Bản tin thời sự sáng 19/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Thủ tướng yêu cầu cho học sinh đến trường sớm nhất có thể; thưởng Tết Nhâm Dần giảm; ngày 20/1 sẽ xét xử ba cựu cán bộ Bệnh viện Bạch Mai cùng đồng phạm nâng khống giá thiết bị; khởi tố vụ án gian lận thi chuyên viên chính tại Lạng Sơn; Công ty Chứng khoán Tiên Phong bị phạt vì cọc 500 tỷ đồng mua đất nhưng không báo cáo…

Thủ tướng yêu cầu cho học sinh đến trường sớm nhất có thể

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hướng dẫn các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp sớm nhất có thể, theo yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hướng dẫn các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp sớm nhất có thể

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hướng dẫn các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp sớm nhất có thể

Nội dung trên được nêu trong thông báo kết luận, ban hành ngày 18/1, của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và các địa phương, thống nhất lộ trình để mở cửa trở lại các cơ sở giáo dục trên cả nước. Từ đây, các bộ báo cáo kết quả, đề xuất phương án để lãnh đạo Chính phủ xem xét, quyết định.

Học sinh trên 12 tuổi nên được đi học trực tiếp sau Tết Nguyên đán, nhất là với địa phương đạt tỷ lệ cao về tiêm chủng đủ liều cho các em 12 - 17 tuổi.

Đến cuối năm 2021, cả nước chỉ có 9 tỉnh, thành dạy học trực tiếp, 34 địa phương kết hợp trực tiếp - trực tuyến; còn lại chỉ tổ chức dạy trực tuyến.

Tại TP.HCM, hơn 600.000 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 được học trực tiếp hơn một tháng nay. Thành phố dự kiến mở cửa đón trẻ mầm non, học sinh lớp 1 - 6 từ 14/2, tức sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Hà Nội là địa phương cho học trực tuyến thời gian dài và ở quy mô rộng nhất cả nước. Hiện mới có khoảng 64.000 em, trên tổng số 2,2 triệu học sinh phổ thông ở Hà Nội, được học trực tiếp, còn lại vẫn ở nhà suốt 8 tháng qua. Hà Nội cũng dự kiến cho 100% học sinh khối 7 - 12 trở lại trường sau Tết.

Thưởng Tết Nhâm Dần giảm

Mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần bình quân của người lao động đạt 6,17 triệu đồng, bằng 97% so với thưởng Tết Tân Sửu.

Mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần bình quân của người lao động đạt 6,17 triệu đồng

Mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần bình quân của người lao động đạt 6,17 triệu đồng

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo tiền lương, thưởng Tết tại hơn 41.300 doanh nghiệp, với 3,83 triệu lao động, chiếm gần 16% tổng lao động làm công hưởng lương trên cả nước.

Khoảng 62,7% trong tổng số doanh nghiệp báo cáo có thưởng Tết Nhâm Dần. Mức thưởng đạt 6,17 triệu đồng, bằng 97% so với Tết Tân Sửu (6,36 triệu đồng). Như vậy, thưởng Tết tiếp tục giảm do năm thứ hai chịu tác động của đại dịch.

Thưởng Tết Nhâm Dần bình quân tại một số khối cao hơn so với mặt bằng chung. Dẫn đầu là doanh nghiệp FDI với 6,66 triệu đồng mỗi người; tiếp đến là doanh nghiệp dân doanh 5,92 triệu đồng và công ty do nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ đạt 5,59 triệu đồng.

Chỉ hơn 23.000 doanh nghiệp báo cáo có thưởng Tết Dương lịch, bình quân 1,36 triệu đồng. Mức này bằng 58% so với thưởng Tết Dương lịch năm trước (2,34 triệu đồng một người), giảm ở tất cả khối doanh nghiệp.

Thưởng Tết Dương lịch bình quân ghi nhận cao nhất ở khối FDI, đạt 1,69 triệu đồng mỗi người; tiếp đến là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ, đạt 1,47 triệu đồng; khối dân doanh 1,16 triệu đồng.

Ngược lại với thưởng Tết, tiền lương bình quân năm 2021 tăng 4% so với năm trước đó, ước đạt 7,54 triệu đồng mỗi người.

Ngày 20/1 sẽ xét xử ba cựu cán bộ Bệnh viện Bạch Mai cùng đồng phạm nâng khống giá thiết bị

Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh bị cáo buộc nhận 400 triệu đồng và 10.000 USD, "tạo điều kiện" cho Công ty BMS nâng khống giá robot phẫu thuật gấp 5 lần.

