Bản tin thời sự sáng 17/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Chính trị thi hành kỷ luật ông Lê Viết Chữ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi. 

1. Bộ Chính trị thi hành kỷ luật ông Lê Viết Chữ bằng hình thức Cảnh cáo

Ngày 16/6/2020, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị để xem xét, thi hành kỷ luật ông Lê Viết Chữ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị nhận thấy: 

Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh:Báo Thanh tra

Với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, ông Lê Viết Chữ chịu trách nhiệm chính về vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020 và của Ban cán sự đảng, Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 trong việc cho chủ trương, quyết định điều động, bổ nhiệm, luân chuyển và giới thiệu cán bộ ứng cử, cử cán bộ, công chức, sinh viên tốt nghiệp đại học của tỉnh đi công tác, học tập ở nước ngoài không đúng tiêu chuẩn; chủ trương đầu tư một số dự án lớn từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, cho thuê đất và giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu giá quyền sử dụng đất; ký văn bản về chủ trương bổ sung dự án vào danh mục dự án đầu tư công trung hạn để hỗ trợ dự án đầu tư của doanh nghiệp, chủ trương tăng vốn điều lệ, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tạm ứng trước ngân sách nhà nước để thực hiện dự án; ký văn bản và trực tiếp chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp không đúng thẩm quyền Ban Thường vụ, Thường trực, Bí thư Tỉnh ủy… Những việc làm trên của ông Lê Viết Chữ đã vi phạm Quy chế làm việc của Tỉnh ủy và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Vi phạm, khuyết điểm của ông Lê Viết Chữ là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương và cá nhân đến mức cần phải xử lý kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng. Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Viết Chữ bằng hình thức Cảnh cáo./

2. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành quyết định về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2020 - 2025.

Hội đồng có chức năng tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện liên kết vùng, phát triển bền vững ĐBSCL. 

Về chức năng, Hội đồng điều phối vùng là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thực hiện chức năng tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện liên kết vùng, phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH bao gồm cả phát triển vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.

Về cơ cấu tổ chức, Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Phó Chủ tịch Thường trực là Bộ trưởng Bộ KH&ĐT; các Phó Chủ tịch gồm: Bộ trưởng Bộ TN&MT; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Bộ trưởng Bộ GTVT.

Các nội dung, lĩnh vực hoạt động điều phối liên kết vùng, phát triển bền vững thích ứng với BĐKH bao gồm: Liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Điều phối phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Điều phối thực hiện quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các hoạt động, liên kết khác quy định tại Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ và nội dung, lĩnh vực khác theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ.

3. Hạn chế tình trạng cào bằng trong hỗ trợ doanh nghiệp

Sáng 16/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế, bởi nhóm này chiếm đến đến 97% tổng số doanh nghiệp, đóng góp trên 45% GDP, tạo việc làm cho 51% lao động

Dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội thế giới và trong nước. Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác theo hướng kịp thời, đúng đối tượng, nhằm đạt được mục tiêu về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp….

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế, bởi nhóm này chiếm đến đến 97% tổng số doanh nghiệp, đóng góp trên 45% GDP, tạo việc làm cho 51% lao động. Đồng thời, đây cũng là những doanh nghiệp còn yếu và thiếu toàn diện về nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, năng lực quản lý và khả năng tiếp cận tín dụng. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng nên có chính sách hỗ trợ đối với cả doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với quan điểm coi việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác là chính sách để giải quyết tình thế, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc áp dụng giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người sẽ dẫn đến tình trạng thiếu công bằng. “Việc áp dụng như đã nêu trên sẽ tạo ra chính sách cào bằng chung, cá mè một lứa, không công bằng trong tình hình thực tiễn khác nhau của hoạt động sản xuất kinh doanh”.

4. Chưa doanh nghiệp nào vay được gói 16.000 tỷ đồng để trả lương cho nhân viên

Sau hơn 1 tháng triển khai, đến nay chưa doanh nghiệp nào vay được gói tín dụng 16.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Đây là thông tin được ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, cho biết tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngành ngân hàng nửa đầu năm, tổ chức sáng 16/6 tại TP.HCM.

