Bản tin thời sự sáng 19/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lên 10 làn xe; nhà hàng ở Mã Pì Lèng bị yêu cầu dừng hoạt động; hãng bay phải luân chuyển, không để tàu bay nằm sân quá một tháng; 30.000 tỷ đồng nâng cấp 11 đường kết nối Long An - TP.HCM…

Đề xuất mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lên 10 làn xe

Chủ đầu tư cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đề xuất mở rộng tuyến đường này lên 8 - 10 làn xe do nguy cơ quá tải trong 2 năm tới.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thường ùn tắc chiều về Hà Nội vào ngày cao điểm

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thường ùn tắc chiều về Hà Nội vào ngày cao điểm

Ngày 18/1, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, theo thiết kế và phương án tài chính cao tốc này mãn tải vào năm 2031, song những năm gần đây lưu lượng xe tăng nhanh nên sẽ sớm quá tải.

Việc mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từ 6 làn hiện nay lên 8 - 10 làn xe là cấp thiết và có thuận lợi là doanh thu khả thi về phương án tài chính. Nếu được đầu tư mở rộng và hoàn thành vào năm 2025, sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc trong những năm tới.

Đến nay, Dự án cần được tiếp tục mở rộng giai đoạn 3. Chủ trương đầu tư mở rộng giai đoạn 3 của tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT cần được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận. Sau khi được thông qua, đơn vị quản lý đường sẽ lập dự án mở rộng với tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến huyết mạch cửa ngõ phía nam thành phố Hà Nội được đầu tư theo hình thức BOT. Tuyến đường dài 29 km với 6 làn, có tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng.

Nhà hàng ở Mã Pì Lèng bị yêu cầu dừng hoạt động

Qua kiểm tra, Sở Xây dựng cho rằng, nhà hàng Panorama cải tạo không đúng phương án kiến trúc được duyệt, phần mái cao hơn, bốn mặt sàn chưa phá dỡ.

Nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng sau nửa năm cải tạo

Nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng sau nửa năm cải tạo

Ngày 18/1, ông Lê Thanh Sơn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang cho biết, Sở vừa có văn bản báo cáo UBND tỉnh Hà Giang về kết quả kiểm tra việc cải tạo nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng.

UBND Tỉnh đồng ý với đề xuất của Sở là yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng hoạt động nhà hàng cho đến khi cải tạo xong theo đúng phương án được phê duyêt. Đồng thời, chủ đầu tư phải phá dỡ 4 sàn nhô ra phía sông Nho Quế (mỗi sàn phá dỡ một nửa).

Cuối tháng 12/2020, Sở Xây dựng Hà Giang đã lập đoàn công tác kiểm tra việc cải tạo công trình nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng. Qua đó ghi nhận, chủ đầu tư đã phá dỡ toàn bộ mái đua tầng hai phía tiếp giáp đường giao thông, diện tích 33 m2. Phần phá dỡ này đúng theo phương án cải tạo đã được cơ quan quản lý ở địa phương phê duyệt (phương án cải tạo).

Qua kiểm tra cho thấy việc cải tạo công trình của chủ đầu tư không tuân thủ đúng phương án kiến trúc được duyệt, báo cáo của Sở Xây dựng nêu và khẳng định, nếu thực hiện đúng phương án, tổng diện tích sàn của nhà hàng Panorama sẽ giảm 131 m2 so với ban đầu.

Vì vậy, Sở Xây dựng đề nghị UBND huyện Mèo Vạc yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh của nhà hàng, cho đến khi hoàn tất cải tạo công trình. Đồng thời, chủ đầu tư phải sửa lại kiến trúc nhà hàng đúng phương án được duyệt. Huyện Mèo Vạc giám sát chặt chẽ quá trình cải tạo, không để chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế, không tuân thủ đúng theo thiết kế đã thẩm định.

Hãng bay phải luân chuyển, không để tàu bay nằm sân quá một tháng

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không thực hiện luân chuyển tàu bay khai thác để đảm bảo việc bảo quản dừng bay không quá 1 tháng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hãng bay phải luân chuyển, không để tàu bay nằm sân quá một tháng

Hãng bay phải luân chuyển, không để tàu bay nằm sân quá một tháng

Cục Hàng không Việt Nam vừa có Chỉ thị tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình bảo quản dừng bay trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, bảo dưỡng tàu bay, số lượng tàu bay bảo quản dừng bay tiếp tục tăng cao.