Ông Nguyễn Quốc Anh, cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Ông Nguyễn Quốc Anh, cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Ông Nguyễn Quốc Anh không phải cựu lãnh đạo duy nhất của Bệnh viện Bạch Mai nhận tiền từ Công ty BMS. Theo cáo buộc của VKSND Tối cao, ông Nguyễn Ngọc Hiền (cựu Phó giám đốc) nhận 150 triệu đồng, bà Trịnh Thị Thuận (cựu Kế toán trưởng) nhận 50 triệu đồng.

Ba cựu cán bộ Bệnh viện Bạch Mai nêu trên cùng 5 đồng phạm sẽ bị TAND Hà Nội xét xử ngày 20/1 về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Điều 356, Bộ luật Hình sự. Phiên toà dự kiến diễn ra trong 2 ngày, thẩm phán Chử Phương Ngọc làm chủ toạ.

Cáo trạng của VKSND Tối cao xác định, năm 2012, Bệnh viện Bạch Mai triển khai đề án sử dụng các trang thiết bị y tế từ nguồn xã hội hóa.

Cáo trạng xác định, robot "hàng mới 100%, nguyên giá máy 7 tỷ đồng và thuế nhập khẩu 5%, có tổng trị giá 7,4 tỷ đồng", tức là chỉ bằng gần 1/5 giá mà BMS và Bệnh viện Bạch Mai đã thoả thuận, 39 tỷ đồng.

Cuối tháng 2/2017, ông Quốc Anh ký văn bản giá dịch vụ robot Rosa là 36 triệu đồng/ca, trong đó Công ty BMS được hưởng các khoản chi phí không đúng quy định gồm tiền khấu hao thiết bị 23 triệu đồng và chi phí lãi vay 4 triệu đồng, dù thực tế BMS không vay vốn.

Giá này đồng nghĩa, mỗi bệnh nhân phải trả thêm hơn 16 triệu đồng so với thực tế cho mỗi ca phẫu thuật sử dụng robot này, cáo trạng xác định.

Đến tháng 5/2020, tổng cộng 639 người bệnh tại Bạch Mai sử dụng robot Rosa, trong đó 2 ca miễn phí. Do đó, VKS Tối cao xác định, hậu quả của vụ án được tính là thiệt hại cho 637 người bệnh, hơn 10 tỷ đồng.

Đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng xây đường tránh thành phố Long Xuyên

Tuyến tránh TP. Long Xuyên (An Giang) dài hơn 15 km nối Quốc lộ 91 với cầu Vàm Cống nhằm giảm ùn tắc, hoàn chỉnh mạng lưới giao thông miền Tây vừa được khởi công ngày 18/1.

Phối cảnh tuyến tránh TP Long Xuyên

Phối cảnh tuyến tránh TP Long Xuyên

Dự án gồm đoạn nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên tổng chiều dài 15,3 km, thiết kế 2 làn xe, vận tốc 80 km/h, qua xã Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh) và phường Thới Thuận, (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) và qua 6 phường thuộc TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang. Dự án còn nâng cấp Quốc lộ 80 dài 2 km.

Phát lệnh khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tiếp nối dự án cầu Cao Lãnh, Vàm Cống và cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi... đã đưa vào khai thác, dự án này góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông hiện hữu. Công trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh quốc phòng của tỉnh An Giang, TP. Cần Thơ và khu vực Tây Nam bộ. Bộ Giao thông Vận tải cần đảm bảo tiến độ thi công Dự án trong 23 tháng và hoàn thành cuối năm 2023.

Khởi tố vụ án gian lận thi chuyên viên chính tại Lạng Sơn

Công an tỉnh Lạng Sơn vừa khởi tố vụ án “Mua bán tài liệu bí mật nhà nước” xảy ra tại Kỳ thi chuyên viên chính năm 2021 ở Lạng Sơn. Bước đầu cơ quan điều tra xác định có 5 đối tượng là công chức, viên chức tại địa phương này có liên quan vụ án.

