Bản tin thời sự sáng 15/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giám đốc Hacinco mắc Covid-19 bị đình chỉ chức vụ; vải thiều Thanh Hà chính thức lên sàn thương mại điện tử; đề xuất bỏ trần giá vé, hãng được tự quyết định trên đường bay cạnh tranh; đề xuất tăng vốn đầu tư nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm lên gần 2.000 tỷ đồng; sân bay Nội Bài điều chỉnh tạm thời phương án khai thác nhà ga T1...

Giám đốc Hacinco mắc Covid-19 bị đình chỉ chức vụ

Ông Nguyễn Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng nhà số 2 Hà Nội (Hacinco), bị tạm đình chỉ chức vụ từ 14/5.

CT7 chung cư Boo Young, nơi cư trú của F1 liên quan "bệnh nhân 3634" bị phong tỏa

CT7 chung cư Boo Young, nơi cư trú của F1 liên quan "bệnh nhân 3634" bị phong tỏa

Chiều 14/5, ông Trương Hải Long - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico), cho biết Tổng công ty đã ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Thanh để xem xét trách nhiệm liên quan đến việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng ngày, trên cơ sở đề nghị của Ban thường vụ Đảng ủy Handico, Thành ủy Hà Nội đình chỉ sinh hoạt cấp ủy của ông Thanh trong 90 ngày. Ngoài chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng nhà số 2 Hà Nội (Hacinco), ông Thanh còn là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Handico.

Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Handico kiểm điểm trách nhiệm của Ban Thường vụ; nghiêm túc kiểm điểm tập thể, cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu liên quan đến quan đến vi phạm của ông Thanh trong công tác phòng chống dịch.

Ông Thanh là "bệnh nhân 3634", sống tại tòa nhà Center Point, 27 Lê Văn Lương, Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Hai vợ chồng ông Thanh từng đi du lịch tại Đà Nẵng từ 30/4 đến 2/5.

Theo báo cáo của Handico, vợ chồng ông Thanh đi Đà Nẵng trong thời gian trên, tuy nhiên, không thực hiện các biện pháp tự cách ly theo dõi khi có lịch trình đến vùng dịch nguy cơ lây nhiễm cao, đồng thời có một thời gian biểu làm việc nhiều nơi và di chuyển dày đặc từ khi trở về từ Đà Nẵng đến ngày 12/5.

Vải thiều Thanh Hà chính thức lên sàn thương mại điện tử

Lazada dự kiến phân phối vải thiều Thanh Hà với hình thức giao hàng nhanh trong 4 giờ đến tận tay người tiêu dùng tại Hà Nội và TP.HCM để đảm bảo tối đa sự tươi ngon và hương vị đặc trưng.

Vải thiều Thanh Hà chính thức lên sàn thương mại điện tử

Vải thiều Thanh Hà chính thức lên sàn thương mại điện tử

Từ ngày 14/5, vải thiều Thanh Hà sẽ chính thức mở bán trên sàn thương mại điện tử Lazada với giá ưu đãi cùng chính sách hỗ trợ giao hàng 4h nhanh chóng. Song song đó, Lazada cũng sẽ triển khai các hoạt động quảng bá sản phẩm tới hàng triệu người dùng.

Theo đó, Lazada là đơn vị đầu tiên chính thức đưa vải thiều Thanh Hà lên nền tảng thương mại điện tử. Lazada dự kiến phân phối vải thiều Thanh Hà, với hình thức giao hàng nhanh trong 4h đến tận tay người tiêu dùng tại Hà Nội và TP.HCM để đảm bảo tối đa sự tươi ngon và hương vị đặc trưng của loại đặc sản này.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết việc đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử là một nỗ lực lớn của các bên. Cục Xúc tiến Thương mại đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử kết nối với các chuỗi cung ứng, đảm bảo hệ thống hậu cần (kho bãi) đáp ứng yêu cầu kinh doanh trên nền tảng này. Động thái trên giúp tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương.

