Bản tin thời sự sáng 15/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội rút ngắn khoảng cách giữa hai mũi tiêm vaccine AstraZeneca; tiếp tục đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang, đồng phạm sai phạm tại IPC, Sadeco; người dân được tự nhập thông tin tiêm chủng trên PC-Covid, Sổ Sức khỏe điện tử; đề xuất đầu tư công đoạn cao tốc qua Hà Tĩnh; hơn 5.700 người bị địa ốc Alibaba lừa mua dự án "ma"…

Hà Nội rút ngắn khoảng cách giữa hai mũi tiêm vaccine AstraZeneca

Sở Y tế Hà Nội vừa đồng ý với đề xuất của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) phương án rút khoảng cách giữa 2 mũi vaccine AstraZeneca về còn tối thiểu 4 tuần.

Tiêm vaccine AstraZeneca ở Hà Nội

Tiêm vaccine AstraZeneca ở Hà Nội

Trước đó, người đã tiêm mũi một vaccine AstraZeneca ở Hà Nội phải chờ tới 8 tuần trở lên mới tiêm mũi hai.

Theo CDC Hà Nội, phương án rút ngắn này nhằm hoàn thành việc tiêm mũi hai cho người dân nhanh nhất, an toàn và hiệu quả, đáp ứng công tác phòng chống dịch, tạo miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất.

Đề xuất này cũng dựa trên hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương với Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19. Theo đó, với vaccine AstraZeneca, Viện đề nghị triển khai tiêm trả mũi hai sau mũi một từ 4 tuần trở lên.

Cuối tháng 9, trong công văn trả lời đề xuất của tỉnh Long An và Sở Y tế TP.HCM, Bộ Y tế cho phép các địa phương tự quyết định việc rút ngắn khoảng cách hai mũi tiêm vaccine AstraZeneca, song phải dựa trên khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhà sản xuất.

Hà Nội đã được Bộ Y tế phân bố hơn 11,4 triệu liều vaccine. Đến sáng 14/11, Thành phố tiêm được 11,04 triệu liều cho hơn 6,11 triệu người, trong đó, 4,9 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi.

CDC Hà Nội cho biết, tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 mũi một cho người dân từ 18 tuổi trở lên đã đạt khoảng 93% tuy nhiên chỉ mới gần 70% số này được tiêm đủ 2 mũi. Đặc biệt, ở nhóm người trên 50 tuổi, tiêm vaccine mũi một và mũi hai lại thấp hơn các nhóm khác.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, hiện còn khoảng một triệu người trên 50 tuổi tại Thành phố đang chờ đến thời hạn được tiêm mũi hai, bắt đầu từ ngày 15/11.

Tiếp tục đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang, đồng phạm sai phạm tại IPC, Sadeco

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM giữ nguyên cáo buộc cựu Phó Bí thư Thành ủy Tất Thành Cang cùng 19 người gây thất thoát hơn 1.100 tỷ đồng tại Sadeco.

Ông Tất Thành Cang lúc bị khởi tố

Ông Tất Thành Cang lúc bị khởi tố

Ngày 14/11, Công an TP.HCM hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ sang VKS cùng cấp, đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang và 19 người về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Trong đó, Tề Trí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Sadeco, tổng giám đốc IPC) và 6 bị can bị cáo buộc thêm tội Tham ô tài sản.

Động thái này được đưa ra sau thời gian điều tra bổ sung theo đề nghị của TAND TP.HCM 2 tháng trước, về việc làm rõ lời khai của các bị can và một số tình tiết vụ án.

Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra cho rằng đã thực hiện đầy đủ các nội dung yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, cơ bản các bị can đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố; đảm bảo tài liệu, chứng cứ.

Do đó, Công an TP.HCM đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho VKS cùng cấp, giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố 20 bị can về các tội danh đã nêu tại bản kết luận điều tra bổ sung lần 2, hồi cuối tháng 7.

Công an TP.HCM xác định ông Tất Thành Cang có chức vụ cao nhất trong các bị can bị khởi tố, có tầm ảnh hưởng lớn, có vai trò đầu vụ. Ông Cang khi là Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM đã có bút phê đồng ý để Sadeco phát hành 9 triệu cổ phiếu và bán cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần mà không qua đấu giá, thẩm định giá theo quy định.

Cơ quan điều tra xác định, giá phát hành cổ phần của Sadeco thấp hơn giá trị thực rất nhiều, do Tề Trí Dũng sử dụng kết quả thẩm định giá của HSC - doanh nghiệp không có chức năng thẩm định, khiến tài sản của Sadeco bị đánh giá thấp gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước.

Người dân được tự nhập thông tin tiêm chủng trên PC-Covid, Sổ Sức khỏe điện tử

PC-Covid và Sổ Sức khỏe điện tử được bổ sung chức năng cho phép người dân tự nhập thông tin tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên phiên bản sắp tới của các ứng dụng.

Người dân sẽ được tự bổ sung thông tin tiêm chủng của mình trên ứng dụng PC-Covid và Sổ Sức khỏe điện tử

Người dân sẽ được tự bổ sung thông tin tiêm chủng của mình trên ứng dụng PC-Covid và Sổ Sức khỏe điện tử

Theo Bộ Y tế, hiện cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu mũi vaccine, tuy nhiên, nhiều người dân mặc dù đã được tiêm nhưng hiện vẫn còn thiếu, không có hoặc sai thông tin về tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, làm ảnh hưởng đến việc xác định thông tin về tiêm chủng cho công dân.

Bộ Y tế (chủ quản ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử) và Bộ Thông tin và Truyền thông (chủ quản ứng dụng PC-Covid) thống nhất sẽ bổ sung chức năng cho phép người dân nhập thông tin tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên các ứng dụng PC-Covid và Sổ Sức khỏe điện tử.

Theo đó, sắp tới khi Google và Apple duyệt phiên bản cập nhật mới của các ứng dụng PC-Covid, Sổ Sức khỏe điện tử, trường hợp thông tin mũi tiêm chưa chính xác và đầy đủ thì người dùng có thể tự khai thông tin ở mục “Đề xuất sửa thông tin tiêm chủng”.

Khi đó, thông tin tiêm chủng do người dân tự nhập, đề xuất sửa sẽ được hiển thị trên ứng dụng PC-Covid/ Sổ Sức khỏe điện tử và chuyển về Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 để triển khai các công việc xác minh, chuẩn hóa thông tin.

Việc bổ sung chức năng cho phép người dân nhập thông tin tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên các ứng dụng PC-Covid và Sổ Sức khỏe điện tử là một trong những giải pháp được các cơ quan chức năng triển khai để khắc phục tình trạng sai sót, thiếu các dữ liệu tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

Đề xuất đầu tư công đoạn cao tốc qua Hà Tĩnh

Bộ Giao thông vận tải dự kiến triển khai đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng theo hình thức PPP, song tỉnh Hà Tĩnh đề xuất đầu tư công.

Xã Thanh Bình Thịnh (huyện Đức Thọ) điểm cuối của cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, là điểm đầu cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi

Xã Thanh Bình Thịnh (huyện Đức Thọ) điểm cuối của cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, là điểm đầu cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi

Đầu tháng 11, Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có 4 dự án triển khai theo hình thức đối tác công tư PPP gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang (Phú Yên, Khánh Hòa). Ngoài ra, có 8 dự án khác đầu tư công để nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc Nam.

Trong 4 dự án PPP, đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi dài 36 km, tổng mức đầu tư 7.588 tỷ đồng và đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng dài 54 km, tổng mức đầu tư 10.707 tỷ đồng. Các đoạn cao tốc này sẽ kết nối tiếp với cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đang được triển khai theo hình thức PPP.

Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, mới đây UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kiến nghị Chính phủ đầu tư hai đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng theo phương thức đầu tư công và chỉ đạo các bộ, ngành sớm hoàn thiện thủ tục để khởi công trong năm 2022.

Hiện trong 3 dự án đầu tư PPP cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 - 2020 có cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An - Hà Tĩnh) gặp khó khăn trong huy động vốn đầu tư. Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư đang nỗ lực tìm giải pháp, thuyết phục ngân hàng cho vay trong thời gian tới.

Dự kiến sẽ khởi công nâng cấp sân bay Điện Biên vào đầu năm 2022

Dự án Đầu tư xây dựng, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên dự kiến sẽ khởi công ngay đầu năm 2022, hoàn thành, đưa vào khai thác sau 30 tháng.

Cảng hàng không Điện Biên hiện chỉ đón được tàu bay nhỏ ATR 72 và tương đương

Cảng hàng không Điện Biên hiện chỉ đón được tàu bay nhỏ ATR 72 và tương đương

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) Đỗ Tất Bình cho biết, ngày 27/3/2021, Thủ tướng có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.

Theo đó, ACV sẽ đầu tư mới công trình khu bay đáp ứng khai thác máy bay A320, A321 và tương đương; cải tạo nhà ga hiện hữu đáp ứng công suất 500.000 hành khách/năm; cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ.

Tổng vốn đầu tư Dự án hơn 1.547 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm. Theo quyết định của Thủ tướng, 34 tháng kể từ khi chấp thuận chủ trương, ACV phải hoàn thành việc đầu tư Dự án.

Ngay khi có chủ trương, ACV triển khai các bước tiếp theo để có thể đẩy nhanh tiến độ Dự án; hiện đã hoàn tất công tác khảo sát, lập báo cáo khả thi Dự án và trình các cơ quan chuyên môn thẩm định về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Đại diện ACV cho biết, doanh nghiệp này đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng, hoàn tất các thủ tục để có thể sớm khởi công Dự án ngay đầu năm 2022.

Hơn 5.700 người bị địa ốc Alibaba lừa mua dự án "ma"

Chủ tịch Công ty CP Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện cùng 22 đồng phạm bị cáo buộc lừa khoảng 5.700 người mua dự án "ma", chiếm đoạt gần 2.500 tỷ đồng.

Nguyễn Thái Luyện lúc bị Công an TP.HCM bắt

Nguyễn Thái Luyện lúc bị Công an TP.HCM bắt

Ngày 14/11, Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền.

Động thái này được đưa ra sau khi có thêm hàng nghìn người đến trình báo theo kêu gọi của cơ quan điều tra giữa tháng 10. Tính đến nay, vụ án có hơn 5.700 bị hại - nhiều hơn 1.600 người so với giai đoạn đầu điều tra.

Kết luận điều tra lần này cũng bổ sung kết quả giám định, xác định 257 miếng kim loại màu vàng có chữ Địa ốc Alibaba thu được trong quá trình khám xét công ty này là vàng, trị giá gần 750 triệu đồng.

Tổng cộng, Công an TP.HCM đã kê biên 650 thửa đất có diện tích hơn 447 ha, tổng giá trị theo kết quả giám định gần nhất là hơn 1.500 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, anh em, vợ chồng Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã lập ra hàng chục pháp nhân công ty, dựng lên 58 dự án "ma" tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận. Nhóm này tự đặt tên, phân lô, tách thửa rồi quảng cáo bán.

Luyện và cấp dưới dùng chiêu huy động vốn theo hình thức đa cấp, sử dụng đất nền trong dự án không có thật làm mồi nhử. Khi bán cho các nạn nhân, địa ốc Alibaba hứa hẹn mua lại đất nền giá cao hơn với lợi nhuận 30% chỉ sau một năm, hoặc có lãi ngay sau khi mua và tăng dần theo thời gian. Tổng cộng, có 4.100 khách hàng đã chuyển cho nhóm Luyện hơn 2.500 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục