Bản tin thời sự sáng 13/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng có thể vượt mốc 32.000 đồng một lít ngày 13/6; Tổng cục Thuế yêu cầu không trả lại hồ sơ kê khai thuế chuyển nhượng bất động sản; Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt 7.000 tỷ đồng; trên 50.000 phương tiện không đạt tiêu chuẩn khi đăng kiểm…

Giá xăng có thể vượt mốc 32.000 đồng một lít ngày 13/6

Theo các doanh nghiệp đầu mối, giá xăng có thể tăng 600 - 1.000 đồng, vượt 32.000 đồng mỗi lít vào kỳ điều hành ngày 13/6 nếu nhà quản lý không sử dụng Quỹ bình ổn.

Kỳ điều hành ngày 13/6, giá xăng có thể vượt mốc 32.000 đồng/lít

Kỳ điều hành ngày 13/6, giá xăng có thể vượt mốc 32.000 đồng/lít

Theo quy định, kỳ điều hành giá xăng dầu kế tiếp vào ngày 11/6 nhưng vì trùng ngày nghỉ nên được chuyển sang ngày 13/6.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 7/6 với RON 92 là 147,8 USD một thùng, còn RON 95 là 153,62 USD một thùng, tăng mạnh so với chu kỳ trước.

Theo lãnh đạo đầu mối xăng dầu ở TP.HCM cho biết, tuần qua có lúc giá xăng dầu lên cao nhất 13 tuần. Cụ thể, giá dầu thô Brent và WTI của Mỹ có ngày tăng gần 3% lên trên 122 USD một thùng. Do đó, kỳ điều hành này, giá xăng và dầu trong nước tiếp tục tăng cao. Theo bình quân giá hàng nhập về nếu không sử dụng Quỹ bình ổn, giá xăng tăng 600 - 1.000, còn dầu tăng 1.000 - 1.500 đồng. Ngược lại, nếu cơ quan quản lý sử dụng Quỹ, giá xăng sẽ tăng quanh mốc 400 - 600 đồng, còn giá dầu quanh mức 700 đồng một lít.

Đồng quan điểm, lãnh đạo đầu mối xăng dầu Hà Nội cho rằng, kỳ này giá xăng sẽ vượt mốc 32.000 đồng một lít dù cơ quan điều hành có trích hoặc sử dụng Quỹ bình ổn. Với giá dầu, hàng hóa này cũng sẽ tăng cao kỷ lục vì giá nhập diesel có thời điểm lên tới 170 USD một thùng.

Tại thị trường trong nước, kỳ điều hành 1/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 600 đồng, RON 95 tăng 920 đồng và các mặt hàng dầu tăng 310 - 940 đồng một lít.

Sau điều chỉnh RON 95 ở mức 31.570 đồng, E5 RON 92 lên 30.230 đồng một lít. Còn dầu hỏa là 25.340 đồng một lít, dầu diesel lên 26.390 đồng một lít.

Tổng cục Thuế yêu cầu không trả lại hồ sơ kê khai thuế chuyển nhượng bất động sản

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa chỉ đạo cục thuế các địa phương phải tính thuế theo đúng quy định, không được trả lại, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ chuyển nhượng bất động sản.

Tổng cục Thuế yêu cầu các địa phương không trả lại hồ sơ kê khai thuế chuyển nhượng bất động sản

Tổng cục Thuế yêu cầu các địa phương không trả lại hồ sơ kê khai thuế chuyển nhượng bất động sản

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã có Công điện số 08 gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo toàn ngành thuế tiếp tục nâng cao hiệu quả xử lý hồ sơ khai thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cho biết đã nhận được phản ánh vẫn còn hiện tượng cơ quan thuế một số địa phương trả lại hồ sơ kê khai thuế chuyển nhượng bất động sản do nghi ngờ những trường hợp này có dấu hiệu kê khai thấp so với giá giao dịch thực tế.

Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế gần đây đã chỉ đạo các cục thuế đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn tại tại bộ phận một cửa liên thông theo nguyên tắc "tiền phòng hậu kiểm", giúp tổ chức, cá nhân hiểu và thực hiện đúng khi kê khai nghĩa vụ tài chính khi chuyển nhượng bất động sản.

Để đảm bảo đúng nguyên tắc chỉ đạo của Bộ Tài chính "tiền phòng, hậu kiểm", Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị quán triệt "không trả lại hay kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ". Nếu phát hiện rủi ro, ngành thuế sẽ thanh, kiểm tra sau theo quy định tại Luật Quản lý thuế.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt 7.000 tỷ

Các ban quản lý dự án (QLDA) chịu trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nếu không hoàn thành dự án 7.000 tỷ đường sắt Bắc - Nam đúng thời hạn hợp đồng.

Bộ GTVT yêu cầu các ban QLDA khẩn trương thực hiện các giải pháp đẩy tiến độ dự án 7.000 tỷ đường sắt Bắc - Nam.

Bộ GTVT yêu cầu các ban QLDA khẩn trương thực hiện các giải pháp đẩy tiến độ dự án 7.000 tỷ đường sắt Bắc - Nam.

Đây là yêu cầu Bộ GTVT đưa ra tại văn bản mới nhất do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông ký, nhằm đốc thúc tiến độ dự án 7.000 tỷ đường sắt Bắc - Nam, đảm bảo chất lượng, an toàn.

Theo Thứ trưởng Đông, hiện nay, Dự án Gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang (Dự án Vinh - Nha Trang) và Dự án Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (Dự án 129 cầu) thuộc gói 7.000 tỷ đồng đang được các chủ đầu tư và đơn vị thi công tập trung triển khai để hoàn thành theo kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạng mục công trình, gói thầu chậm, dẫn đến dự án có khả năng không đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Để hoàn thành dự án đảm bảo chất lượng và tiến độ, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA 85 khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các địa phương để sớm bàn giao mặt bằng còn lại theo tiến độ đã cam kết tại các ga Xuân Sơn Nam, Tam Thành, Đông Tác; các hạng mục đường gom thuộc Tuy Hòa, Đà Nẵng...

Đồng thời có giải pháp để giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); linh hoạt trong việc áp dụng một số giải pháp đẩy nhanh công tác GPMB như phương án tạm cư, hỗ trợ địa phương trong việc di dời nhà...

Phía Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT chỉ đạo khẩn trương rà soát, đẩy nhanh các thủ tục cấp phép điểm chạy chậm, điểm phong tỏa, đáp ứng tiến độ thi công; xem xét vận tốc cho phép chạy tàu và các biện pháp an toàn để rút ngắn thời gian chạy tàu công trình...

Một doanh nghiệp tư nhân đề xuất đầu tư hơn 100 nghìn tỷ xây cảng biển tại Nam Định

Bến cảng được đề xuất quy hoạch xây dựng tại khu vực bờ biển huyện Nghĩa Hưng (Nam Định).

Tổng nguồn vốn đầu tư cho bến cảng Xuân Thiện giai đoạn mở đầu dự kiến khoảng 106.673 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Tổng nguồn vốn đầu tư cho bến cảng Xuân Thiện giai đoạn mở đầu dự kiến khoảng 106.673 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Công ty CP Xuân Thiện Nam Định vừa đề nghị bổ sung Bến cảng chuyên dùng Xuân Thiện vào Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc (Nhóm 1).

Theo đề xuất của công ty này, Bến cảng được quy hoạch xây dựng tại khu vực bờ biển huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), có vị trí không gian từ cửa Lạch Giang đến cửa Đáy.

Về quy mô, trong giai đoạn đầu (đến năm 2030), Công ty đề xuất quy hoạch 18 bến cảng, 3 bến tổng hợp cho tàu 50.000 DWT, 1 bến chuyên dùng LNG cho tàu đến 150.000 DWT, 6 bến chuyên dùng nhập thép và hàng khác cho tàu 50.000 - 100.000 DWT, 2 bến nhập than và các loti quặng cho tàu đến 300.000 DWT, 6 bến xuất sản phẩm thép cho tàu đến 50.000 DWT.

Quy mô bến giai đoạn mở đầu đáp ứng công suất nhu cầu hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển khoảng 30,6 - 31,1 triệu tấn.

Trong giai đoạn hoàn thiện, quy mô bến cảng sẽ lên tới 57 bến cảng, để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển khoảng 86,8 đến 87,3 triệu tấn.

Tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn mở đầu dự kiến khoảng 106.673 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp và nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Công ty CP Xuân Thiện Nam Định thuộc Tập đoàn Xuân Thiện. Doanh nghiệp này ra đời với mục tiêu đầu tư một số dự án thép tại Nghĩa Hưng, Nam Định.

Thu giữ 45.000 lít dầu thải bị thu giữ tại Nghệ An

Công an vừa thu giữ 45.000 lít dầu thải ở xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An) do không có giấy tờ hợp lệ về việc tái chế dầu thải.

Khu vực xưởng tái chế dầu thải

Khu vực xưởng tái chế dầu thải

Công an huyện Nghĩa Đàn cho biết, đơn vị này ập vào cơ sở tái chế dầu thải trái phép ở xã Nghĩa Trung rộng hàng nghìn mét vuông. Trong nhà kho, Công an huyện Nghĩa Đàn phát hiện 20.000 lít dầu thải chưa tái chế; 25.000 lít dầu đã thành phẩm. Tất cả không có giấy tờ hợp lệ về việc tái chế dầu thải.

Chủ cơ sở bước đầu khai dầu thải được thu mua tại các xưởng sửa chữa ôtô trên địa bàn Nghệ An và lân cận. Từ dầu thải, cơ sở sẽ chưng cất thành phẩm. Hàng sau đó sẽ bán cho người có nhu cầu giá 12.000 - 13.000 đồng/lít.

Các lực lượng chức năng đang mở rộng vụ án.

Tin cùng chuyên mục