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nhằm giảm thiểu rủi ro do bảo quản dừng bay, Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không thực hiện luân chuyển tàu bay khai thác để đảm bảo việc bảo quản dừng bay không quá 1 tháng.

Trường hợp tàu bay thực hiện bảo quản dừng bay trên 1 tháng do hỏng hóc, sự cố, không đủ cấu hình, hãng hàng không phải báo cáo Cục Hàng không Việt Nam và được Cục chấp thuận (trừ trường hợp tàu bay thực hiện bảo dưỡng định kỳ).

Bên cạnh đó, các hãng hàng không, tổ chức bảo dưỡng thường xuyên theo dõi và cập nhật các quy định, hướng dẫn của nhà sản xuất về bảo quản dừng bay và phải triệt để tuân thủ.

Cục trưởng cũng yêu cầu tăng cường các biện pháp kiểm tra, bảo dưỡng trong quá trình bảo quản dừng bay, khắc phục ngay các hiện tượng bất thường.

30.000 tỷ đồng nâng cấp 11 đường kết nối Long An - TP.HCM

11 tuyến đường huyết mạch kết nối Long An với TP.HCM đang được mở rộng, sẽ hoàn thành sau 5 năm nữa, tổng kinh phí gần 30.000 tỷ đồng.

Đường Vành đai TP. Tân An dài hơn 23 km, rộng 33 m sẽ hoàn thành sau 5 năm

Đường Vành đai TP. Tân An dài hơn 23 km, rộng 33 m sẽ hoàn thành sau 5 năm

Đây là những công trình đột phá, trọng điểm giai đoạn 2020 - 2025, sẽ được tỉnh Long An triển khai đầu tư trong quý I/2021, ông Nguyễn Hoài Trung (Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An) cho biết ngày 18/1.

Các công trình này gồm: đường Lương Hòa - Bình Chánh dài 6,2 km, quy mô đường đô thị, nền đường rộng 60 m với điểm đầu ở bờ sông Vàm Cỏ Đông (Bến Lức), điểm cuối là ranh TP.HCM.

Đường Hựu Thạnh - Tân Bửu (Bến Lức) dài 12,8 km. Điểm đầu giao với đường kết nối Đường tỉnh 830 đến đường Hải Sơn - Tân Đô, điểm cuối là cầu Tân Bửu. Quy mô đường đô thị 6 làn xe cơ giới, 4 làn hỗn hợp, nền đường rộng 102 m.

Đường tỉnh 826E (Cần Giuộc), đoạn từ giao ĐT826C đến cầu Cần Giuộc, dài 1,6 km với quy mô 6 làn xe, rộng 40 m.

Đường kết nối đường dẫn vào cầu Rạch Dơi (Cần Giuộc) đến đường tỉnh 826E, dài khoảng 2 km, nền đường rộng 40 m.

Đường trục động lực Đức Hòa dài khoảng 22 km, 4 làn xe, rộng 33 m.

Đường tỉnh 824, đoạn từ ngã ba Mỹ Hạnh đến cầu Kênh Ranh (Đức Hòa), dài gần 2,2 km, rộng 25 m; mở rộng đường song hành hai bên thêm 5 m, mặt đường rộng 15 m, 4 làn xe.

Đường Tân Tập - Long Hậu (Cần Giuộc) đoạn từ đường Vành đai 4 đến ĐT830 dài 4,6 km, quy mô đường cấp 3 đồng bằng.

Dự án cuối cùng là nâng cấp, mở rộng nút giao đường Hùng Vương - Quốc lộ 62 (TP. Tân An).

Theo ông Trung, 11 tuyến đường sẽ được triển với cơ cấu vốn 61,2% từ ngân sách nhà nước (khoảng 18.308 tỷ đồng) và 38,8% vốn huy động từ các thành phần kinh tế (khoảng 11.620 tỷ đồng).

Thí điểm dán tem phân biệt đào rừng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị thí điểm dán tem phân biệt đào rừng ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, sau đó nhân rộng ra các nơi.

Đào rừng khoe sắc bên căn nhà gỗ của người Mông tại bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái

Đào rừng khoe sắc bên căn nhà gỗ của người Mông tại bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái

Ngày 18/1, một tuần sau đề xuất dán tem phân biệt đào rừng của tỉnh Sơn La, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản trả lời, khẳng định cá nhân hoặc tổ chức tự bỏ vốn trồng đào, mai và một số loại cây khác, ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên, sẽ được tự quyết định việc khai thác.