Đề xuất bỏ trần giá vé, hãng được tự quyết định trên đường bay cạnh tranh

Với đường bay nội địa có từ 3 hãng hàng không tham gia khai thác, hãng sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá.

Đề xuất cho các hãng được tự quyết định giá vé trên đường bay cạnh tranh

Đề xuất cho các hãng được tự quyết định giá vé trên đường bay cạnh tranh

Đó là đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam nêu trong Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng, đang lấy ý kiến sửa đổi Điều 116 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không.

Cụ thể, với đường bay nội địa có từ 3 hãng hàng không tham gia khai thác, hãng hàng không sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định.

Với đường bay nội địa có sự tham gia khai thác cả dưới 3 hãng bay, hãng hàng không sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản không vượt mức tối đa (trần giá vé) và thực hiện kê khai giá theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải.

Đề xuất trên của Cục Hàng không Việt Nam thể hiện rõ việc quan điểm bỏ trần giá vé với các đường bay nội địa có tính cạnh tranh cao.

Vé máy bay nội địa hạng phổ thông đang được Nhà nước quy định giá trần theo cự ly từng đường bay. Theo đó, các hãng hàng không xây dựng dải giá với nhiều mức, tương ứng với các điều kiện, giai đoạn khai thác khác nhau.

Hiện nay, Việt Nam có 6 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines. Nhiều hãng bay tham gia thị trường nội địa nên tính cạnh tranh rất cao.

Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý hàng không cho rằng, việc áp dụng trần giá vé sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ, bởi hiện nay có nhiều đối tượng hành khách có nhu cầu sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần để sử dụng dịch vụ hàng không tương xứng. Bỏ trần giá vé sẽ giúp các hãng hàng không chủ động hơn trong việc triển khai dải giá vé linh hoạt theo từng giai đoạn.

Đề xuất tăng vốn đầu tư nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm lên gần 2.000 tỷ đồng

Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch ở Thủ Thiêm (TP.HCM) được đề xuất tăng vốn đầu tư từ hơn 1.508 tỷ đồng lên gần 2.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện Dự án trong giai đoạn 2018 - 2024.

Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch sẽ được xây tại Khu chức năng số 1 của Khu đô thị Thủ Thiêm, cách trung tâm thành phố khoảng 300 m

Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch sẽ được xây tại Khu chức năng số 1 của Khu đô thị Thủ Thiêm, cách trung tâm thành phố khoảng 300 m

Kiến nghị trên được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM (chủ đầu tư) đề cập trong báo cáo tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm gửi UBND Thành phố. Hiện nay, việc thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình đã hoàn thành.

Theo đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM đề xuất UBND Thành phố tăng tổng mức đầu tư Dự án lên 1.988 tỷ đồng, điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án trong giai đoạn 2018 - 2024. Kế hoạch trước đó, công trình dự kiến khởi công và hoàn thành trong năm 2021 - 2022.

Dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch có vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, nằm ở khu chức năng số 1 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức). Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ.

Vị trí nhà hát được xây tại góc cầu Thủ Thiêm 2 (hướng từ Quận 1 qua Thủ Thiêm), kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ bằng cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn. Ngoài nhà hát, nơi đây còn có các công trình quan trọng như: Quảng trường trung tâm; Trung tâm hội nghị triển lãm; Trung tâm triển lãm quy hoạch, Bảo tàng...

Sân bay Nội Bài điều chỉnh tạm thời phương án khai thác nhà ga T1

Theo thống kê của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, sản lượng vận chuyển hàng không tại cảng giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động đến nhu cầu đi lại của người dân.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sân bay Nội Bài có những thời điểm nhà ga vắng hành khách đi máy bay

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sân bay Nội Bài có những thời điểm nhà ga vắng hành khách đi máy bay

Do dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới kế hoạch bay của các hãng hàng không, để đảm bảo hiệu quả khai thác, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài điều chỉnh tạm thời phương án khai thác vận chuyển hành khách tại nhà ga T1.

Cụ thể, từ ngày 17/5, cảng hàng không lớn nhất miền Bắc này sẽ điều chỉnh tạm thời các chuyến bay đi và đến tại khu vực sảnh E sang khai thác tại sảnh A, B-nhà ga hành khách T1.

Theo đó, kế hoạch khai thác quầy thủ tục tại sảnh A gồm hãng hàng không Vietjet Air khai thác 14 quầy từ quầy A01-A14; Bamboo Airways khai thác 15 quầy từ quầy A15-A29, Viettravel Airlines được linh hoạt bố trí 3 quầy từ quầy A30-A32 khi hãng có nhu cầu. Hãng hàng không Hải Âu sẽ được bố trí linh hoạt quầy thủ tục tại sảnh A khi hãng có nhu cầu.

Tại sảnh B, hãng hàng không Pacific Airlines khai thác 4 quầy thủ tục từ B15-B18. Vietnam Airlines và Vasco được phân bổ 28 quầy thủ tục từ B1-B14, B19-B32.

Tàu khách tuyến Bắc Nam SE7 bị trật bánh

Tàu khách tuyến Bắc Nam SE7 từ Hà Nội, bị trật bánh tại Thanh Hóa lúc hơn 11h ngày 14/5.

Toa tàu tuyến Bắc Nam SE7 bị trật bánh trưa 14/5

Toa tàu tuyến Bắc Nam SE7 bị trật bánh trưa 14/5

Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, Toa số 10 của tàu SE7 trật bánh khỏi đường ray tại khu gian Thị Long - Văn Trai, tỉnh Thanh Hóa, không có thiệt hại về người, một số thiết bị đường sắt và toa xe hư hỏng.

Ngay sau sự cố, đoạn đường sắt qua Thanh Hóa được phong tỏa, ngành tổ chức cứu viện. Sau hai giờ xử lý, hành khách được dồn lên 9 toa tàu để tiếp tục hành trình lúc 13h24, chậm hơn 2 giờ so với kế hoạch.

Lực lượng cứu hộ tiếp tục đưa toa số 10 bị trật bánh ra khỏi hiện trường, đoạn đường sắt qua Thanh Hóa được thông đường lúc 15h.

Theo VNR, hành khách đi tàu giảm sút do ảnh hưởng của Covid-19. Mỗi ngày đơn vị này chỉ vận hành 2 đôi tàu Bắc Nam nên các đoàn tàu không bị ảnh hưởng do sự cố trật bánh.

Nhân viên ở 14 cảng hàng không đã được tiêm phòng vaccine COVID-19

Cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại hàng loạt các cảng hàng không đã được tổ chức tiêm phòng vaccine phòng chống dịch COVID-19 để tạo sự tin tưởng, yên tâm cho hành khách đi máy bay.

Cán bộ, công nhân viên sân bay tại đã được tiêm vaccine phòng COVID-19

Cán bộ, công nhân viên sân bay tại đã được tiêm vaccine phòng COVID-19

Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, đến thờ điểm hiện tại, có 14/21 cảng hàng không trực thuộc đã tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho cán bộ, nhân viên. Đây là những người trực tiếp tiếp xúc với hành khách, hàng lý và hàng hóa, có nguy cơ lây nhiễm cao.

Cụ thể, các Cảng hàng không đã tiêm vaccine cho nhân viên của ACV gồm Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Vinh, Phú Quốc, Phú Bài, Cần Thơ, Phù Cát, Pleiku, Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Côn Đảo, Cam Ranh, Rạch Giá và Đồng Hới.

Đến cuối tháng 5 này, các đơn vị Cảng hàng không Cát Bi, Chu Lai, Cà Mau sẽ tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho cán bộ, nhân viên.

Việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho cán bộ, nhân viên của các cảng hàng không đã góp phần bảo vệ an toàn cho sức khỏe của cho cán bộ công nhân viên của cảng và trong công tác phòng chống dịch tại các tỉnh, thành phố, tạo sự tin tưởng, yên tâm cho hành khách đi máy bay.

Tin cùng chuyên mục