhận khoản doanh thu tài chính hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, giảm bớt phần nào áp lực lãi vay. Năm 2022, Tập đoàn thu về hơn 3.700 tỷ đồng lãi tiền gửi, giảm nhẹ so với mức 4.300 tỷ đồng của năm 2021.

Theo giải thích của EVN, việc duy trì số dư tiền gửi ngân hàng của các đơn vị thành viên do nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao, đòi hỏi các đơn vị phải duy trì số dư đủ trả nợ đến hạn, nhằm đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay thời gian tới.

Ngoài ra, số tiền này được dùng để thanh toán trả nợ cho các nhà cung cấp, thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện mặt trời mái nhà, thủy điện nhỏ vào đầu tháng sau theo các hợp đồng đã ký.

Về hoạt động kinh doanh chính, doanh thu thuần hợp nhất của EVN năm 2022 ghi nhận hơn 463.000 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu bán điện chiếm hơn 98%, còn lại là doanh thu bán sản phẩm và dịch vụ.

Hoạt động tài chính cũng sụt giảm khi ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá thấp hơn 7.000 tỷ đồng so với năm trước. Sau khi trừ đi chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, EVN ghi nhận lỗ thuần hợp nhất từ kinh doanh hơn 19.500 tỷ đồng, trong khi năm trước tập đoàn này vẫn lãi thuần từ kinh doanh hơn 17.800 tỷ đồng. Kết quả, Tập đoàn báo lỗ ròng hợp nhất năm 2022 hơn 20.700 tỷ đồng.

Hải quan đấu giá hàng nghìn xe đạp, xe trượt điện Mỹ, giá từ 5,1 tỷ đồng

Hơn 8.000 tang vật vi phạm hành chính gồm thành phẩm xe đạp các loại, linh kiện xe đạp với giá khởi điểm hơn 5,1 tỷ đồng… đang được cơ quan hải quan thông báo đấu giá.

Hơn 3.000 xe đạp và xe điện scooter hãng Veoride sẽ được hải quan đấu giá trong mấy ngày tới.
Hơn 3.000 xe đạp và xe điện scooter hãng Veoride sẽ được hải quan đấu giá trong mấy ngày tới.

Cục Kiểm tra sau thông quan - Tổng cục Hải quan đang có nhu cầu đấu giá hơn 8.000 sản phẩm, gồm thành phẩm xe đạp các loại, linh kiện xe đạp, sản phẩm dở dang xe đạp chưa hoàn chỉnh. Số này đều là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước.

Theo danh sách, có 4.999 sản phẩm linh kiện xe đạp như 87 bộ chắn bùn trước và sau xe đạp, 439 càng xe đạp, 900 chân xích xe đạp, 775 khung sườn xe đạp, 1.420 lốp xe đạp, 1.378 vành xe đạp.

Đáng chú ý, có 3.220 xe đạp 26" Firmstrong và 700C Firmstrong thành phẩm; 57 xe lướt điện hãng Veoride 10", trị giá lô hàng này theo danh sách của cơ quan hải quan là 5,04 tỷ đồng.

Danh sách còn có 313 xe đạp nam, nữ đã được lắp ráp hoàn thiện, giá từ hơn 346 triệu đồng.

Giá khởi điểm để đấu giá của toàn bộ lô tài sản kể trên là hơn 5,1 tỷ đồng. Khách hàng phải đặt trước 1 tỷ đồng. Cuộc đấu giá sẽ diễn ra bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp vào sáng 19/7.

Sẽ trình Quốc hội về thuế tối thiểu toàn cầu vào tháng 10

Tháng 10, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, dự kiến có hiệu lực đầu năm 2024, theo Tổng cục Thuế.

Sẽ trình Quốc hội về thuế tối thiểu toàn cầu vào tháng 10.Ảnh minh họa

Sẽ trình Quốc hội về thuế tối thiểu toàn cầu vào tháng 10.Ảnh minh họa

Tại Diễn đàn hợp tác về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thông tin về lộ trình chính sách thuế tối thiểu toàn cầu ở Việt Nam.

Thuế này là thỏa thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống lại các tập đoàn đa quốc gia né thuế, có hiệu lực từ 1/1/2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu Euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất.

Ông Minh cho biết, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ vào tháng 6 về việc áp dụng quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu tại Việt Nam. Tháng 10, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua việc áp dụng thuế này, dự kiến có hiệu lực đầu năm sau.

Quốc hội sẽ ban hành chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu, gồm quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) và thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT).

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có 1.015 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp thuế. Trong đó, hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế này khi nó được áp dụng vào 2024. Nếu các nước có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, họ sẽ thu thêm được phần thuế chênh lệch hơn 12.000 tỷ đồng trong năm 2024.

Còn dữ liệu của Tổng cục Thuế cho biết, khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%.

Các doanh nghiệp như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron... với vốn đầu tư đăng ký chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (khoảng 131,3 tỷ USD). Đây là những dự án có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Bắt tạm giam trùm sản xuất tân dược giả ở Sài Gòn

Quách Ngọc Giao cùng đồng phạm lập 20 xưởng ở TP.HCM, Tiền Giang, Long An sản xuất các loại thuốc giả thương hiệu ngoại, bán ra thị trường với giá cao.

Quách Ngọc Giao tại cơ quan điều tra

Quách Ngọc Giao tại cơ quan điều tra

Ngày 12/7, Giao cùng 9 người bị Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.HCM, tạm giữ hình sự để điều tra hành vi Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

Giao cùng đồng phạm khai mua nguyên liệu thuốc từ các công ty dược Việt Nam sản xuất, sau đó đem về thay đổi bao bì, tem, nhãn thuốc thành các loại thuốc ngoại nhập để bán ra thị trường với giá cao. Sau khi sản xuất xong, họ vận chuyển thành phẩm về kho chứa hàng để tiêu thụ.

Trước đó, sau thời gian theo dõi, trinh sát Phòng Cảnh sát kinh tế mật phục, bắt Giao khi đang vận chuyển thùng carton, bên trong có chứa 300 hộp thuốc tân dược Fugacar đi giao cho khách.

Mở rộng điều tra, cảnh sát xác định đây là đường dây sản xuất, tiêu thụ thuốc giả lớn, nên huy động nhiều tổ công tác, khám xét khẩn cấp nơi ở của Giao, kho chứa hàng và 19 điểm tại TP.HCM, Long An, Tiền Giang.

Nhà chức trách phát hiện số lượng lớn thuốc tân dược với các nhãn hiệu nổi tiếng, chuyên dùng để điều trị các bệnh về tim mạch, đường hô hấp, huyết áp...

Theo cơ quan điều tra, hàng nghìn hộp thuốc giả được nhóm này đóng gói thành phẩm, chuẩn bị xuất ra thị trường tiêu thụ, ước tính hàng chục tỷ đồng. Cơ quan điều tra đang mở rộng vụ án.

Gần 500 tỷ đồng làm đẹp bờ sông Phan Thiết

Dãy nhà tạm bợ nhếch nhác ven sông Cà Ty sẽ được giải tỏa để xây bờ kè, công viên và các hạng mục làm đẹp trung tâm Phan Thiết.

Sông Cà Ty chảy qua trung tâm TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận

Sông Cà Ty chảy qua trung tâm TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận

Chủ trương đầu tư Dự án Kè sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm), tổng vốn hơn 486 tỷ đồng được HĐND tỉnh Bình Thuận thông qua chiều 12/7. Công trình sử dụng ngân sách Tỉnh, dự kiến hoàn thành năm 2027, nhằm bảo vệ bờ sông, đảm bảo tiêu thoát lũ, giải quyết ô nhiễm, góp phần chỉnh trang đô thị.

Sông Cà Ty chảy qua trung tâm Phan Thiết bị bồi lắng tại khu vực gần cầu Dục Thanh. Nhiều năm qua người dân còn lấn sông, xây dựng nhà ở bên dưới và trên bờ tự phát gây nhếch nhác. Khu dân cư hiện hữu cũng không có đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật, rác thải bị đổ thẳng xuống sông.

Theo kế hoạch, Dự án sẽ xây dựng nhiều hạng mục dọc bờ sông trên chiều dài 450 m từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm, giáp các đường Bà Triệu, Yersin và Lê Thị Hồng Gấm. Trong đó, có kè bảo vệ bờ sông, đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, chiếu sáng, công viên và các hạng mục phụ trợ khác.

Trước đó, tháng 8/2022, HĐND tỉnh Bình Thuận cũng đã thông qua Dự án xây dựng chung cư Sông Cà Ty (tổng vốn 800 tỷ đồng, quy mô 6 khối nhà cao 8 tầng...) để bố trí tái định cư cho hơn 500 hộ dân sẽ di dời ra khỏi khu vực này.

Khởi tố 4 người môi giới hối lộ đăng kiểm Đà Nẵng

Các nghi phạm bị cáo buộc đã móc nối, nhận tiền từ các chủ xe để hối lộ lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 43-05D.

Bốn người nghe đọc lệnh khởi tố

Bốn người nghe đọc lệnh khởi tố

Chiều 12/7, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu khởi tố Đỗ Tài Hưng, Nguyễn Đức Chính, Nguyễn Đức Tuấn và Huỳnh Ngọc Phúc về tội “Môi giới hối lộ”.

Bốn người bị cáo buộc đã có hành vi cò mồi, móc nối, nhận tiền từ các chủ xe để hối lộ các lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 43-05D nhằm hợp thức hồ sơ cải tạo và cấp giấy chứng nhận cải tạo xe cơ giới trái quy định.

Trước đó ngày 10/2, công an đã khởi tố bị can, tạm giam Hoàng Ngọc Bình, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 43-05D và Nguyễn Thành, Phó giám đốc về tội “Nhận hối lộ”; khởi tố Phạm Đình Hoàng về tội “Môi giới hối lộ”.

Tin cùng chuyên mục