Sẽ sửa đổi, điều chỉnh quy định liên quan đến gói 16.000 tỷ đồng để doanh nghiệp tiếp cận được.

Gói tín dụng 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0%/năm cho doanh nghiệp vay để trả cho người lao động ngừng việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được triển khai theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định số 15) của Thủ tướng.

Tuy nhiên, điều kiện để phê duyệt doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn là có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ 1/4 đến hết 30/6. Doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả cho người lao động ngừng việc. Đặc biệt, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019… Trên thực tế các điều kiện tiếp cận khoản vay này không dễ nên chưa ai đáp ứng được.

Để tháo gỡ khó khăn này, vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tiêu chí để doanh nghiệp tiếp cận được. Hiện, hai cơ quan trên đã trình Chính phủ sửa đổi quyết định số 15 theo hướng giải ngân được gói tín dụng này nhằm sớm hỗ trợ doanh nghiệp.

5. Thông xe quốc lộ 217 kết nối giao thông Bắc Trung Bộ với Lào

Sáng 16/6, dự án nâng cấp và mở rộng Quốc lộ (QL) 217 nối với vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng đã chính thức thông xe, nối thông khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hoá) với Lào qua của khẩu quốc tế Na Mèo.

Với việc hoàn thành giai đoạn 2, QL217 chính thực được hoàn thành toàn tuyến, nối thông các cảng biển và khu kinh tế khu vực Bắc Trung Bộ với Lào qua cửa khẩu Na Mèo.

Dự án nâng cấp và mở rộng QL217 thuộc Dự án nâng cấp mạng lưới Giao thông (GMS) phía bắc lần 2, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.673 tỷ đồng, do ADB tài trợ và vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án gồm phần đường nâng cấp QL217 dài hơn 45km, và cầu vượt nút giao với QL1A và đường sắt bắc Nam (đoạn qua Hà Trung). Dự án thực hiện và hoàn thành sau 2 năm thi công, nối thông với giai đoạn 1 dài 91km đã đưa vào khai thác năm 2016. Dự án được thực hiện tại các huyện Hà Trung, huyện Cẩm Thủy, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.

QL 217 có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối với QL 1A tại Hà Trung với cửa khẩu Na Mèo và liên kết với các tuyến QL 6, 6A, 6B phía Lào, tạo kết nối vùng Bắc Trung bộ của Việt Nam với vùng Đông Bắc Lào, tạo điều kiện để hàng hóa từ các cảng biển Việt Nam (Nghi Sơn, Hải Phòng, Vũng Áng…) thông thương, rút ngắn thời gian, chi phí đi lại với Lào, cũng như các nước trong khu vực Tiểu vùng Mê Kông. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực kinh tế trọng điểm mở ra tuyến đường kết nối từ khu kinh tế biển Nghi Sơn đi các huyện vùng núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo và kết nối với Lào.

6. Phát triển TP. Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ

Xây dựng TP. Vinh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, là trung tâm vùng Bắc Trung bộ về các lĩnh vực tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ, xã hội phát triển, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Một góc TP. Vinh, tỉnh Nghệ An

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2023, về phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (theo giá so sánh 2010) bình quân đạt khoảng 10-11%/năm giai đoạn 2020-2023. Tổng giá trị gia tăng (theo giá hiện hành) chiếm khoảng 25 - 30% tổng GDP của tỉnh; giá trị gia tăng bình quân đầu người đạt khoảng 141,7 triệu đồng.

Về phát triển xã hội, thành phố Vinh phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm còn dưới 0,25% và giảm nghèo bền vững đối với những hộ cận nghèo. Tỷ lệ qua đào tạo đạt trên 70%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 46%.

Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển các ngành, lĩnh vực, trong đó về phát triển thương mại, xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm thương mại của vùng Bắc Trung bộ với chức năng đầu mối xuất, nhập khẩu, tập kết, trung chuyển, phân phối, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ; là trung tâm xúc tiến, giao dịch thương mại và các dịch vụ khác theo quy hoạch.

Tin cùng chuyên mục