Công an tỉnh Lạng Sơn vừa khởi tố vụ án “Mua bán tài liệu bí mật nhà nước” xảy ra tại Kỳ thi chuyên viên chính năm 2021 ở Lạng Sơn. Ảnh minh họa

Công an tỉnh Lạng Sơn vừa khởi tố vụ án “Mua bán tài liệu bí mật nhà nước” xảy ra tại Kỳ thi chuyên viên chính năm 2021 ở Lạng Sơn. Ảnh minh họa

Theo điều tra ban đầu, Liễu Minh Tuấn là cán bộ Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Lao động việc làm, bảo hiểm xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn cùng một số cán bộ, viên chức đang công tác tại một số sở, ban ngành ở tỉnh và các huyện trên địa bàn tham gia thi chuyên viên chính năm 2021 tỉnh Lạng Sơn. Tuấn cùng một số người đã móc nối với Đinh Thị Giang là cán bộ Phòng Công chức, Viên chức cùng 3 cán bộ khác công tác tại Sở Nội vụ để mua đề bài thi.

Trong thời gian thi, Đinh Thị Giang cùng 3 cán bộ Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn trong “Tổ thư ký” đã sao chép đề, tuồn tài liệu ra ngoài cho người khác giải sau đó đem cho một số người trong phòng thi chép lại. Sự việc bị lực lượng chức năng địa phương phát hiện, bắt quả tang.

Vụ án đang được Công an tỉnh Lạng Sơn tiếp tục điều tra, mở rộng.

Chuẩn bị các điều kiện sớm khai thác đường bay Cà Mau - Hà Nội

Trong năm 2022, Chủ tịch tỉnh Cà Mau giao các đơn vị có liên quan chuẩn bị các điều kiện để sớm khai thác đường bay từ Cà Mau đi Hà Nội.

Sân bay Cà Mau

Sân bay Cà Mau

Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã giao Sở Giao thông vận tải phối hợp các đơn vị có liên quan, khẩn trương tham mưu UBND Tỉnh chuẩn bị các điều kiện để sớm khai thác đường bay từ Cà Mau đi Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng về việc đầu tư nâng cấp sân bay Cà Mau.

Sân bay Cà Mau hiện có đường hạ, cất cánh dài 1.500 m, là sân bay hàng không dân dụng cấp 3C và quân sự cấp 2, có khả năng tiếp nhận các loại máy bay như ATR 72-500, AN-2, MIA-17, KINGAIR B200 và các loại máy bay khác có tải trọng tương đương.

Hiện nay, sân bay Cà Mau đang khai thác chuyến bay Cà Mau - TP.HCM và ngược lại bằng loại máy bay ATR 72-500.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, mỗi năm tỉnh này đón cả triệu lượt khách du lịch, trong khi mỗi ngày chỉ có một chuyến bay đến và đi; còn các tuyến đường quốc lộ liên kết vùng hầu hết có quy mô 2 làn xe cơ giới.

Do đó, việc đầu tư nâng cấp đường cất, hạ cánh sân bay Cà Mau dài 2.400 m, xây dựng khu hàng không dân dụng đạt cấp 4C, phục vụ các loại máy bay A320, A321 và có thể khai thác các đường bay tầm trung như Cà Mau - Hà Nội, Cà Mau - Đà Nẵng… là hết sức cấp thiết.

Trong năm 2021, Cà Mau cũng đã làm việc với một hãng hàng không, đơn vị này dự kiến khai thác các chặng bay từ Hà Nội và TP.HCM đến sây bay Cà Mau bằng tàu bay Embraer E175.

Công ty Chứng khoán Tiên Phong bị phạt vì cọc 500 tỷ đồng mua đất nhưng không báo cáo

Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong đặt cọc 500 tỷ đồng nhận chuyển nhượng đất của Công ty Đầu tư Sài Gòn Thủ Thiêm nhưng không công bố thông tin.

Công ty chứng khoán Tiên Phong bị phạt vì cọc 500 tỷ đồng mua đất nhưng không công bố thông tin. Ảhh minh họa

Công ty chứng khoán Tiên Phong bị phạt vì cọc 500 tỷ đồng mua đất nhưng không công bố thông tin. Ảhh minh họa

Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong - TPS (mã chứng khoán: ORS) vừa công bố quyết định bị xử phạt do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành.

Theo kết quả giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, TPS vào tháng 12/2020 đã ký hợp đồng đặt cọc với Công ty CP Đầu tư Sài Gòn Thủ Thiêm để nhận chuyển nhượng bất động sản làm trụ sở với giá trị hợp đồng 650 tỷ đồng và thực hiện đặt cọc 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, TPS đã không công bố thông tin theo quy định.

Do đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt vi phạm hành chính 85 triệu đồng đối với Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong theo quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 33 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Tin cùng chuyên mục