Bộ đề nghị các tỉnh tùy theo điều kiện cụ thể, trước mắt có thể dùng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp với cây đào, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, gây ách tắc trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bộ sẽ nghiên cứu cơ chế khả thi về vấn đề này để áp dụng thống nhất cả nước.

Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi Thủ tướng nêu yêu cầu nghiêm cấm chặt đào rừng và các loại cây trong rừng tự nhiên về chơi Tết, ông đã dẫn đầu đoàn công tác khảo sát ở một số nơi thuộc tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên. Có những hộ ở Sa Pa (Lào Cai) mỗi năm trồng một hecta gồm đào lấy quả, đào hoa... thu về 200 - 300 triệu đồng.

Về đề xuất dán tem truy xuất nguồn gốc để phân biệt đào rừng, ông Tuấn thừa nhận khó áp dụng việc dán tem cây đào trên toàn quốc trong năm nay bởi đã cận kề Tết Tân Sửu 2021. Vì vậy, ông đề xuất trước mắt nên thí điểm dán tem truy xuất nguồn gốc cây đào ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La như đề nghị của địa phương. Sau đó, Bộ và tỉnh sẽ rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Chính phủ yêu cầu Hà Nội, TP.HCM loại bỏ xe cũ nát

Hà Nội, TP.HCM và địa phương có nguy cơ cao ô nhiễm không khí phải thu hồi, loại bỏ xe cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành, gây ô nhiễm môi trường.

Phương tiện giao thông ùn tắc trên đường phố Hà Nội

Phương tiện giao thông ùn tắc trên đường phố Hà Nội

Ngày 18/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường; trong đó, yêu cầu các địa phương đẩy nhanh phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện dùng năng lượng sạch, không phát thải. Người dân được khuyến khích đi lại bằng giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn quốc gia về môi trường với khí thải phương tiện giao thông đường bộ. Cuối năm 2021, Bộ báo cáo Thủ tướng về lộ trình áp dụng quy chuẩn này với các loại xe, xây dựng chứng nhận nhãn sinh thái với phương tiện thân thiện môi trường.

Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương phát triển phương tiện, hệ thống giao thông thân thiện môi trường, trong đó có xe điện. Bộ Công Thương xây dựng chính sách khuyến khích dùng năng lượng sạch, rà soát việc sử dụng nhiên liệu cho xe cơ giới đúng quy chuẩn. Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy chuẩn quốc gia về nhiên liệu, theo hướng giảm phát thải gây ô nhiễm không khí.

Hà Nội, TP.HCM và những nơi có nguy cơ cao ô nhiễm không khí xây dựng biện pháp ứng phó nếu ô nhiễm nghiêm trọng; kiểm kê nguồn khí thải, quan trắc về ô nhiễm bụi (PM10, PM2.5); hoàn thành cuối năm 2021.

Đề nghị truy tố Giám đốc Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam

Ngoài bị can là pháp nhân Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam, cơ quan điều tra còn đề nghị truy tố ông Lê Đình Trung về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Cục quản lý thị trường phát hiện hơn 4.000 thùng bia Sài Gòn Việt Nam vi phạm quyền sở hữu công nghiệp

Cục quản lý thị trường phát hiện hơn 4.000 thùng bia Sài Gòn Việt Nam vi phạm quyền sở hữu công nghiệp

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có kết luận điều tra, chuyển VKS cùng cấp, đề nghị truy tố bị can đối với pháp nhân Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam và bị can Lê Đình Trung (Giám đốc Công ty) về tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Theo kết luận điều tra, tháng 5/2019, ông Lê Đình Trung cùng 2 người khác góp vốn thành lập Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam.

Trung có thời gian dài làm việc tại Tổng công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Ông ta biết rõ uy tín và danh tiếng của hãng bia này nên đã liên kết thành lập công ty, thiết kế kiểu dáng bao bì, nhãn hiệu "nhái" Sabeco và bán ra thị trường để thu lợi bất chính.

Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam đã ký hợp đồng với cơ sở sản xuất bia BiVa để sản xuất.

Ngày 23/6/2020, hai bên đang giao hàng lô thứ 3 thì bị Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản 4.712 thùng bia thành phẩm, 116.700 vỏ lon bia và 3.300 vỏ thùng bia có dấu hiệu xâm phạm quyền đã được bảo hộ.

Cơ quan điều tra đã trưng cầu Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ giám định, xác định yếu tố xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Theo nhà chức trách, hành vi của Lê Đình Trung và Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam đã xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 1,4 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục